Cụ thể, để phục vụ công tác điều tra, ngày 10/4/2018, Bộ CA đã yêu cầu Cty Cổ phần nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (PCB) cung cấp hồ sơ liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, việc chỉ định thực hiện gói thầu EPC, việc điều chỉnh hợp đồng, hồ sơ miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng, số tài khoản của Cty CP nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, tài khoản thanh toán. Cơ quan CA cũng quan tâm tới: Hồ sơ về việc giải phóng mặt bằng; tổng số tiền đã đầu tư vào dự án thực tế và số tiền vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Dự án Ethanol Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên PVN - đại diện vốn Nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu. Nhà thầu thực hiện dự án do Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ định làm tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) lại chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Do đó Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định tại Khoảng 2 Điều 2 Luật Đấu thầu số 61/QH11.
Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thành 71,943 triệu USD, sau đó lại đề nghị điều chỉnh giảm xuống thành 69,152 triệu USD.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, hợp đồng EPC cuối cùng đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,823 triệu USD, trong đó 3,245 triệu USD tăng chưa có cơ sở.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, giá mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, nhưng tại thời điểm thanh tra đã tăng lên khoảng 4.446 đồng/kg, tăng 170% so với thời điểm lập dự án. Như vậy từ chỗ chi phí nguyên liệu chỉ chiếm 58% giá thành sản phẩm khi lập dự án, cuối cùng đã chiếm khoảng 65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Kết quả là tính đến năm 2014, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng. Nhận thấy sai phạm tại Dự án là quá nghiêm trọng, có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC nên Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự án Ethanol Dung Quất, chủ đầu tư là Cty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PCB); cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10/2014 gồm Cty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn: 599 tỷ đồng, chiếm 61%; PV Oil: 380 tỷ đồng, chiếm 38,75%; Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco): 2,45 tỷ đồng, chiếm 0,25%. Dự án Ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng năm 2009 và tới năm 2014 thì cơ bản hoàn thành. |