Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu về kiểm tra công tác chống đánh bắt IUU tại Bình Định. |
Hậu quả đã có không ít ngư dân phải chịu cảnh tù đày và lâm cảnh trắng tay vì bị tịch thu phương tiện, hiện đang có cuộc sống vất vưởng tại quê nhà với gánh nợ chồng chất.
Tự mình trao họa cho mình
Sau khi bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ chiếc tàu cá thứ 2 vào năm 2017, ngư dân Trần Tòng ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) suốt ngày thui thủi trong nhà, chẳng buồn ăn buồn nói, anh sống như người mất hồn.
Khách đến nhà hỏi thăm, anh Tòng cũng không buồn tiếp. Thậm chí anh không muốn nhìn vào mặt khách vì mặc cảm. Trò chuyện thì nhát gừng, khách hỏi gì trả lời nấy rất cộc lốc với tâm trạng không muốn bày tỏ nỗi lòng.
Chúng tôi hiểu lòng anh đang quá đau khổ khi bỗng chốc trở thành người trắng tay khi chiếc tàu cá thứ 2 lại tiếp tục bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ do đánh bắt vi phạm vùng biển. Trước đó, vào năm 2014, cũng vì đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển Malaysia mà anh Tòng đã bị nước này bắt giữ 1 chiếc tàu cá.
Chắp vá từ những mẩu chuyện nhát gừng, chúng tôi biết ngư dân Trần Tòng xuất thân từ gia đình có nhiều thế hệ theo nghề biển. Riêng anh đã theo nghề “ăn đằng sóng nói đằng gió” từ nhỏ, nay gần 50 tuổi mà đã có hơn 30 năm trong nghề. Do đó, đường đi nước bước trên biển có chỗ nào mà anh không biết. Vì thế, nguyên nhân tàu cá của anh vi phạm vùng biển nước ngoài là vì anh chủ động cho tàu sang đánh bắt, chứ không phải “đi lạc” như nhiều ngư dân cùng cảnh ngộ thường chống chế.
Theo anh Tòng, ngư trường truyền thống của mình ngày càng vắng cá, trong khi lao động nghề biển ngày càng hiếm, nên anh Tòng phải “mua bạn” từ Vũng Tàu với giá 6 triệu đồng/người/chuyến biển. Nghề lưới vây cần rất nhiều lao động, nên mỗi chuyến biển tàu của anh Tòng phải đi đến 12 người, trừ anh là chủ tàu, tiền bạn anh Tòng chi cho 11 lao động mất đến 66 triệu, cộng tiền tổn 120 triệu đồng, vị chi 1 chuyến biển anh chi phí hết gần 200 triệu đồng. Nếu đánh bắt không có cá sẽ bị mất tiền tổn lẫn tiền “mua bạn”. Do vậy, anh phải cho tàu đi đánh bắt “trộm” ở vùng biển nước khác để kiếm thu nhập. May nhờ rủi chịu, được ăn cả ngã về không.
Ai “may” đâu không biết, riêng anh Tòng đã phải chịu “rủi” đến 2 lần. Lần thứ nhất anh bị lực lượng chấp pháp của Malaysia bắt giữ chiếc tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng vào năm 2014. Thua keo này bày keo khác, anh thế chấp sổ đỏ nhà đất cho ngân hàng để vay vốn, hùn hạp thêm, anh Tòng đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ gần 2,5 tỷ làm ăn gỡ gạc. Để tìm kiếm những chuyến biển hiệu quả, anh Tòng tiếp tục đánh bắt bất hợp pháp tại ngư trường Malaysia, và rồi chiếc tàu cá thứ 2 của anh lại bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ vào năm 2017.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trước khi ra khơi. |
Mất đứt 2 chiếc tàu cá, anh Tòng trắng tay, không còn cơ hội làm ăn gỡ gạc, trong khi sổ đỏ đã “bị cột” ở ngân hàng, thêm gánh nợ chồng chất, Tòng không còn tinh thần để nghĩ đến chuyện làm ăn nuôi 3 đứa con. Cuộc sống gia đình anh giờ trông cả vào gánh hàng bán lẻ hành tiêu ớt tỏi của vợ bán ngoài chợ. “Vốn liếng hết rồi, tuổi cũng đã gần 50 nên không thể đi bạn để kiếm sống, tôi giờ đang không làm gì hết, khổ lắm”, anh Tòng nói.
Hậu quả của việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp nhãn tiền là vậy, thế nhưng nhiều chủ tàu vẫn không ớn, cứ tiếp tục vi phạm và cũng lâm cảnh trắng tay như ngư dân Trần Tòng. Cũng ở xã Hoài Hương, trong năm 2019 có 4 tàu cá bị các lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ, trong đó có 1 người bị Indonesia bắt cùng lúc 2 chiếc có tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Đó là ngư dân Lê Văn Đực ở thôn Nhuận An Đông.
Theo một cán bộ UBND xã Hoài Hương, mới tháng 4/2019, ngư dân Đực lên UBND xã ký cam kết không đánh bắt bất hợp pháp, thế nhưng đến tháng 7/2019 ông này đã bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt cùng lúc 2 tàu cá đang đánh bắt trái phép trên cùng vùng biển. Chẳng những vậy, ngư dân Đực còn bị giam tại Indonesia mới về cách đây hơn gần 1 tháng. Hai người còn lại là ngư dân Trần Bảo ở thôn Ka Kông và ngư dân Nguyễn Ngọc Hoàng ở thôn Nhuận An, mỗi người bị bắt giữ 1 tàu cá.
Mất cả chì lẫn chài
Đánh bắt bất hợp pháp vừa bị lực lượng chấp pháp nước sở tại thu giữ phương tiện, giam giữ chủ tàu, mà khi trở về địa phương còn phải chịu án phạt của ngành chức năng.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Định có 17 tàu cá cùng 119 thuyền viên vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý. Bên cạnh đó, có 52 trường hợp vi phạm bị cảnh báo qua hệ thống giám sát vệ tinh Movimar. UBND tỉnh Bình Định đã xử phạt hành chính 7 tàu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, mỗi tàu bị phạt 85 triệu đồng; đồng thời, thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác thủy sản của toàn bộ tàu cá vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương còn tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; công bố danh sách tàu cá vi phạm trên phương tiện thông tin truyền thông để răn đe, cảnh báo cho ngư dân.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra và có diễn biến phức tạp, chủ yếu là nhóm tàu hoạt động ở vùng biển phía Nam. Những tàu này gần như “định cư” hẳn trong đó, không về địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý tàu thuyền và xử lý vi phạm.
Tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trên biển Đông. |
Bên cạnh đó, công tác thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, khi tàu cá vi phạm cơ quan chức năng tỉnh chỉ nhận được thông báo của nước sở tại qua đường ngoại giao, cơ quan thực hiện xử lý không có biên bản vụ việc. Việc thực hiện các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật tại các địa phương trong cả nước chưa đồng bộ, tạo ra sự khó khăn trong công tác triển khai Luật.
Bình Định đã triển khai quyết liệt về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EU, thế nhưng tình trạng ngư dân vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, đây là vấn đề mà Bình Định đang tìm hiểu thấu đáo để ngăn chặn tận gốc.
Bên cạnh những biện pháp rắn áp dụng đối với những trường hợp vi phạm, Bình Định còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Không chỉ tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân, các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn được Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổ chức tập huấn cho gần 300 cán bộ Trung tâm VH-TT&TT, Phòng VH - TT cấp huyện và cán bộ Đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn, để từ đó lan tỏa rộng rãi.
“UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho Công an tỉnh tăng cường phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức xuất cảnh trái phép và khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi này”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kiên quyết. |