| Hotline: 0983.970.780

Dập dềnh phận gác rừng trên biển

Thứ Hai 09/01/2023 , 08:06 (GMT+7)

Là vườn quốc gia có cả rừng cả biển, việc giữ rừng của kiểm lâm ở Cát Bà (TP Hải Phòng) có những chuyện vui, buồn, những oái oăm, không phải ai cũng tỏ.

eee55152ef6c37326e7d

Tuần tra, gác rừng trên biển. Ảnh: Đinh Mười.

Say nghề ở trạm Việt Hải

Bài liên quan

Khoảng 25 phút dập dềnh trên biển, chúng tôi đã tới cửa vụng Tùng Gấu, từ đây có thể nhìn thấy trạm kiểm lâm Việt Hải như chiếc nấm khổng lồ nhô lên, bồng bềnh, tròng trành giữa biển khơi.

Ở đây, các cán bộ kiểm lâm quanh năm phải đối mặt với khó khăn, vất vả, vào mùa đông, gió lạnh từ vụng Tùng Gấu thổi ra rít qua các khe thủng, buốt vào đến tận xương. Những đêm mưa dầm, dù mặc áo mưa, quấn chăn bông kín người chỉ hở đôi mắt, nhưng 2 hàm răng cứ thi nhau va lập cập vì rét.

Vào mùa hè thì nắng gắt xối thẳng xuống mái tôn thấp lè tè, khiến trạm nóng như cái lò nướng. Mỗi khi giông bão nổi lên, trạm rung lắc, kẽo kẹt, tròng trành chẳng khác gì chiếc lá tre mỏng manh trôi dạt giữa biển.

Những lúc này, các cán bộ kiểm lâm đang công tác tại trạm phải mặc áo phao, gói ghém hành trang sẵn sàng phương án rời trạm nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Sau khi chìa bàn tay chai sạn đầy vết rách do bị thương từ những lần đi tuần tra bắt tay chúng tôi, anh Nguyễn Lâm Đảo - Trưởng trạm chia sẻ, trạm kiểm lâm Việt Hải là 1 trong 4 trạm kiểm lâm nổi trên tổng số 12 trạm thuộc vườn Cát Bà, cùng với các trạm Giỏ Cùng, Ba Đình, Vạn Tà.

Hiện tại, trạm chỉ có 5 thành viên, quản lý khu vực rừng, biển rộng lớn thuộc vùng lõi Vườn quốc gia với diện tích lên tới hơn 2.247 ha.

Hàng chục năm gắn bó với vườn quốc gia Cát Bà, anh Đảo và các kiểm lâm viên đã thuộc lòng các địa danh trạm quản lý như: Lán Đá, Áng Gẫy, Quay Tơ, Tùng Gấu, cửa Việt Hải, Cạp Gù, Cạp Rợ, Tùng Thịt, Cá Hồng, Cá Bống, Lờm Bưng, La Chảy, La Cạn, Ao Ếch,…

Empty

Địa hình tuần tra của những trạm kiểm lâm trên biển chủ yếu là vách núi. Ảnh: Huy Cầm.

Bài liên quan

Mỗi tháng, trung bình 1 người đảm nhiệm 10-12 chuyến đi tuần rừng và 7-8 buổi tuyên truyền quy định pháp luật về bảo vệ rừng, vận động người dân chấp hành, cùng chung tay giữ rừng, giữ biển.

Thông thường các tuyến tuần tra rừng tuy ngắn nhưng chủ yếu là đèo, dốc cheo leo, hiểm trở đầy rẫy dây gai, lởm chởm đá tai mèo sắc lẻm. Sơ ý là bị cào, cứa sâu vào da thịt. Có lẽ vì thế mà chân tay các kiểm lâm viên ở đây, hầu như người nào cũng có vết sẹo ngang dọc, chi chít, nhiều khi vết thương cũ chưa khỏi thì đã bị vết thương mới.

