Cải thiện môi trường đầu tư
Theo Bộ NN-PTNT, Bộ đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư cũng như tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư vào phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo lớn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về xúc tiến đầu tư.
Tiêu biểu, như Hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả...
Năm 2019 đã thành lập mới được 06 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực hiện ba đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế, pháp luật; thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và năm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động; tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng; xây dựng thương hiệu; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Thủ tục hành chính được cắt giảm, cơ bản xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Cổng dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, các thủ tục kết nối hải quan và tất cả các dịch vụ công mức độ 2 đã được tích hợp lên cổng dịch vụ công. Hàng chục dịch vụ công trực tuyến chính thức được cung cấp ở mức độ 3,4.
Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới tăng 25,3%
Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Năm 2019, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23% (nông lâm thủy sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với số doanh nghiệp tạm ngừng).
Trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân đạt 20,6 tỷ đồng/doanh nghiệp (cao hơn mức chung của cả nước, đạt 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp), thể hiện rõ kết quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Tập đoàn C.P Việt Nam, Công ty Biển Đông…
Đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần khẳng định vị thế cạnh tranh của một số nông sản lớn, chủ lực trên thị trường thế giới.
Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, đồ gỗ và lâm đặc sản; giảm các sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao, sản phẩm qua chế biến trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất; áp dụng khoa học- công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”.
Do vậy, cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các sản phẩm có thế mạnh, có tiềm năng tốt về thị trường, xây dựng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, tạo ra nhiều giá trị gia tăng mới, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về xã hội và môi trường, nâng cao uy tín và thương hiệu của ngành kinh doanh nông nghiệp Việt Nam.
Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với các sản phẩm chủ lực của ngành (lúa, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chè, gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, cá da trơn, chăn nuôi lợn, rau quả…).
Ngoài ra, cần tập trung thu hút đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các doanh nghiệp, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học- công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu/cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp tỉnh.
Ưu tiên thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, tập trung thu hút vào các cụm liên kết ngành cấp tỉnh, gắn với vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (khu/cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh) và các khu/cụm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp tỉnh.
Thúc đẩy khởi nghiệp của các trang trại, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp này với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.
Về cơ chế chính sách, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra những đột phá về chính sách và thể chế một cách đồng bộ để tháo gỡ những nút thắt trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Bộ NN-PTNT đã xây dựng, tham gia xây dựng, trình ban hành nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các Nghị định mới tập trung vào các cơ chế chính sách ưu đãi về sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào doanh nghiệp, ưu tiên hỗ trợ một số dự án đầu tư vào nông nghiệp nhất là các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao.