| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở vùng giáp ranh, Phú Thọ phản bác thông tin của Hà Nội

Thứ Hai 03/06/2024 , 21:48 (GMT+7)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, phản ánh của UBND thành phố Hà Nội về hiện tượng sạt lở do khai thác cát ở khu vực giáp ranh không khách quan.

Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh: BK.

Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh: BK.

Ngày 3/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ thông tin, cơ quan này vừa có báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ thông tin báo chí truyền thông và phản ánh của UBND thành phố Hà Nội về hiện tượng sạt lở, hoạt động khai thác cát ở khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ.

Sau khi có thông tin phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức và Công ty TNHH Tiến Nga, hai đơn vị được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các xã Phong Vân, Thái Hòa.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển khoáng sản Phú Đức được cấp phép khai thác mỏ cát lòng sông Hồng thuộc xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, diện tích 25,6 ha, trữ lượng khai thác 664.913,5 m3 tại khu vực giáp ranh với xã Phong Vân, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Công ty TNHH Tiến Nga được phép khai thác mỏ cát lòng sông Hồng thuộc xã Hồng Đà (nay là xã Dân Quyền), huyện Tam Nông, diện tích 32,9 ha, trữ lượng được phép khai thác tính đến thời điểm gia hạn là 1.258.751 m3, giáp ranh với xã Phong Vân và xã Thái Hòa.

Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ bờ sông phía Hà Nội thuộc địa bàn xã Thái Hòa, xã Phong Vân đã được kè kiên cố. Tổng chiều dài giáp ranh khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản khoảng 5 km. Đại diện Công ty TNHH Tiến Nga cho rằng, thông tin phản ánh từ truyền thông, báo cáo của UBND huyện Ba Vì về hiện tượng nứt nhà, nứt công trình do hoạt động khai thác của công ty là không đủ cơ sở.

Tàu chở cát ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BK.

Tàu chở cát ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BK.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Thời điểm kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức và Công ty TNHH Tiến Nga cơ bản đều chấp hành đúng quy định của giấy phép, chưa có đơn vị nào vi phạm quy định về thời gian được phép khai thác; không khai thác ngoài phạm vi, ranh giới được phép khai thác…

Các đơn vị đã chấp hành đúng số lượng phương tiện đã đăng ký và thông báo trong kế hoạch khai thác, phương tiện đều có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực, lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động khai thác đầy đủ và được kết nối với hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản của tỉnh Phú Thọ...

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu Công ty TNHH Tiến Nga tạm dừng hoạt động khai thác để theo dõi, đánh giá chính xác ảnh hưởng của việc khai thác đến lòng, bờ, bãi sông; làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội để cung cấp thông tin các mỏ thuộc khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh và tổ chức triển khai công tác phối hợp giữa hai địa phương theo Quy chế phối hợp giữa hai bên.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, thông tin báo chí đưa tin và phản ánh của UBND thành phố Hà Nội về hiện tượng sạt lở và hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm; các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động là không khách quan. Việc UBND huyện Ba Vì báo cáo, phản ánh về tình hình khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, khu vực giáp ranh huyện Ba Vì mà không thông báo, phối hợp với UBND huyện Lâm Thao, UBND huyện Tam Nông để đánh giá, xử lý cho thấy, việc thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội của cơ quan cùng cấp chưa tốt.

Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có ý kiến phản hồi UBND thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ khảo sát, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh thuộc địa bàn xã Thái Hòa và xã Phong Vân, huyện Ba Vì.

"UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá, làm rõ mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi bên phía tỉnh Phú Thọ ảnh hưởng tới lòng bờ, bãi sông phía Hà Nội, tránh việc thông tin tới các cơ quan truyền thông không chính xác, khách quan khi chưa đủ cơ sở khoa học", văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ nêu.

Bên cạnh đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội thông báo kết quả khảo sát, đánh giá việc khai thác cát sỏi bên phía tỉnh Phú Thọ ảnh hưởng đến lòng, bờ, bãi sông bên phía thành phố Hà Nội tới UBND tỉnh Phú Thọ để phối hợp, quản lý theo quy định.

Trước đó UBND thành phố Hà Nội có văn bản nêu rõ thực trạng, tồn tại và các vi phạm từ hoạt động khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa hai địa phương Hà Nội và Phú Thọ. Sau loạt thông tin phản ánh hiện tượng sạt lở ở huyện Ba Vì, UBND thành phố hà Nội đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác cát trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội để bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, ngăn chặn xử lý dứt điểm vi phạm trong khu vực.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Kênh Chợ Gạo mở rộng gấp 3 lần do sạt lở

Tiền Giang Nhiều năm qua, do ảnh hưởng bởi thiên tai, kênh Chợ Gạo rộng thêm gấp 3 lần so với trước đây.

Hà Nội bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch

Trong dịp Tết Dương lịch, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa 5 điểm (6 trận địa) tại các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh.