| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nhân lực cho du lịch sinh thái rừng

Chủ Nhật 28/07/2024 , 08:13 (GMT+7)

Du lịch sinh thái là công cụ để bảo vệ rừng. Nhưng phát triển du lịch sinh thái rừng cần được làm bài bản, trong đó chú trọng vào đào tạo nhân lực.

Du khách tham gia du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Lê Bình.

Du khách tham gia du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Lê Bình.

Nhắc tới du lịch sinh thái, bà Võ Thị Bích Thùy, Giám đốc kinh doanh, phụ trách Tour Giáo dục và Du lịch sinh thái của Tam Anh Group, cho biết, du lịch sinh thái và du lịch thiên nhiên có những cái na ná nhau, nên nhiều người đang nhầm tưởng rằng cứ về với rừng, với thiên nhiên là đi du lịch sinh thái.

Trong khi đó, để làm du lịch sinh thái thì trước hết phải tính tới sức chứa và sức tải của điểm đến để không ảnh hưởng tới thiên nhiên, môi trường. Trên cơ sở đó, các bên sẽ thiết kế những bài học, những thông điệp, những hoạt động phù hợp tại khu vực diễn ra hoạt động du lịch sinh thái.

Theo ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ của Vườn quốc gia Cát Tiên, du lịch sinh thái là loại hình du lịch có điều kiện, không phải là du lịch đại chúng. Nếu như du khách tham gia các loại hình du lịch khác là đề hưởng thụ, để được vui chơi thỏa thích, thì khi tham gia du lịch sinh thái, ngoài cơ hội được trải nghiệm, được về với thiên nhiên, du khách còn có cái trách nhiệm đối với tự nhiên, trách nhiệm với cộng đồng ở nơi đến du lịch.

Vì là loại hình du lịch có điều kiện cho nên phải có sự quản lý chặt chẽ để hạn chế những tác động tiêu cực từ du lịch sinh thái. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu biết của du khách về du lịch sinh thái để du khách khi tham gia du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn hiểu được vì sao có những hành vi bị hạn chế, chẳng hạn như không được làm ồn, không được đi đông người …

Cũng theo ông Việt, các công ty du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn du khách cho những tour du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Khi chọn được những du khách có sự hiểu biết, có nhận thức tốt về các tour du lịch sinh thái, họ sẽ tham gia tour một cách có trách nhiệm, sẵn sàng chấp nhận những hạn chế tại các điểm đến. Còn nếu chọn những du khách không phù hợp, họ có thể gây ra những tác hại tới môi trường, tới văn hóa của cộng đồng bản địa, mà bản thân họ cũng không cảm nhận được những cái hay, những điều bổ ích từ những tour du lịch này.

Du khách nước ngoài tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Du khách nước ngoài tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Chính vì vậy, để phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, việc đào tạo kỹ năng cho những người làm du lịch sinh thái là rất quan trọng. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch mang tính đặc thù, vì vậy, người làm du lịch sinh thái cũng phải có những kỹ năng khác biệt nhất định so với du lịch thông thường.

Khi được trang bị những kỹ năng phù hợp với du lịch sinh thái, người làm du lịch sinh thái mới có thể làm tốt và quan trọng nhất là làm đúng. Vì khi có đông du khách tới, những người làm du lịch nảy ra tâm lý tập trung nhiều cho doanh thu, qua đó phá hỏng thiên nhiên hay văn hóa của cộng đồng địa phương. Khi thiên nhiên hay văn hóa của cộng đồng địa phương bị phá hỏng thì sẽ rất khó để phục hồi. Vì vậy, phải làm sao để phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, hạn chế tối đa những tác hại tới thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng địa phương.

Về việc đào tạo nhân lực cho du lịch sinh thái, bà Bích Thùy, chia sẻ, bà là giảng viên của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2006, Trường đã mở ngành đào tạo tài nguyên và du lịch sinh thái. Đến nay, nhiều cựu sinh viên chuyên ngành tài nguyên và du lịch sinh thái đang làm việc tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Bà Thùy mong muốn đào tạo thêm nhiều thế hệ kế cận làm du lịch sinh thái, qua đó phát huy tốt tiềm năng du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Bởi những người làm du lịch sinh thái có nghề sẽ biết cách sáng tạo những sản phẩm du lịch từ tài nguyên thiên nhiên và lồng ghép vào đó những bài học, những thông điệp về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.