Với anh em lực lượng kiểm lâm ở đây, những vết thương như vậy là bình thường, dù cẩn trọng đến mấy cũng không tránh được, thậm chí trong khi tuần tra rừng, do đường trơn trượt, anh Đảo ngã gãy ngón chân, anh Tấn ngã gãy xương sườn, còn anh Tuấn thì ngã gãy răng.

Dù vậy, nhưng khi xương vừa lành, da vừa liền và vẫn còn tiêu chuẩn nghỉ nhưng hầu như không có ai nghỉ quá lâu, khi thấy đỡ đều vội vàng thu xếp hành lý để trở lại trạm vì nhớ da diết tiếng chim, thú rừng gọi nhau mỗi khi trời vừa tắt nắng, thèm giấc ngủ sâu giữa nhịp sóng nước bồng bềnh.

“Dù khó khăn, vất vả đến vậy nhưng  suốt những năm qua, tại trạm Kiểm lâm Việt Hải chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề hay xin cấp trên điều chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn”, anh Đảo bộc bạch.

Empty

Những người gác rừng ở Cát Bà đôi khi bám nhiệm vụ cũng chỉ vì yêu rừng, yêu động vật, nhớ tiếng kêu của chim muông, cây cỏ. Ảnh: Huy Cầm.

Lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Bà có 60 người, có 12 trạm kiểm lâm, trong đó có 4 trạm nổi dưới biển. Mặc dù lực lượng mỏng, lại quản lý khu vực rộng lớn với địa hình đa dạng, khó khăn, nhưng nhờ luôn nỗ lực, quyết tâm với hơn 100% sức lực, ý chí, các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ yên bình mỗi vạt rừng, từng vụng biển.

Tết trên biển

Rời Việt Hải, chúng tôi di chuyển qua Giỏ Cùng, đây là trạm Kiểm lâm xa và khó khăn nhất tại Vườn quốc gia Cát Bà.

Lái xuồng đưa chúng tôi đi, anh Nguyễn Văn Nghị chia sẻ, ra Giỏ Cùng có 2 cách, một là đi bộ xuyên rừng quốc gia, phải chật vật vượt núi xuyên rừng mới đến, cách này thường chỉ dành cho những người có sức khỏe tốt và ưa mạo hiểm.

Empty

Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng. Ảnh: Đinh Mười.

Cách thứ 2 để ra Giỏ Cùng là đi bằng đường biển, từ bến Bèo đi khoảng 16km là tới. Bình thường đi bằng đường biển sẽ nhanh hơn và có thể ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Lan Hạ.

Trạm là một bè nổi làm từ thùng phuy và gỗ ván, rộng khoảng 100 m2 với 2 phòng ngủ, 1 “sảnh tiếp khách” và 2 bè nhỏ để nuôi chó, câu cá, cùng 1 cây me, 1 cây chanh.

Giỏ Cùng là trạm kiểm lâm trên bè nổi đầu tiên ở Việt Nam, nhân sự chỉ có 4 người,  Trạm trưởng, Trạm phó và 2 kiểm lâm viên. Do sóng điện thoại rất yếu, giữa trạm cán bộ kiểm lâm phải cắt ống nhựa để treo điện thoại lên bắt sóng nhưng cũng chập chờn, lúc được lúc không, nhiều khi phải chạy xuồng về gần đảo đón sóng khi có việc quan trọng cần liên lạc.

Theo anh Phạm Hồng Sơn – Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Giỏ Cùng, trạm phụ trách quản lý 3.109 ha rừng và mặt nước với 7 tuyến trên đảo, 3 tuyến dưới nước, thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Cát Bà.

Empty

Lực lượng giữ rừng trên biển gặp nhiều khó khăn, nhất là đi lại. Ảnh: Huy Cầm.

Ở lại Giỏ Cùng 1 ngày, tôi cùng các kiểm lâm viên nấu cơm ăn, bữa cơm đơn sơ với cá vừa tranh thủ câu dưới biển, đậu kho và một ít rau luộc.

Empty

Việc bị đá núi cắt vào da thịt, rách chân tay, bị thương là chuyện thường ngày của những người gác rừng ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Ở trạm, ngoài rau xanh thì nước ngọt cũng là một thứ quý giá, có tiền cũng chưa chắc mua được, tiêu chuẩn mỗi người 1 tháng chỉ có 1,5m3 nước, nếu dùng hết thì phải bỏ tiền túi để mua.

Việc mua nước cũng không hề dễ dàng, nếu không được nước của ngư dân đi qua thì phải chạy xuồng vào tận Việt Hải, cả đi và về cũng mất hơn 200.000 đồng tiền xăng.

“Để khắc phục sự bất tiện này, anh em thường tắm dưới biển rồi lên tráng nước ngọt, bằng cách ngồi vào chậu để sau đó lấy nước tưới cây, dọn rửa vệ sinh”, anh Sơn cười xòa.

Không giống như những công nhân viên chức nhà nước khác, dịp Tết, các cán bộ kiểm lâm của trạm phải tạm gác niềm vui sum vầy bên gia đình, thay phiên nhau ăn tết trên biển để đảm bảo nhiệm vụ “gác rừng”.

Vì luôn phải duy trì lực lượng trực chiến nên 4 kiểm lâm viên phải thay nhau nghỉ luân phiên, riêng những ngày tết trạm phải bố trí 2 người trực từ thời điểm có lịch nghỉ của nhà nước cho đến hết mùng 5.

Có một số người do quá buồn trong những ngày trực tết đã đưa cả vợ con ra trạm nhưng điều kiện sinh hoạt ở đây khó khăn quá nên cũng chỉ được 1 hoặc 2 hôm rồi phải cho về.

Cứ như vậy, nằm nào cũng như nhau, những người đến lượt phải trực tết để canh rừng phải ở trạm cho đến hết Tết, khi đồng đội ra thay ca, những người trực tết mới được về sum vầy, đón xuân cùng gia đình.

Empty

Những hiểm nguy rình rập, nhất là những ngày sóng gió. Ảnh: Đinh Mười.

“Năm đầu tiên trực tết tôi cũng rất buồn, ngày thường đã hoang vắng, hiếm người qua lại rồi, vào ngày tết thì chỉ còn 2 ông kiểm lâm với núi rừng. Nay tôi chuyển công tác vào trong đất liền rồi nhưng nói thật kể ra mà sóng điện thoại tốt, anh em có điều kiện dùng mạng internet thì đỡ cô đơn hơn trong những ngày tết đến xuân về”, anh Nguyễn Huy Cầm - một trong những người gắn bó với trạm Giỏ Cùng từ những ngày đầu tiên bộc bạch.

Cũng theo anh Cầm, ăn tết ở trạm cũng có bánh chưng, thịt gà, thịt lợn nấu sẵn. Trước sàn của trạm chúng tôi trồng 1 cây chanh trong chậu, cứ tết đến là ra quả sai trĩu quả nên chỉ mua thêm cành đào cho có không khí. Ngày cuối năm, 2 anh em tất bật làm cỗ rồi cùng nhau xem ti vi đợi giao thừa. Cúng giao thừa xong, nếu bắt được sóng thì gọi về cho vợ con, người thân, còn nếu không thì đắp chăn ngủ.

“Ở đây, ngoài sợ nóng, sợ thiếu nước chúng tôi còn sợ mưa bão, mỗi lần mưa to, sóng lớn là các kiểm lâm viên phải mặc áo phao, sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống vỡ bè. Có lần gió nam gây sóng lớn hơn 20 ngày, canô, tàu thuyền không thể đi lại, trạm bị chia cắt hoàn toàn. Những ngày đó, anh em chỉ ăn cơm trắng với độc món cá khô, do không có tủ lạnh nên trạm không trữ được rau xanh”, anh Nguyễn Văn Thiết – kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng chia sẻ.

Empty

Thay ca nhau trực tết. Ảnh: Huy Cầm.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.