| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Cần đổi mới toàn diện

Thứ Hai 22/06/2020 , 17:18 (GMT+7)

“Giữ lại cái “nền”, nhưng phải đổi mới tư duy, hướng đào tạo, đi vào thực tiễn, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chú trọng đầu ra trong đào tạo”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: 'Cần đổi mới tư duy, cách dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn'. Ảnh: Hồng Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: "Cần đổi mới tư duy, cách dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn". Ảnh: Hồng Thủy.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trong Hội nghị Ban Chỉ đạo Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra tại TP.HCM sáng 22/6. Cùng tham dự có đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và doanh nghiệp trong cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 10 năm thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ), cả nước đã đào tạo được 2,3/3,0 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, đạt 77% kế hoạch đề ra, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 100% kế hoạch (1,4 triệu lao động nông thôn).

Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, những thành tựu trong công cuộc dạy nghề có thể kể đến như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu.

Tuy vậy, hoạt động dạy nghề cũng có nhiều hạn chế, cụ thể: Nhiều cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm...

Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh: 'Kết quả dạy nghề đạt được ngày càng nâng cao hơn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế'. Ảnh: Hồng Thủy.

Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh: "Kết quả dạy nghề đạt được ngày càng nâng cao hơn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế". Ảnh: Hồng Thủy.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những chia sẻ tâm huyết, mang tính thực tiễn về công tác đào tạo, dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

“Cần có khảo sát toàn quốc về nguồn nhân lực cho nông thôn, trên cơ sở định hướng của Bộ NN-PTNT về nhu cầu sản xuất, quy hoạch vùng nông nghiệp. Trên cơ sở số liệu khảo sát này, các trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực lao động cho nông thôn.

Bên cạnh đó, chúng ta đào tạo lao động theo nhu cầu. Nghĩa là các doanh nghiệp và trường đào tạo lao động cần phối hợp chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp có định hướng nguồn nhân lực ở hiện tại và trong tương lai như thế nào, chỉ cần cung cấp cho các đơn vị đào tạo, họ sẽ căn cứ vào đó mà đào tạo nhân lực phù hợp.

Đặc biệt cần chú trọng dạy nghề theo chuỗi như: kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới; quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; xây dựng và quản lý thương hiệu”, ông Đào Sỹ Tam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn), phát biểu.

Một buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi heo an toàn sinh học giữa mùa dịch tả heo châu Phi ở Bình Phước, một kiểu học nghề nhanh. Ảnh: Hồng Thủy.

Một buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi heo an toàn sinh học giữa mùa dịch tả heo châu Phi ở Bình Phước, một kiểu học nghề nhanh. Ảnh: Hồng Thủy.

Còn PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho rằng, để đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn hiệu quả, cần xây dựng Chuẩn chương trình chứ không phải chương trình chuẩn.

“Nghĩa là chúng ta cần nắm rõ thị trường đang thiếu lao động trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào và sự thiếu ấy sẽ kéo dài trong khoảng bao lâu? Các kỹ năng cần đào tạo cho người lao động trong lĩnh vực ấy là gì?

Đào tạo trong bao lâu thì đáp ứng được nhu cầu thị trường và không bị lạc hậu? Phải có một khảo sát, tính toán chi tiết cho những việc này thì mới có những lứa lao động qua đào tạo đạt hiệu quả thực sự”, PGS.TS Trần Văn Điền nói.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước có hơn 48 triệu lao động, trong đó có gần 38 triệu lao động (hơn 68%) sống ở khu vực nông thôn, và hiện mới chỉ có khoảng 17% tổng số lao động nông thôn qua đào tạo.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề; đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các trường trực thuộc Bộ NN-PTNT trong đào tạo nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Bộ sẽ có những chỉ đạo chiến lược để địa phương lấy đó làm căn cứ dạy nghề dựa trên thế mạnh của địa phương nhằm tái cơ cấu sản xuất tại vùng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời Bộ sẽ xây dựng các nội dung, định hướng cụ thể hoạt động cho đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn”, Thứ trưởng nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất