Dưa hấu dán tem như người có “visa”
Ông Chiến ngạc nhiên bởi chuyện này không có gì mới, mà từ đầu năm đến nay, tất cả những lô hàng dưa hấu XK sang Trung Quốc của ông đã thực hiện việc này.
Dưa hấu dán tem như người được cấp “visa” nhập cảnh vào Trung Quốc |
“Họ yêu cầu thì mình phải làm, những xe dưa được dán tem khi qua cửa khẩu được ngành chức năng Trung Quốc kiểm tra, đúng mã số thì họ cho đi tiêu thụ. Dưa hấu được dán tem cứ như người có visa nhập cảnh vào Trung Quốc”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, mỗi xe dưa được cung cấp 2 cuộn tem với 9.000 con tem cùng 1 mã số. Bình quân 1 quả dưa loại 1 có trọng lượng 3kg/quả, như vậy 1 xe chỉ chở được 9.000 quả dưa, khoảng 27 tấn.
Chiếc xe tải chở lô hàng ấy cũng được cấp 1 “mã số thông hành” trùng khớp với mã số của 2 cuộn tem. Khi qua cửa khẩu, tài xế xe tải trình cho ngành chức năng phía Trung Quốc “mã số thông hành” của chiếc xe, sau khi kiểm tra từ máy chủ, thấy “mã số thông hành” của xe trùng khớp với mã số tem thì xe dưa được qua cửa khẩu để đi tiêu thụ.
Đặc biệt, tem cấp cho lô dưa này nếu dán thừa cũng không được dán cho lô dưa khác, bởi như thế thì “mã số thông hành” của xe sẽ không trùng khớp với mã số tem, xe dưa sẽ bị ách lại không cho thông quan.
Phải thay đổi tư duy canh tác
Theo ông Nguyễn Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH TM Trang Nông (Khánh Hòa), cách thu mua dưa hấu dễ dãi của thị trường Trung Quốc lâu nay đã làm “hư” nông dân Việt. Từ trước đến nay, dưa hấu được nông dân trồng theo kiểu tự phát, canh tác thì tiện đâu làm đấy, không theo quy trình nào. Đến vụ thu hoạch, thương lái cứ đánh xe đến ruộng mua dưa, chất lên xe, rồi xuất sang Trung Quốc chứ không màng đến chất lượng sản phẩm, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Từ đầu năm đến nay, những quả dưa hấu phải được dán tem trước khi nhập vào thị trường Trung Quốc |
“Bây giờ, khi dưa hấu là 1 trong những loại trái cây được đưa vào chính ngạch thì sản phẩm này phải tuân thủ những điều lệ bắt buộc. Thị trường Trung Quốc yêu cầu dưa hấu nhập vào phải được dán tem truy xuất là đúng, phải làm”, ông Lãng phân tích.
Cũng theo ông Lãng, muốn đầu ra của dưa hấu ổn định tại thị trường Trung Quốc, ngành chức năng Việt Nam phải tăng cường công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho người trồng dưa nước ta là muốn XK sản phẩm thì phải chấp hành một số ràng buộc của thị trường, không thể làm tùy tiện.
Đặc thù của dưa hấu là không thể trồng đi trồng lại trên cùng 1 vùng đất, do đó, người trồng dưa hấu phải “du canh”, hết trồng Phú Yên thì lên các tỉnh Tây Nguyên thuê đất để trồng. Năm nay trồng vùng đất này, thu hoạch xong đi nơi khác thuê đất làm tiếp. Do làm trên đất thuê, nên có chuyện người trồng dưa thường lạm dụng phân bón để “đốt giai đoạn” quá trình sinh trưởng nhằm nhanh thu hoạch. Đây là cách làm không bền vững.
“Trước yêu cầu của Trung Quốc về chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của dưa hấu nhập khẩu vào thị trường nước này, để bảo đảm đầu ra về lâu về dài, nông dân cần thay đổi tư duy canh tác để tránh tình trạng tự mình hại mình. Điều mấu chốt nhất trong quy trình SX là phải tránh lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, nhất là thuốc kích thích. Điều đặc biệt cần tuân thủ là phải dừng dùng thuốc BVTV cho ruộng dưa ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch, để dưa được đảm bảo tiêu chí VSATTP.
“Bình Định không khuyến khích trồng dưa hấu bởi giá cả không ổn định, người trồng dưa luôn đối mặt với rủi ro cao. Tuy nhiên, diện tích trồng dưa hàng năm trên địa bàn không hề ít, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc của dưa hấu khi nhập vào thị trường này, về lâu về dài cần phải có những DN “cầm chịch”, xây dựng chuỗi SX dưa hấu gắn với tiêu thụ, đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ với thị trường Trung Quốc. Có như vậy con đường XK dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc mới được bền vững”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |