| Hotline: 0983.970.780

Đào Phong Lan không thể nói lời từ biệt thi ca

Thứ Năm 02/11/2023 , 09:05 (GMT+7)

Đào Phong Lan vốn nổi danh tài thơ thuở nào, sau nhiều năm gián đoạn sáng tác, vừa quay lại đời sống thi ca với tập thơ ‘Em không thể nói lời từ biệt’.

Nhà thơ Đào Phong Lan tại buổi giới thiệu tập thơ mới.

Nhà thơ Đào Phong Lan tại buổi giới thiệu tập thơ mới.

Đào Phong Lan bắt đầu làm thơ từ năm lên 8 tuổi và được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai từ năm 13 tuổi. Đào Phong Lan ghi dấu ấn riêng trong văn học từ rất sớm, đặc biệt trong mảng thơ tình. Chị xuất bản tập thơ đầu tiên “Giêng Hai” (Nhà xuất bản Thanh Niên) năm 1995, khi tròn 20 tuổi.

Thơ của Đào Phong Lan, đặc biệt là lục bát, thể hiện nghệ thuật ngôn từ trong sáng mà trữ tình. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã nói về thơ Đào Phong Lan: “Tôi rất yêu chất dân dã của thơ cô. Những câu lục bát nhuần nhuyễn, ý tứ, lung linh. Thơ Đào Phong Lan đầy nữ tính, thật dịu dàng e ngại và chờ mong khắc khoải. Đào Phong Lan có hồn thơ, và cô dường như đã yêu, đã nắm được cái dịu ngọt, lúng liếng, tình tứ, mênh mang của ca dao”.

Thế nhưng không chỉ có lục bát, nhiều bài thơ của Đào Phong Lan được độc giả yêu thích được viết dưới dạng thơ tự do, trong đó có những bài thơ về tình yêu đầu đời.

Sau 17 năm vắng bóng trên thi đàn, nhà thơ Đào Phong Lan bất ngờ trở lại với tập thơ tình “Em không thể nói lời từ biệt”, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.

Tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” gồm 56 bài thơ tình, trải dài thời gian sáng tác từ năm 1991 đến năm 2015. Đây là những bài thơ được Đào Phong Lan tuyển chọn để đánh dấu một giai đoạn định hình phong cách văn chương của mình.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: “Tập thơ 56 bài, chia làm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng thực chất chỉ có một mùa: Mùa Yêu, của một phụ nữ tự thú “Hồn ta mềm như cỏ/ Chưa gió về đã lay” không thể từ biệt nhân duyên và không thể từ biệt thi ca. Những ai từng ưa thích thơ Đào Phong Lan trước đây, sẽ nguyên vẹn xao xuyến khi đọc “Em không thể nói lời từ biệt”.

Đào Phong Lan từng giành giải Ba truyện ngắn của Hội nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn Nghệ Trẻ tổ chức năm 1997 khi đang là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 5. Chị cũng nhiều lần đoạt giải Nhất (1993, 1997) giải Nhì (1994, 1996, 2001) và giải Ba (1995, 1998) về thơ trên Tập san Áo Trắng - NXB Trẻ và một số giải thưởng khác. Cuối năm 2022, khi vừa quay lại với văn chương, Đào Phong Lan cũng đoạt giải thưởng Truyện ngắn hay 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM.

Thơ của Đào Phong Lan được nhiều nhạc sĩ yêu thích và phổ nhạc, trong số đó có những bài đã rất phổ biến. Như bài “Đêm xoang Tây Nguyên” được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc từ năm 1996 và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng tại Tây Nguyên, hoặc bài “T’rưng” do nhạc sĩ Bùi Khánh Nguyên phổ nhạc và bài “Mẹ ơi” do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc.

Đào Phong Lan cũng có khả năng tự viết nhạc và sáng tác bài hát, từng được biết đến với vai trò tác giả ca khúc “Mùa hoa chờ đợi” viết về hoa cúc quỳ Tây Nguyên.

Tập thơ 'Em không thể nói lời từ biệt'.

Tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt".

Tại buổi ra mắt tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, nhà văn Trầm Hương thổ lộ: “Tôi đặc biệt thích những bài thơ của Đào Phong Lan viết về Tây Nguyên, phố núi vừa hồn cốt vừa khoáng đạt. Bàng bạc trong thơ Đào Phong Lan là nắng, là những hạt mưa, là lá rơi, rêu cỏ, bời bời những cơn gió, bời bời tiếng lòng”.

Tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” hứa hẹn đem đến cho độc giả một hành trình thú vị trong thế giới thơ tình của Đào Phong Lan. Tập thơ đánh dấu sự trở lại của Đào Phong Lan sau một thời gian dài tích lũy cảm xúc lẫn vốn sống.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.