Ngày 12/11, Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng - Trường Đại học Văn Lang, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm”.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp ra các nước với một vị thế khá cao như cà phê, gạo, chè… Tuy nhiên, so với các nước Đông Nam Á chúng ta còn thua, so với các nước có nền nông nghiệp phát triển tốt như Israsel, Hà Lan thì chúng ta còn phải học hỏi rất nhiều.
“Như vậy, câu chuyện của các nhà khoa học và người Việt Nam là làm thế nào để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm vượt bậc trong bối cảnh hiện nay?
Con đường hiện nay chúng ta phải đi không còn cách nào khác là ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, gia tăng sản phẩm nông nghiệp có giá trị hơn. Bởi, nếu chúng ta chỉ phát triển nông nghiệp bằng cách tăng sản lượng, tăng năng suất, mở rộng diện tích nuôi trồng, trong khi đó đất để phát triển nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nguồn lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ngày càng ít, xâm nhập mặn ngày càng cao, nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp cực kỳ khó khăn.
Theo xu thế hiện nay, với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, vì vậy chúng ta phải phát triển nông nghiệp và chế biến thực phẩm tối ưu nhất, tiết kiệm nguồn tài nguyên nhất và tạo ra sản phẩm có giá trị nhất. Đó là bài toán đặt ra cho các nhà làm khoa học và những người làm công tác đào tạo”, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu nhận định.
Cũng theo vị Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, năm 2020, để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm, Trường Đại học Văn Lang đã tuyển sinh khóa đầu tiên cho hai ngành đại học chính quy: Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm theo định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Tại TP.HCM và khu vực miền Nam Việt Nam, Văn Lang là trường đại học đầu tiên đủ tiêu chuẩn được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo thí điểm ngành Nông nghiệp Công nghệ cao. Để đào tạo theo định hướng ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang đã liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ và công nghệ thực phẩm như: Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Vườn Ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, các doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ và công nghệ thực phẩm ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long… Qua đó, giúp sinh viên có cơ hội nghiên cứu ứng dụng, thực hành, thực tập, tiếp cận các mô hình, dây chuyền sản xuất hiện đại”, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu cho hay.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các thành tựu mới trong nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ chế biến Thực phẩm trong nước và quốc tế; Nhiệm vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Đặc biệt, các nhà khoa học cũng đã trình bày những kinh nghiệm thực tế cũng như các đề tài nghiên cứu đã áp dụng thành công như “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm tại Trường ĐH Văn Lang”; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp”; “Nguyên liệu thực phẩm từ nhà máy công nghiệp sinh học”.
Ngoài ra, đối với các thành tựu mới trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao, còn có ba tham luận về: Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội thách thức và cách tiếp cận cơ hội này ở Việt Nam; Khảo sát một số biện pháp xử lý phù hợp nhằm kéo dài thời gian bảo quản xoài keo và Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và khai thác nguồn tập đoàn giống đậu nành bằng mã quét QR.
Trong lĩnh vực Công nghệ chế biến Thực phẩm, có ba tham luận về Tiềm năng áp dụng exopolysaccharide được sản xuất từ vi khuẩn lactic trong ngành công nghiệp thực phẩm; Nghiên cứu ứng dụng phương pháp chiếu xạ tia gamma kết hợp xử lý H2O2 để chế tạo chitosan khối lượng phân tử thấp ứng dụng trong bảo quản thịt bò viên và Ảnh hưởng điều kiện trích ly đến hoạt tính kháng oxy hóa và hàm lượng polyphenol của dầu nhân hạt xoài.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng của Trường Đại học Văn Lang, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cùng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sẽ trưng bày các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm.
Cùng ngày, chương trình tham quan Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM sẽ giới thiệu với sinh viên các ngành kỹ thuật – công nghệ của Trường Đại học Văn Lang và học sinh THPT góc nhìn thực tế về hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học.