| Hotline: 0983.970.780

Sau loạt bài 'Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt': Gỡ nhưng vẫn... rối

Thứ Hai 22/08/2022 , 13:58 (GMT+7)

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loạt bài 'Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt', tỉnh Nghệ An đã có những động thái để gỡ khó.

Empty

Tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp là thực trạng tồn tại dai dẳng ở Nghệ An suốt thời gian dài. Ảnh: Việt Khánh.

Căng thẳng

Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị liên quan bàn đến các rào cản, vướng mắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng, một số phương án tháo gỡ cũng đã được nêu lên, dù vậy tình hình vẫn căng như dây đàn.

Riêng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên quyết định thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tuy nhiên phần đa đều không cân đối được nguồn thu do diện tích rừng được giao quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên, đang trong giai đoạn đóng cửa rừng. Công sức không được nhìn nhận xứng đáng dần dà dẫn đến buông xuôi, hệ quả là nhiều trường hợp buộc phải nghỉ việc vì không tài nào cáng đáng nổi.

z3663138261359_cf310b78eceae7ab03d8aef348b9195a

Chế độ, chính sách cho người giữ rừng một lần nữa lại được bàn đến. Ảnh: Việt Khánh.

Bi đát nhất là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các chủ rừng (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Con Cuông...), họ vốn là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác quản lý bảo vệ, giữ rừng nhưng chưa có một chính sách cụ thể để đảm bảo kinh phí hoạt động và cho đời sống của chính họ. Nghịch lý trên tồn tại cả chục năm nay, đã nhiều lần đưa ra mổ xẻ nhưng chẳng ăn thua.

Chế độ èo uột là phần nổi của tảng băng chìm, hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn của ngành lâm nghiệp cũng đang trong tình cảnh chới với, điển hình là công tác quy hoạch 3 loại rừng, công tác giao rừng, gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đóng mốc ranh giới rừng.

20220518_172947

Chủ trương giao đất giao rừng còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Việt Khánh.

Thật lo ngại khi biết rằng, công tác quy hoạch 3 loại rừng dù được triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay chưa thể quy hoạch đồng bộ. Đa số các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các chủ rừng hiện nay chỉ quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên cơ sở bản đồ và số liệu ban hành tại các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, ngược lại chưa được giao rừng, giao đất lâm nghiệp trên thực địa, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới lâm phần. Thiếu sự ổn định cần thiết là nguồn cơn dẫn đến chồng lần, tranh chấp liên miên.

Đặc biệt nổi cộm là thực trạng “nóng” tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, hay như quá trình tranh chấp như cơm bữa tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ với công dân huyện Yên Thành; địa bàn huyện Tương Dương với huyện Kỳ Sơn…

Thực hiện Thông báo số 342/TB-UBND ngày 31/5/2022 liên quan đến kết luận của ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng.

Càng gỡ càng rối

Có thực mới vực được đạo, đành rằng Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, tuy nhiên cơ chế, chính sách hiện hành không đủ sức kéo người lao động chuyên tâm gắn bó với nghề giữ rừng. Lâu dài, phải có những quyết sách mang tính bước ngoặt mới mong vực dậy được tình hình khốn khó.

Trên cơ sở này, đối với các công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng của rừng, ngành NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh trích ngân sách để giao kế hoạch đặt hàng nhiệm vụ công ích quản lý bảo vệ rừng đối với phạm vi là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng để có nguồn kinh phí ổn định theo chu kỳ 5 năm.     

z3663138298648_441c94121ab6f794d696ed724de1fa8a

Nghệ An phải có chính sách, nghị quyết riêng nhằm đảo bảo quyền lợi cho người lao động đang công tác tại các đơn vị chủ rừng. Ảnh: Việt Khánh. 

