| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức nông thôn - Đánh thức tương lai

Thứ Ba 13/02/2024 , 10:24 (GMT+7)

Nông dân cần sự hỗ trợ căn cơ hơn. Tự lực tự cường của chúng ta cần được nhìn lại cho đúng đắn.

Tôi ấn tượng sâu sắc với phim tài liệu có tên 'Cô dâu Việt cô đơn trên hòn đảo cô đơn'.

Đây là một trong loạt series phim tài liệu khắc họa việc giải quyết mâu thuẫn mối quan hệ giữa mẹ chồng Hàn Quốc với các nàng dâu nước ngoài của các gia đình đa văn hóa. Lý do tôi thích không chỉ vì nhân vật chính là Lee Na Yeong (tên tiếng Hàn), một cô dâu chịu khó đến cùng quê Đồng Tháp của tôi mà còn là cách bố chồng chị thuyết phục và truyền cảm hứng, tiếp thêm tình yêu làng biển để chị Lee Na Yeong không quyết định di dân đến một hòn đảo lớn khác có đầy đủ điều kiện hơn.

Đảo Sodo nơi nhà chị Dung làm homestay đón khách. Nguồn: Boryeong-si.

Đảo Sodo nơi nhà chị Dung làm homestay đón khách. Nguồn: Boryeong-si.

40 năm về trước, ngán cảnh chật vật, bon chen ở Seoul hoa lệ, bố mẹ chồng chị đã đến đây - một đảo nhỏ không người ở thành phố Boryeong thuộc tỉnh Chungcheong Nam để mưu sinh. Trong ngần ấy năm, từ một hòn đảo không có gì, người bố đã tự tay trồng từng cây xanh, tạo cảnh quan để ngày nay nó là nơi chữa lành cho người thành phố vào dịp cuối tuần.

Khu homestay đón vài trăm lượt khách mỗi tháng trên bờ biển Tây của Hàn Quốc của gia đình chị giờ đã nổi tiếng trên khắp trang mạng xã hội. Cùng với cảnh quan êm đềm nơi đây, câu chuyện “Robinson” thật đặc biệt của gia đình chị đã chạm đến cảm xúc của du khách. Họ không chỉ đến một lần mà nhiều lần trong năm rồi thành mối ruột.

Chính vì vậy, qua tập phim, tôi còn có một cảm nhận khác về người Hàn Quốc biết cách thay đổi số phận, biến điều không có thành những thứ thiết thực, là thứ sinh kế bền vững cho bản thân và quê hương của họ.

Cũng có thể vì lý do đó, để dẫn chứng cho sự tự lực, tự cường biết tìm cách để thay đổi “số phận” của một quốc gia, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn lấy đất nước Hàn Quốc để minh họa cho những bài phát biểu của mình.

Sau cuộc nội chiến, Hàn Quốc còn nghèo hơn cả Kenya. Song, chỉ trong thời gian ngắn, từ một quốc gia đi vay nợ để phát triển đất nước nhưng không có lấy quốc gia nào khác muốn cho vay, nay họ lại bung mình, trỗi dậy thành con rồng châu Á, luôn đứng top các quốc gia có hoạt động kinh tế ổn định của thế giới, trở thành quốc gia đi viện trợ ODA ngược lại cho các nước khác.

Ngày nay, họ không chỉ là hình mẫu về sự thành công từ phong trào làng mới (Saemaul Undong) mà còn tích hợp được bộ ba công cụ mềm nhưng mạnh mẽ là K-drama, K-music và K-food, giúp đất nước họ giữ vững chiến tích về “Kỳ tích sông Hàn”, khẳng định Hàn Quốc luôn là quốc gia biết tạo ra các làn sóng văn hóa có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với thế giới. Công thức nào đã giúp họ thành công đến vậy?

Đầu tiên, có thể nói, đó là tính tự lực, tự cường. Từ một quốc gia không có nguồn tài nguyên, chịu nhiều cuộc tấn công từ ngoại bang, cái tinh thần ấy đã được hình thành và được ăn sâu từ sau phong trào làng mới. Nhìn vào thực tế, tính tự lực tự cường của họ càng được thể hiện rõ trước những biến đổi của cấu trúc kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu toàn cầu. Hàn Quốc đối mặt với những vấn đề lớn đầy thách thức như quá trình di dân thụ động của giới trẻ, già hóa dân số và tỷ suất sinh giảm mạnh. Trong đó, tốc độ dân số già trên 65% thay đổi nhanh khó có thể kiểm soát; và chỉ trong 40 năm, kể từ năm 1980, dân số nông thôn chỉ còn 5% vào năm 2020.

Hàn Quốc xác định hai trọng tâm lớn để giải quyết vấn đề lớn tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp “Nông thôn là sinh mệnh, nông nghiệp là tương lai”, từ đó kéo giảm khoảng cách của nông thôn và thành thị. Đặc biệt, người nông dân không phải đi đâu, họ vẫn có thể an cư trên chính quê hương mình. Để thực thi điều đó, bắt đầu từ những năm 1950, dù có đi chậm hơn với Trung Quốc gần 30 năm về phát triển du lịch nông thôn, người Hàn Quốc lại có những bước đi đáng học hỏi.

Để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm nông thôn, họ đầu tư đường sá thuận tiện. Để tránh nông thôn bị đô thị hóa làm ảnh hưởng đến những giá trị nhân văn như tài sản văn hóa, di tích lịch sử và không gian hồn hậu mà nông thôn đã sở hữu, Hàn Quốc đầu tư xây dựng khu vực tách biệt là nơi tiếp giáp giữa nông thôn và thành thị, gọi là thành thị trong nông thôn.

Nơi này vừa có chức năng làm sôi động nền kinh tế của khu vực nông thôn, vừa làm nơi giúp cho sự vận chuyển hàng nông sản giữa nông thôn và thành thị tốt hơn. Điều đáng nói, trước khi triển khai những công việc này, nông dân ở đây đã chăm chút cho không gian sống của mình xanh, sạch bằng những phong trào tự phát tái tạo cảnh quan môi trường như trồng hoa, không vứt bao thuốc trừ sâu xuống dòng sông, con suối và dĩ nhiên là thực hiện chính sách sản xuất sạch, an toàn, thân thiện môi trường có gắn chỉ dẫn địa lý.

Trong những câu chuyện này, tôi khá ấn tượng với cách họ tự cứu sống các làng nghề và chuyển đổi mô hình kinh tế thuần nông sang kinh tế du lịch nông nghiệp để phù hợp với nông nghiệp 6.0. Các địa phương sau khi nhận sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Chính phủ, họ triệt để khai thác và sáng tạo nội dung văn hóa, làm tài sản phục vụ cho du lịch.

Làng khai thác than đá ở thành phố Taebaek là một ví dụ đáng để suy ngẫm. Một thời gian dài không ai quan tâm đến sự sống còn của làng than này trước nguy cơ biến mất của nó vì nguồn tài nguyên cạn kiệt, trữ lượng thấp. Đã vậy, ở cuối thế kỷ trước, Hàn Quốc lại đẩy mạnh quyết sách thay đổi sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế, sạch và thân thiện với môi trường thay vì dùng tài nguyên là than đá. Do đó, nơi đây bỗng chốc là chốn không có công ăn việc làm, dân làng dần bỏ đi hết.

Làng than đá ở thành phố Taebaek được phục tráng, bảo tồn phục vụ du lịch. Nguồn: Kado News.

Làng than đá ở thành phố Taebaek được phục tráng, bảo tồn phục vụ du lịch. Nguồn: Kado News.

Sau đó, tận dụng thành công của phim "Hậu duệ mặt trời" lấy làng than làm bối cảnh chính, thành phố Taebaek chi ngay hàng tỷ won để phục tráng lại ngôi làng, xây dựng content văn hóa về đời sống sinh hoạt làng than hòng tái sinh ngôi làng đã bị xóa sổ.

