| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về những nông dân Bắc Giang muốn 'bán cả câu chuyện trên đồi vải'

Thứ Ba 30/01/2024 , 16:26 (GMT+7)

Quy hoạch minh bạch, khoa học; phát triển nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho du lịch nông thôn... là những thứ giúp Bắc Giang làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thành công.

Tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt mua nguyên cây vải thiều của một nhà vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Nhiều lãnh đạo trong tỉnh cũng quyết định mua nguyên cả cây vải. Cách làm du lịch gắn với nông nghiệp đầy thông minh, sáng tạo của nông dân tỉnh Bắc Giang đã thực sự thuyết phục mọi người.

Bán câu chuyện trên đồi vải...

Mùa vải thiều năm 2023, lần đầu tiên những người nông dân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thí điểm mô hình “cây vải vườn nhà” - một cách quảng bá thương hiệu, hình ảnh mới mẻ: người tiêu dùng được sở hữu những quả vải đảm bảo quy trình, chất lượng tốt nhất. Còn người nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định.

Quy hoạch minh bạch, có chiến lược dài hạn, Bắc Giang đang phát triển nền nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho du lịch nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quy hoạch minh bạch, có chiến lược dài hạn, Bắc Giang đang phát triển nền nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho du lịch nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khi những tấm biển được treo lên đồng nghĩa với việc cây vải đã có chủ sở hữu. Khách hàng mua cây khi đi tham quan vườn vải từ đầu vụ hoặc lúc quả đang còn xanh. Khi vải chín, khách có thể đến tận nơi thu hoạch hoặc có thể bán, cho, tặng lại cho người khác, hoặc chủ vườn có thể giúp thu hoạch, gửi quả về tận nơi người nhận.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn) là cái tên được nhắc tới nhiều nhất thời điểm tháng 6/2023 khi một cây vải thuộc “hàng tuyển” của ông được một vị khách đặc biệt đặt mua: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Không riêng Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đặt mua, “bao tiêu” tại vườn nguyên cả cây vải thiều. Đây là một trong những cách thức tiếp thị đầy sáng tạo, đa giá trị của những hộ nông dân vùng vải ngàn tỷ ở Bắc Giang trong những năm gần đây khi du lịch miệt vườn gắn với nông nghiệp, nông thôn được địa phương này chủ trương phát triển.

Tại xã Quý Sơn, một nhóm 9 nông dân trồng vải hữu cơ đã nhóm họp nhau lại thành tổ hợp tác có tên “Tổ hợp tác Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ xuất khẩu”. Thị trường mà họ hướng đến là Nhật Bản, châu Âu, Mỹ - những thị trường khó tính nhất.

Vụ vải thiều năm nay, ngoài việc mở rộng xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, họ có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải, như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây theo mô hình "Cây vải vườn nhà".

Nông dân Bắc Giang muốn bán cả câu chuyện trên đồi vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Nông dân Bắc Giang muốn bán cả câu chuyện trên đồi vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Một lão nông ở Lục Ngạn đã phải thốt lên: "Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp", lão nông Trần Văn Hành (thôn Chão, xã Giáp Sơn, Lục Ngạn) nói.

Có thể cảm nhận được sự tự tin, quyết đoán, chắc chắn và quyết tâm của người nông dân Bắc Giang, họ nói được và chắc chắn sẽ làm được. Điều này được Chủ tịch xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) Bùi Đức Văn khẳng định: “Sợ các mùa vải năm tới không có vải để xuất khẩu, vì tiêu thụ tại thị trường nội địa đang có xu thế chủ lực. Mỗi một gia đình lên đặt mua nguyên một cây vải, nông dân Bắc Giang “trồng tận gốc, bán tận ngọn”, không mất chi phí, nhân công thu hoạch vải, không phải lo vấn đề thị trường, giá cả…”.

Bắc Giang đã quyết định lấy nông nghiệp làm trụ đỡ cho du lịch - dịch vụ, và làm một cách bài bản, có lộ trình.

Câu chuyện mang tên "Quy hoạch"

Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định: “Chúng tôi đã có sự chủ động từ trước, tất cả đều phát triển nằm trong lộ trình. Muốn có sự chủ động, khâu quy hoạch là quan trọng, then chốt”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong mục tiêu chung đến năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu cả nước và đứng đầu trung du – miền núi phía Bắc, trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, lĩnh vực nông nghiệp và du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tỉnh cũng đã có những lộ trình.

Theo đó, Bắc Giang xây dựng quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm, gồm Vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam (với các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, TP Bắc Giang và một phần phía Nam huyện Lạng Giang; Tây - Tây Nam huyện Lục Nam, lấy TP Bắc Giang là trung tâm vùng); Vùng phía Đông (gồm các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, lấy thị trấn Chũ là trung tâm vùng); vùng phía Bắc (gồm các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang lấy thị trấn Vôi là trung tâm).

Tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng sẽ có một chiến lược phát triển kinh tế căn cơ, phù hợp. Với lĩnh vực nông nghiệp, du lịch – dịch vụ kết hợp nông nghiệp, nông thôn, ông Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang chủ trương phát triển ở các huyện thuộc vùng kinh tế phái Đông, bao gồm toàn bộ vùng vải ngàn tỷ lấy thị trấn Chũ làm trung tâm.

Tỉnh xác định 5 không gian phát triển du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử (tả ngạn sông Lục Nam) bao gồm một phần huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động; không gian du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng (hữu ngạn sông Lục Nam, tả ngạn sông Thương) gồm Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang (khu vực phía Đông Bắc tỉnh); không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế; không gian văn hóa Quan họ và không gian du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí (tại huyện Yên Dũng).

Nông dân Bắc Giang yên tâm làm du lịch nông nghiệp khi địa phương đã có sự chuẩn bị lâu dài về quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Nông dân Bắc Giang yên tâm làm du lịch nông nghiệp khi địa phương đã có sự chuẩn bị lâu dài về quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Đi vào cụ thể, Bắc Giang quy hoạch 3 khu du lịch trọng điểm hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, trong đó, Khu du lịch Tây Yên Tử (du lịch tâm linh theo dấu chân Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử); Khu du lịch sinh thái miệt vườn Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần.

“Phải có sự minh bạch ngay từ trong khâu quy hoạch để có lộ trình phát triển bền vững. Có quy hoạch rồi người dân mới yên tâm sản xuất. Chúng tôi muốn giữ vùng vải thiều là cây ăn trái chủ lực của địa phương thì phải có diện tích trồng ổn định, không đưa dự án vào khu vực đó gây xáo trộn sản xuất. Ngoài ra, muốn hướng tới du lịch sinh thái thì phải có môi trường sinh thái, từ đó định hướng cho người trồng hướng tới canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường, nông nghiệp thân thiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ.

Ông Dương cũng khẳng định, những năm qua, nền nông nghiệp của Bắc Giang đã có những kết quả đáng ghi nhận, trong đó cây vải thiều là cây chủ lực có vai trò kéo sự phát triển của các loại cây ăn trái khác, để hình thành một nền sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng, mùa nào thức nấy, để vùng nông nghiệp sinh thái thuộc trục kinh tế phía Đông của tỉnh “bốn mùa quanh năm hoa trái, mùa nào thức nấy, mùa nào cũng có sức hút để giữ chân du khách”.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, “làm du lịch cần có sự đầu tư bài bản, không thể tự phát, manh mún, tự cá nhân làm theo ý thích của mình, như vậy sẽ không có sự đồng bộ, không thể phát triển thành phong trào được”. Để giải quyết bài toán này, vai trò của chính quyền là then chốt trong việc đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển; các chương trình, dự án… xây dựng, quy hoạch cũng cần theo hướng đa giá trị, đa mục tiêu.

Mùa vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Mùa vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Cụ thể, ở Lục Ngạn, để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển du lịch đón khách lên với đất vải, chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai lồng ghép mục tiêu xây dựng hạ tầng thiết yếu để cho du lịch khai thác. Ngay từ giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã dành kinh phí gần 1.000 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là phát triển hạ tầng, cứng hóa trên 1.500km đường giao thông nông thôn; các tuyến đường tỉnh, huyện… được xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng.

“Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, là vinh dự của Bắc Giang, là kết quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị. Quá trình chuẩn bị và hoàn thiện Quy hoạch được thực hiện công phu, bài bản, khoa học và được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời những yêu cầu mới. Do đó, quá trình triển khai thực hiện thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi. Nhìn vào quy hoạch của tỉnh sẽ biết Bắc Giang 10 năm, 30 năm tới sẽ như thế nào. Quy hoạch giúp tỉnh tổ chức không gian, phân bổ lãnh thổ để quản lý khép kín đất đai, công trình xây dựng sau này; giúp phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.