Đối với các chủ rừng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, cho chủ trương rà soát, bố trí lại biên chế, lực lượng lao động làm việc một cách hợp lý, trên nguyên tắc chung phải tỷ lệ thuận với diện tích rừng được giao. Đồng thời, không thực hiện tinh giản biên chế trong giai đoạn 2021 - 2015.

Mặt khác, đề nghị ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các chủ rừng là đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.

Về công tác quy hoạch 3 loại rừng; công tác giao rừng, gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đóng mốc ranh giới rừng, nhất thiết cần có kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để thực hiện cắm mốc ranh giới ổn định, bàn giao đất ngoài thực địa cho các chủ rừng.

Ở một diễn biến khác, hầu hết các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh chưa được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới lâm phần ổn định nên nhiều diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch cho Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn chống lấn với diện tích trước đó đã giao cho người dân theo các Nghị định 02/1994, 01/1995, 163/1999, giao khoán khế ước bảo vệ rừng (50 năm), giao đất sản xuất kinh doanh lâm nghiệp theo Quyết định 184/HĐBT... hoặc đã được địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nhưng trong quá trình thực hiện không được thu hồi, không đến bù theo quy định.

Lâu nay phần lớn người dân đã tự bỏ kinh phí để thực hiện trồng rừng, đến khi tổ chức khai thác lại không tuân thủ quy chế quản lý rừng phòng hộ, tuy nhiên chế tài xử lý không được pháp luật quy định, chủ rừng không có vai trò do chưa đưa bàn giao đất, bàn giao rừng theo quy định của pháp luật. Mỗi bên đều có cái lý cho riêng mình, thành thử xung đột ngày một leo thang.

Empty

Lúc này cả 3 phương án xử lý tồn tại ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đều chưa thuyết phục. Ảnh: Việt Khánh.

Lấy tình cảnh đang xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An làm điểm (tự ý khai thác, chuyển đổi trái phép, xây dựng trang trại…), cơ quan chức năng đã trình bày 3 phương án hòng sớm tháo gỡ nút thắt, dù vậy nhìn chung chưa đủ sức thuyết phục.

Xin đề cập đến phương án thu hồi đất, thu hồi rừng, đồng thời thực hiện việc bồi thường về đất (đối với trường hợp đã giao đất) và bồi thường tài sản trên đất (bồi thường về rừng) cho các hộ gia đình để bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo quy định.

Ưu điểm của phương án này là diện tích rừng phòng hộ sẽ đảm bảo đúng quy mô để tổ chức thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Lâm nghiệp. Ngược lại, nhược đểm là cần nhiều kinh phí từ ngân sách nhà nước, quan trọng nhất là khó nhận được sự đồng thuận của người dân trong diện liên đới vì tranh chấp quyền lợi.

Hiện các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối diện với muôn vàn khó khăn, một bộ phận không nhỏ dường như đang bị… lãng quên.

Chưa cần bàn đến khía cạnh cơ cấu, tổ chức, chỉ nói đến kinh phí đầu tư bảo vệ rừng bèo bọt cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các chủ rừng cũng nan giải lắm rồi. Chẳng hẹn mà gặp, các đơn vị đều chung nỗi niềm: Giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng định mức 300.000 đồng/ha/năm (đơn vị tự bảo vệ rừng bằng lực lượng chuyên trách là hợp đồng lao động), thế nhưng riêng Nghệ An lại “tự làm khó mình” khi xin ý kiến của Bộ NN-PTNT thực hiện theo định mức tự bảo vệ của lực lượng chuyên trách chỉ 100.000 đồng/ha/năm.

Tiền ít (dao động 4 - 5 triệu đồng/người/ tháng) nhưng thông thường phải đến tháng 6 - 7 Trung ương mới phân bổ vốn, tháng 8 - 9 mới được giải ngân, thậm chí có khi cuối năm đồng tiền mới đến tay, báo hại các ban quản lý rừng không thể xây dựng triển khai kế hoạch từ đầu. Người lao động đi làm với tâm lý “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” dẫn đến bí bách đủ đường.     

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất