| Hotline: 0983.970.780

Đánh cá cũng như đánh giặc

Thứ Tư 18/06/2014 , 10:11 (GMT+7)

Đánh cá cũng như đánh giặc, phải trinh sát, tìm hiểu quân địch mới có quyết định dùng binh chủng nào để đánh thắng.

Loại này dùng nghề này, loại kia thì nghề kia, thiết bị nọ. Tàu mà không phù hợp ngư trường coi như vứt đi.

Đấy là chia sẻ của ông Lê Ngọc Phước (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam. Năm 1969, ông Phước tốt nghiệp ngành đóng tàu đánh cá ở Liên Xô. Sau đó làm Trưởng phân Viện thiết kế cơ khí tàu thuyền; Cục phó Cục Cơ khí tàu thuyền, GĐ Cty Cơ khí thủy sản; Tổng GĐ Cty khai thác và dịch vụ thủy sản; Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Hải sản Biển Đông (Bộ Thủy sản, nay là Bộ NN-PTNT).

15-18-42_nh-2

Năm 2007, ông nghỉ hưu và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh.

TÀU VỎ THÉP CÓ NHIỀU ĐIỂM VƯỢT TRỘI

Ông Phước cho biết, tàu vỏ thép không phải là công nghệ mới đối với nghề cá nước ta. Từ những năm 1960-1970 Việt Nam đã sử dụng tàu đánh cá vỏ thép, công suất từ 250-1.000 CV. Sau đó, chúng ta đã đóng nhiều tàu cá vỏ thép và sử dụng trong thời gian dài.

Ông có thể nói rõ về vấn đề này?

Từ những năm 1960 ở miền Bắc đã sử dụng tàu đánh cá bằng vỏ thép, đây là những con tàu do nước ngoài giúp đỡ, công suất từ 250-1.000 CV. Ngành Thủy sản sau đó cũng đã làm chủ được công nghệ, tự thiết kế và đóng thành công tàu đánh cá vỏ thép từ 80-400 CV; ngành cơ khí trong nước cũng đã đóng tàu đánh cá vỏ thép 600 CV theo mẫu thiết kế của Na Uy...

Còn ở miền Nam việc sử dụng tàu vỏ thép của Pháp, Mỹ, Nhật… cũng nhiều. Chúng ta đã hợp tác với nhiều nước đưa tàu cá vỏ thép vào chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Lúc đó, tàu vỏ thép đánh bắt nhiều nghề khác nhau và nói chung là có hiệu quả, được sử dụng chủ yếu trong các quốc doanh đánh cá; tuy nhiên khi chuyển đổi từ mô hình quốc doanh sang tư nhân thì không còn duy trì được đội tàu vỏ thép nữa. Nguyên nhân là những con tàu này quá tuổi thọ trong khi không được nhà nước bao cấp để duy tu bảo dưỡng và... qua đời.

Từ nền kinh tế bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường, người dân đã có sự lựa chọn chủng loại tàu và vật liệu vỏ tàu phù hợp với ngư trường, nghề nghiệp, tập quán và khả năng tài chính của mình; và tàu vỏ gỗ là sự lựa chọn tối ưu đối với họ.

Sử dụng tàu vỏ thép có những khó khăn gì, thưa ông?

Đóng tàu vỏ thép đã khó nhưng sửa chữa, bảo dưỡng lại khó hơn. Các cơ sở đóng mới tàu thì được nhưng chưa chắc đã sửa chữa được hoặc không muốn sửa chữa.

 Ở nước ta hiện nay các cơ sở sửa chữa còn nhỏ lẻ, phân tán, trang bị thiếu đồng bộ và yếu kém. Trong 1-2 năm đầu sử dụng tàu vỏ thép còn trơn tru ít hư hỏng vỏ, nhưng sau đó sẽ gỉ sét nhiều hơn.

Định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm thì phải bảo dưỡng 1-2 lần. Tàu phải đưa lên đà mới làm được, từ cạo hà, cạo sơn cũ thay sơn mới; sửa chữa móp méo rạn nứt... Đặc biệt, sơn vỏ tàu phải nhiều lớp loại đặc chủng.

Tàu càng đậu bến thì hà càng bám ăn nhiều, hư hỏng nhanh. Máy chưa hư nhưng vỏ đã hư, do đó người dân ngại đóng tàu vỏ thép. Trong khi đó tàu vỏ gỗ nếu móp, méo, hư hỏng thì sửa chữa dễ dàng hơn, ít khi đưa lên đà hoặc đưa lên đà cũng đơn giản.

Với 45 năm làm trong ngành thủy sản, theo ông tàu vỏ thép và vỏ gỗ, tàu nào đánh bắt hiệu quả cao hơn?

Tàu vỏ gỗ và tàu vỏ thép, kể cả tàu vỏ composite nếu cùng chủng loại và tổ chức khai thác, trình độ khai thác như nhau thì hiệu quả có thể coi là tương đương nhau. Nhưng tàu vỏ thép vượt trội về tốc độ, khả năng cơ khí hóa hơn tàu vỏ gỗ, lắp máy móc thiết bị chắc hơn, khả năng đóng tàu hàng loạt dễ dàng hơn.

Tàu vỏ thép đắt hơn tàu gỗ cùng loại khoảng 1,3- 1,5 lần nhưng nếu đóng hàng loạt thì có thể hạ được giá thành sản phẩm. Ngoài ra, tàu vỏ thép ổn định, vững chắc, ít biến dạng và đảm bảo kín nước.

Còn tàu vỏ gỗ thì chất lượng ngày càng thấp do khả năng cung cấp gỗ đúng chủng loại ngày càng hạn chế; kết cấu vỏ tàu không đồng đều dễ bị xê dịch biến dạng trong điều kiện va đập mạnh trên biển và ngay cả khi cập tàu… dẫn đến kết cấu yếu, giảm tính kín nước vỏ ngoài và giữa các khoang…

Cũng như tàu vỏ gỗ, đánh bắt bằng tàu vỏ thép muốn có hiệu quả cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải có các giải pháp đồng bộ toàn diện, trong đó có việc phải đáp ứng được trình độ sử dụng của ngư dân. Hiện ngư dân đang quen với tàu vỏ gỗ, thuyền trưởng thiếu trình độ kiến thức cơ bản, chủ yếu theo kinh nghiệm. Để phát triển tàu vỏ thép thì phải có một lộ trình.

15-18-42_nh-3
Tàu vỏ thép được bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi

LỘ TRÌNH

Lộ trình đó như thế nào, thưa ông?

Lâu nay ngư dân mình ra khai thác xa bờ trên mẫu tàu nhỏ gần bờ là chủ yếu, chứ không phải đi trên mẫu tàu đi xa. Gần đây đã phát triển tàu to hơn, công suất lớn hơn nhưng mang tính tự phát.

Có những tàu nhỏ được cải hoán lắp máy lớn. Tàu vỏ thép mang lại hiệu quả cao thì đòi hỏi mẫu tàu phải phù hợp với ngành nghề, vùng biển đó. Trên cơ sở có ngư trường cụ thể mới xác định được nghề khai thác, từ đó mà thiết kế lựa chọn mẫu tàu tối ưu.

Để đáp ứng mục tiêu nói trên và bám biển bảo vệ chủ quyền thì bây giờ đòi hỏi phải có mẫu thiết kế tàu đi xa bờ, đúng với ngư trường khai thác. Đặc biệt phải tìm hiểu ngư trường chính xác và có quy hoạch cụ thể.

Đánh cá cũng như đánh giặc, phải trinh sát, tìm hiểu quân địch mới có quyết định dùng binh chủng nào để đánh thắng. Loại này dùng nghề này, loại kia thì nghề kia, thiết bị nọ. Tàu mà không phù hợp ngư trường coi như vứt đi; ngư trường cần nghề gì thì đưa tàu nghề đó ra để đánh bắt.

Tàu của dân không thể lang thang trên biển; phải có hiệu quả kinh tế mới có điều kiện tham gia bảo vệ có hiệu quả vùng biển đảo của Tổ quốc.

Trong tình hình bức bách như hiện nay, đòi hỏi phải bình tĩnh sáng suốt, đừng vì gấp gáp, bức xúc mà phải làm nhanh, làm vội; nếu làm như vậy sẽ làm cho mình chậm lại. Giai đoạn đầu rất quan trọng, làm cái gì cũng phải cho ngư dân thấy được hiệu quả, họ được lợi gì; tàu không hiệu quả thì thậm chí cho không họ cũng không nhận.

“Ngoài tàu vỏ thép và gỗ thì nên phát triển đóng tàu vỏ composite. Tàu composite đầu tư cao hơn tàu gỗ, thấp hơn tàu vỏ thép nhưng có ưu điểm tuổi thọ cao, chi phí bảo dưỡng ít hơn tàu vỏ thép. Tàu composite nhẹ, chắc chắn, vẫn đảm bảo tính va đập tốt, có sự cố về vỏ thì vá trên biển được.
Ở trên thế giới người ta sử dụng nhiều tàu cá vỏ composite. Tổng Cty Thủy sản Việt nam cũng đã thiết kế đóng thành công và đưa vào sử dụng có hiệu quả tàu đánh cá vỏ composite lắp máy đến 600 CV. Như tàu câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản được đóng bằng composite rất hiệu quả, mỗi khi gặp sóng to, gió lớn thì đóng các cửa lại, tàu có lật cũng không bị chìm!”,
ông Lê Ngọc Phước chia sẻ.

Giờ phải tập hợp những mẫu tàu lại và được các nhà chuyên môn chọn lọc thiết kế. Phải phối hợp cho được năng lực và kinh nghiệm các đơn vị và chuyên gia thiết kế của ngành thủy sản, giao thông, các địa phương… để hình thành các mẫu thiết kế tàu cá phù hợp nhất.

Sau đó làm các mô hình đưa xuống tận ngư dân để bà con đóng góp ý kiến, hạn chế đóng nhiều tàu mẫu lãng phí. Mỗi mẫu tàu nên làm các mô hình dài chừng 2-3 m, trong đó có sơ đồ khai thác và bố trí khai thác để khi nhìn vào đấy họ sẽ biết được ưu, nhược điểm ngay mà góp ý. Tính năng thì các nhà thiết kế lo.

Chúng ta phải hết sức cẩn thận, không để sai sót giai đoạn đầu. Phải thể hiện được tàu thép đem hiệu quả thì người dân sẵn sàng đầu tư, bà con không chờ sự hỗ trợ của nhà nước mà sẽ tự bỏ vốn chuyển đổi.

Ví dụ vừa rồi nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua máy dò cá cho khai thác. Nhưng sau đó khi đem lại hiệu quả thì bà con không trông chờ vào nhà nước nữa mà tự bỏ tiền mua máy.

Để chính sách này thành công, theo ông cần phải làm những việc gì?

Từ trước đến nay nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, thành công có, không thành công có, cần rút kinh nghiệm.

Đặc biệt thực hiện chương trình cho vay đánh bắt xa bờ từ năm 1997, lúc đó nhà nước giải ngân 1.300 tỷ đồng đóng mới hơn 1.300 tàu. Thế nhưng khi tổng kết đánh giá thì 500 tàu không hiệu quả, 200 tàu đậu bến, chương trình đã không thành công như mong đợi.

Bởi chúng ta chọn đối tượng đầu tư không đúng, có những người không biết đánh bắt nhưng được cho vay vốn đóng tàu. Ngoài ra thiết kế và dự toán không đúng; mẫu tàu không phù hợp; kiểm tra giám sát và công tác quản lý không chặt chẽ…

Quá trình thực hiện chúng ta buông lỏng quản lý, trên Bộ để cho tỉnh thực hiện, rồi tỉnh giao cho huyện, huyện để cho xã. Cứ tin tưởng ở dưới cuối cùng lãng phí tiền của.

Chính sách là rất quan trọng nhưng không phải là bảo bối, mà phải có các giải pháp đồng bộ. Do đó lần này từ Bộ đến địa phương phải làm chặt chẽ, không được buông lỏng khâu giám sát, quản lý và tổ chức thực hiện.

Tôi muốn nói thêm về các chính sách: việc xây dựng các chính sách (kể cả hướng dẫn) thường theo hướng có lợi cho nhà nước quản lý hơn cho đối tượng của chính sách; do đó nhiều chính sách đúng nhưng thực hiện không dễ, khó đến với ngư dân, dẫn đến những sai sót, thậm chí sai phạm trong tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm