Con đường độc đạo dẫn vào khu dân cư đã bị mực nước sâu nhấn chìm. Đứng từ trên đê, xóm Bến Vôi giống như một ốc đảo biệt lập. 116 hộ dân đã bị ngập khiến cuộc sống của gần 600 người đảo lộn suốt nửa tháng qua.
Phương tiện duy nhất để di chuyển vào thôn là thuyền |
Ông Bùi Đào Hoàng - trưởng thôn Cấn Hạ cho biết, lúc đỉnh điểm, con đường dài 800m dẫn từ đê sông Tích ra xóm Bến Vôi (nằm ở ngoài đê) ngập sâu 1,4m. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dân có thuyền di chuyển chỉ khoảng 20%. Trước tình hình trên, sáng 22/7, Huyện đội Quốc Oai đã bố trí ca nô chuyên chở cư dân di chuyển từ xóm ra đê.
Ông Hoàng cho biết, những cư dân đầu tiên sống ở xóm Bến Vôi đều là dân vạn chài. Trước đây, họ cư ngụ trên những ngôi nhà nổi trên sông Tích để thuận tiện cho việc đánh cá. Mãi đến năm 1960, khi hình thành hợp tác xã, chính quyền địa phương đã kêu gọi họ lên bờ dựng nhà định cư và sản xuất nông nghiệp. Từ mấy chục hộ dân ban đầu, nay làng đã có trên 100 hộ.
Do cư dân nơi đây đã xác định sống chung với lũ lụt (năm nào cũng có 2 - 3 trận lũ), vì thế người dân xóm Bến Vôi đã chủ động tôn cao nền nhà chính để khi nước dâng không bị ngập quá nhiều. Bà Trương Thị Quyền, một người dân trong khu ngập lụt cho biết: Tuy nhà chính của gia đình tôi chỉ bị ngập 20cm, nhưng mọi công trình phụ đều không thể sử dụng được. Khốn khổ nhất là lúc đi vệ sinh, chẳng biết “xả ra” chỗ nào khi đâu đâu cũng là nước. Nhiều gia đình phải gửi con nhỏ vào các xóm trong đê nhờ người thân chăm sóc, chờ lúc nước rút mới đón về.
Ảnh: M.P |
Làng nằm ở ngoài đê, dân xóm Bến Vôi xác định mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ lúa, còn vụ mùa để hoang. Tuy thiệt hại về hoa màu không nhiều nhưng thống kê của trưởng thôn Cấn Hạ cho thấy, thiệt hại sản xuất phải lên tới 1,2 tỷ đồng. Trường hợp bị thiệt hại nặng nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Thường, vừa mới thả 7 tấn cá giống xuống hồ thầu của thôn rộng 2,7ha thì bị nước lũ nhấn chìm. Hàng chục hộ chăn nuôi cũng bị thất lạc, chết gia cầm thủy cầm với số lượng lên tới hàng ngàn con.
Ông Thiện - một người dân xóm Bến Vôi cho biết, nhiều năm qua, địa phương đã thống nhất với ngành điện lực thống nhất bố trí đường điện lên cao. Nếu xảy ra ngập lụt, chỉ có ngôi nhà chính có điện, còn lại các công trình khác đều cắt hết. Rất may là đến thời điểm này chưa có vụ tai nạn điện nào xảy ra.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã hỗ trợ mỗi gia đình bị ngập lụt trong xã (bao gồm cả thôn Định Tú, với 121 hộ cũng đang bị ngập) 1 triệu đồng. Các nhà hảo tâm khác đã hỗ trợ mỗi gia đình 4 thùng mì tôm, 40 lít nước tinh khiết.
Từ ngày 29/7, mực nước đã có dấu hiệu rút khoảng 40cm, tuy nhiên tuyến đường dẫn vào thôn đến thời điểm hiện tại vẫn còn bị ngập sâu khoảng 80m. Dự kiến phải 1 tuần nữa bà con mới có thể đi lại trên đường.
Đến trạm bơm cũng phải đắp thêm bao cát ở bể xả để... chống ngập |
Được biết, năm 1980, xã Cấn Hữu và huyện Quốc Oai đã bố trí diện tích đất thổ cư và đất sản xuất để bà con các xóm ngoài đê di dời vào nơi cao ráo trong đê. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở các xóm Định Tú, Cấn Hạ, Cấn Thượng không đồng ý, bởi họ muốn ở đây để thuận lợi cho nghề đánh cá.
Những ngày qua, trên tuyến Quốc lộ 412B cũng bị tê liệt hoàn toàn, mực nước quá sâu, nhiều phương tiện cơ giới không thể di chuyển.
Nhiều khu vực nội đồng (trong đê sông Tích, sông Bùi) cũng bị ngập sâu khiến những thửa ruộng mới cấy thiệt hại. Tuy nhiên, vì mực nước trên các sông đang ở mức rất cao, bởi vậy TP Hà Nội chỉ đạo ngành thủy lợi tạm ngừng bơm tiêu nước từ nội đồng ra sông. Đến sáng 1/8, khi nước sông có dấu hiệu rút, một số trạm bơm đã vận hành trở lại để cứu lúa.