Chính vì vậy, khách bắt đầu quan tâm đến câu chuyện làng than. Có thêm khách đến tham quan, ngôi làng lại có thêm nhiều công việc làm khác đi kèm. Dân làng dần dần quay trở lại. Ngày nay, họ còn tự đi ký kết lao động chương trình lao động nông nghiệp thời vụ với tỉnh Đồng Tháp, Nepal và các quốc gia Đông Nam Á khác để ổn định nguồn lực hỗ trợ nông nghiệp hằng năm.

Sự chắt lọc bản sắc tinh hoa nhất để làm yếu tố cạnh tranh trong du lịch nông nghiệp luôn được người Hàn suy tính cẩn trọng, thực hiện. Đảo Daeya ở Chungcheong Nam là một ví dụ. Thay vì bắt chước các địa phương khác, chính quyền nơi đây biết chọn những tài nguyên bản địa và nét sinh hoạt truyền thống của cư dân để khoe với du khách.

Dự án cải tạo vịnh biển Cheonsu năm 1970 đã làm biến đổi môi trường. Rong biển ở Daeya không sinh sôi phát triển như xưa, chết rất nhiếu. Đảo không còn sản phẩm chủ lực để xuất khẩu sang Nhật. Nhằm thúc đẩy và tái tạo hình ảnh địa phương trong hoạt động du lịch nông nghiệp, Daeya đã trưng ra hình thức bắt cá "doksal", một hình thức đánh bắt cá lợi dụng dòng chảy sông và biển gặp nhau để làm đáy đóng cá rồi biến nó thành một sản phẩm trải nghiệm trong du lịch.

Đặc biệt là hướng đến trẻ con, giáo dục chúng về tình yêu nông thôn để kéo thế hệ tương lai đến gần với nơi mà họ cho là tương lai và sinh mệnh của Hàn Quốc. Nhờ vậy mà doanh số bán hải sản và thu nhập từ hoạt động này giúp làng chài Deaya giàu lên hơn trước rất nhiều. Cư dân từ nơi khác đến lập nghiệp ngày một đông, giải quyết luôn cho họ bài toán già hóa dân số và tỷ suất sinh thấp.

Trẻ con rất yêu thích bắt cá theo kiểu Doksal ở đảo Daeya cùng bố mẹ. Nguồn: goseosan.tistory.com

Trẻ con rất yêu thích bắt cá theo kiểu Doksal ở đảo Daeya cùng bố mẹ. Nguồn: goseosan.tistory.com

Du lịch nông nghiệp Hàn Quốc ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch nông nghiệp của khu vực và thế giới còn nhờ yếu tố tự giác của chính người nông dân - chủ nhân của những ngôi làng. Để người khác yêu quê hương của mình, nông dân Hàn Quốc tự ý thức, hơn ai khác, họ phải có tình yêu đó trước nhất.

Bài học về cách những ngư dân biển Seohae tự cứu lấy môi trường sống của mình từ sự cố tràn dầu do tàu Hong Kong Hebei Spirit va phải sà lan của Hàn Quốc vào năm 2007 đáng để suy ngẫm. 66.000 thùng dầu thô của tàu Hong Kong Hebei Spirit làm cho 10.500 tấn dầu thô tràn ra khiến khu vực được gọi là biển vàng này bỗng chốc biến thành một màu đen ngòm, hôi thối.

300 người từ 65 tuổi, những ngư dân kỳ cựu của ngôi làng, không ai bảo ai, bằng tay không đi vớt từng mảng dầu loang, lau từng viên đá bị dầu bám đông cứng trên bờ biển. Nhanh hơn dự đoán của các nhà khoa học, chỉ sau 16 năm phục hồi, biển chết ngày nào nay nhà nhà san sát làm homestay đón du khách trở lại.

Nhìn lại khối tài sản nông nghiệp của Việt Nam, từ rừng sâu ra đến biển cả, từ những dòng sông đến những cánh đồng mênh mông ôm ấp những làng nghề hơn 100 tuổi, những di sản đình, chùa, miếu mạo có kiến trúc đẹp, giá trị lịch sử cao được UNESCO công nhận, chính là khối tài sản xanh được nhiều chuyên gia đánh giá là tài nguyên vàng để đánh thức lại sức sống mới của nông thôn. Nhưng khối tài sản khổng lồ đầy giá trị ấy chưa thật sự được khai thác đúng tầm của nó. Nhiều người còn bảo, nông thôn mình không có câu chuyện gì để kể, đầu tư khó khăn vì ngăn sông cách đò. Có phải như vậy không?

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của ông bố chồng trong phim tài liệu kể trên. Câu chuyện này cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện của anh Tài, từng là chủ nhân của một trong ba đảo của Ba Hòn Đầm thuộc quần đảo Bà Lụa nằm tại xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Gia đình anh ra đảo từ những ngày đầu, xây dựng đảo rồi tự phát làm du lịch. Câu chuyện nên chồng, nên vợ, tự lực cánh sinh của anh làm cho nhiều du khách đến phải thán phục và mê mẫn. Ấy vậy mà hơn chục năm trước, khi tôi quay lại Ba Hòn Đầm để du lịch, anh Tài lại trở thành người lái tàu, hòn đảo kia lại được bán cho người khác để làm du lịch vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do anh tâm sự vì chưa được hỗ trợ đúng tầm, nhà anh vốn là những ngư dân chỉ biết bám biển, quăng chài nên khi tập tành làm du lịch họ thua ngay trên sân nhà.

Nhìn lại sẽ thấy. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp của Việt Nam của chúng ta đang trong bối cảnh như vậy. Tự phát, rầm rộ rồi lụi tàn. Không phải họ không muốn làm. Không phải họ không muốn nâng cao giá trị gia tăng cho chính những sản phẩm họ làm ra. Thấy người khác làm rồi đi theo thành ra mô hình này tương tự mô hình khác, chính họ giẫm lên nhau trong cuộc chơi đòi hỏi nhiều yếu tố để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi từ du khách.

Nông dân cần sự hỗ trợ căn cơ hơn. Tự lực tự cường của chúng ta cần được nhìn lại cho đúng đắn. Trong đó, không chỉ cá nhân nông dân thay đổi, chính sách cần theo kịp và đón đầu trước những thay đổi, từ đó tìm ra những chính sách phù hợp, cùng song hành với nông thôn để từng bước phát triển bền vững.

Cũng đã có những trường hợp thành công. Như các nông dân của Hội quán làng hoa Sa Đéc, họ tự đến với nhau, cùng bắt tay phát triển. Mỗi dịp tết đến, xuân về, họ tự bảo nhau trong việc trang trí tiểu cảnh, trưng bày những sản phẩm tránh trùng lặp để khách đến du xuân không bị nhàm chám và có thể tham quan nhiều nhà vườn khác nhau.

Sắc màu rực rỡ ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh minh họa.

Sắc màu rực rỡ ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, làng hoa cần có đội ngũ chuyên nghiệp hơn để xây dựng hình ảnh, content văn hóa làng hoa gắn với không gian văn hóa của vùng đất Sa Giang, giúp quảng bá và khai thác tốt quanh năm. Đâu chỉ có câu chuyện của làng hoa này, nhiều câu chuyện nông thôn khác ở 63 tỉnh thành cần được đánh thức đúng tầm của nó.

Nông thôn không chỉ làm một trạm dừng chân cho con người thành thị, người xa quê hương bản sở tạm tìm đến trong thời gian ngắn để chữa lành. Nông thôn còn là nơi ẩn chứa nhiều giá trị khác, không chỉ có người nông dân mà tất cả ai thấy được giá trị của nó muốn tìm đến, ở lại và đồng hành. Đánh thức đúng giá trị khối tài sản của nông thôn, chúng ta có thể đánh thức được tương lai.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.