| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về những người giữ rừng vùng biên

Thứ Năm 29/12/2022 , 10:26 (GMT+7)

Công việc của người giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cuộc sống nơi rừng sâu luôn vất vả, hiểm nguy; song với tình yêu rừng, họ đã vượt qua tất cả.

Chòi tháp canh một trong những công trình giúp các đơn vị giữ rừng hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Chòi tháp canh - một trong những công trình giúp các đơn vị giữ rừng hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Ánh nắng ban mai của mùa Xuân xuyên qua những cành hoa mai, hoa lộc vừng đang nhú lên những nụ hồng ấm áp giữa núi rừng biên cương. Chúng tôi may mắn có dịp theo chân cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở huyện biên giới Bù Đốp cùng với những người đồng bào bản địa thuộc tổ cộng đồng giữ rừng địa phương tuần tra kiểm soát bảo vệ từng mầm xanh,  cánh rừng  nơi địa đầu của của tổ quốc.

Bài liên quan

Mùa Xuân đến, núi rừng biên giới xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. Giữa bát ngát rừng xanh, nhịp tuần tra của những nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn đều đặn, len lỏi qua từng vệt rừng….

Những bước chân không mỏi

Điểm đến của chúng tôi nằm giữa rừng sâu, nơi được đánh giá có nguy cơ cao về tình trạng xâm hại rừng. Đập vào mắt chúng tôi là chòi tháp canh bằng thép kiên cố cao hàng chục mét, cách đó không xa là hồ nước nổi được xây bằng bê tông rộng chừng 20 m2. Anh Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Ban QLRPH Bù Đốp cho biết, đây là một trong những công trình vừa được tỉnh đầu tư để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng cho đơn vị.

Theo anh Vinh, hiện đơn vị đảm nhiệm quản lý và bảo vệ gần 8.500 ha rừng trong đó, 6.500 là rừng tự nhiên. Tuy diện tích rừng không lớn bằng các địa phương khác nhưng trải dài, phần lớn tiếp giáp với biên giới phía Nam Campuchia và lòng hồ thủy điện Cần Đơn.

Ngoài ra, rừng đơn vị quản lý còn có trữ lượng gỗ lớn và nhiều loại gỗ quý, chính vì thế nơi đây luôn là địa bàn bị "lâm tặc" nhòm ngó và tìm mọi cách xâm hại rừng. Những năm gần đây, giao thông qua nhiều khu vực rừng thuận lợi hơn khiến việc giữ rừng càng thêm áp lực.

DSCN0259

Những bước chân không mỏi, lực lượng giữ rừng mỗi ngày lên xuống tháp canh hơn 5 lần để canh lửa, canh lâm tặc. Ảnh: Trần Trung.

“Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán được xem là thời điểm nhạy cảm nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên các đơn vị chủ rừng vẫn phải đảm bảo duy trì quân số trong những ngày này. Năm nào cũng thế, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân cùng nhau đón Tết, còn với chúng tôi, quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên. Chúng tôi phải động viên vợ con, người thân ở nhà cứ vui vẻ đón Tết. Sau đó đơn vị sẽ bố trí cho chúng tôi ăn Tết theo một cách khác", anh Vinh chia sẻ.

DSCN0314

Các hồ chứa nước được xây dựng ở những khu vực nhạy cảm góp phần phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Trần Trung.

Tiếp tục len lỏi vào rừng, đâu đâu cũng xuất hiện biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng và bảng ghi dòng chữ quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. Mùa Xuân đến, núi rừng biên giới xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. Giữa bát ngát rừng xanh, nhịp tuần tra của những nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn đều đặn, len lỏi qua từng vệt rừng. Mỗi nơi đi qua, các nhân viên tỉ mẩn đếm từng gốc cây, kiểm tra từng khóm rừng. Với họ, mỗi ngày đi qua, được dạo qua nhưng nơi thân thuộc, thấy còn vẹn nguyên từng khóm rừng… đó chính là mùa Xuân của những người giữ rừng.

DSCN0355

Cán bộ Chốt Đường 10 - Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp đi tuần tra, kiểm soát rừng. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Chia sẻ công tác giữ rừng với chúng tôi, ông Điểu Ngót tổ trưởng tổ nhận khoán rừng thuộc cộng đồng người S’tiêng giữ rừng Bù Đốp cho biết, ông không nhớ nổi đây là mùa xuân thứ bao nhiêu ông đã ăn, ngủ với rừng trong đợt tết. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu để bảo vệ rừng trước những tác động của thiên nhiên và của cả con người.

Theo ông Ngót, những năm trước, người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ rừng, bà con thường vào rừng săn bắt, lấy măng, dược liệu, đốt rừng làm rẫy... Song, khó khăn nhất vẫn là cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh, nơi có nhiều lâm sản quý luôn trở thành “miếng mồi ngon” của lâm tặc.

Empty

Ông Điểu Ngót (đội nón) cùng đội tuần tra phá bẩy thú rừng. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Quyết không để rừng bị “chảy máu”, ông Ngót cùng tổ công tác bảo vệ rừng đưa ra phương án tác chiến hiệu quả; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát người ra, vào rừng, mật phục những điểm nóng hay xảy ra phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng… Ngoài ra, ông còn tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương rồi tuyên truyền, vận động bà con trồng cây lương thực ngắn ngày và tham gia bảo vệ rừng.

“Với những người giữ rừng thì chuyện ăn ngủ tại chỗ, trèo đồi, lội suối, băng sông, bị rắn, vắt cắn… là bình thường. Nhưng cái khó nhất với một cán bộ, nhân viên giữ rừng là làm sao giữ được mình để không sa ngã trước những cám dỗ đồng tiền của các đối tượng buôn bán, vận chuyển gỗ, động vật rừng trái phép. Muốn vậy, người giữ rừng phải có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, tỉnh táo, kiên quyết xử lý vi phạm”, ông Ngót nói.

DSCN0385

Ông Ngót bên một trong những cây đại thụ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp cho biết thêm, đối tượng thường xâm hại rừng là những hộ dân không có nghề nghiệp ổn định, ở gần rừng, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng.

Trên cơ sở đó đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến chính sách pháp luật về rừng cho các đối tượng, phía đơn vị triển khai công tác ký cam kết đối với những hộ dân sống gần rừng không vi phạm, xâm hại đến rừng, sau khi ký cam kết đơn vị cũng thường xuyên kiểm, tra nhắc nhở  các đối tượng này.

Song song đó, đơn vị giao khoán công tác bảo vệ rừng cho các đơn vị cộng đồng sống gần lâm phần đơn vị quản lý. Các cộng đồng này không những bảo vệ tốt rừng còn kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Đến thời điểm này các cộng đồng này đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Hằng năm đơn vị và địa phương chi trả phí dịch vụ bảo vệ rừng kịp thời, đúng quy định giúp họ ổn định cuộc sống.

Những cánh rừng xanh ngát, trải dài bất tận nơi vùng biên. Ảnh: Trần Trung.

Những cánh rừng xanh ngát, trải dài bất tận nơi vùng biên. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện đơn vị có 4 cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, mỗi cộng đồng có từ 30-40 thành viên, mỗi thành viên nhận khoán 30 ha rừng, từ nhận khoán đã nâng cao ý thức cho họ bảo vệ rừng  và cộng đồng. Đến thời điểm này toàn bộ diện tích rừng đơn vị quản lý đều an toàn, giữ vững, không bị xâm hại…”, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp khẳng định.

Rừng thêm xanh từ cây gáo vàng

Rời Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp, điểm đến tiếp theo chúng tôi đến là Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, một trong những đơn vị không những thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, qua bàn tay của cán bộ hạt, hàng trăm ha đất vùng bán ngập thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn được phủ xanh bởi rừng gáo vàng.

305286237_2172506516252101_5084938466542793845_n

Chiếc cano lướt sóng đưa chúng tôi đến rừng gáo vàng trên vùng bán ngập. Ảnh: Trần Trung.

Cùng đội Kiểm lâm đường sông của Hạt kiểm lâm Bù Đốp lên chiếc cano lướt nhanh, dạo một vòng quanh lòng hồ thủy điện Cần Đơn, đập vào mắt chúng tôi là cả một không gian bao la của rừng bán ngập hiện ra với muôn loài gỗ lim đen, sao, mật... và đặc biệt là hàng chục hécta cây gáo vàng được trồng ở khu vực bán ngập của lòng hồ, nơi tiếp giáp với rừng tái sinh để giữ đất, chống xói mòn... Chúng tôi thu trọn vào tầm mắt màu xanh non của những rừng cây gáo nước trải dài đến tận biên giới với Vương quốc Campuchia, mang đến cảm giác gần gũi, thư thái. Chính màu xanh non bao phủ khắp vùng lòng hồ ấy đã làm cho cái nắng trời chiều chói chang ở vùng biên giới dịu bớt đi rất nhiều.

Theo ông Lương Văn Bảo, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, từ khoảng năm 2012, các kiểm lâm viên bắt đầu trồng thử nghiệm một loạt cây, gồm cả gáo nước, tràm nước (có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam bộ), sao, dầu, gõ đỏ. Sau một thời gian “bầm giập”, có cây sống, cây chết, trồng đi trồng lại, nhân viên kiểm lâm nhận thấy cây gáo nước thích hợp hơn nên từ năm 2015 đã tập trung phát triển đại trà loại cây này.  Cứ như thế, đến nay, gần 140ha rừng bán ngập thuộc các tiểu khu 72, 73, 74 khu vực lòng hồ thủy điện Cần Ðơn do Hạt quản lý đã được phủ xanh. Trong đó, 30ha cây gáo vàng ở tiểu khu 72 phát triển xanh tốt, đường kính cây lên đến 20cm, độ cao từ 5-6m, đạt tỷ lệ che phủ cao.

Đập vào mắt chúng tôi là cả một không gian bao la của rừnggáo vàng trên vùng bán ngập.

Đập vào mắt chúng tôi là cả một không gian bao la của rừng gáo vàng trên vùng bán ngập. Ảnh: Trần Trung.

“Do hầu hết rừng do đơn vị quản lý đều tiếp giáp lòng hồ thủy điện Cần Đơn nên nguy cơ bị xói mòn, “sa mạc hóa” rất cao rất dễ dẫn đến mất rừng. Khu rừng rừng gáo vàng có vai trò như rừng tiền tiêu bảo vệ các khu vực rừng nguyên sinh phía trong. Giữ được rừng gáo vàng xem như đã giữ được rừng nguyên sinh. Đặc biệt, từ khi rừng bán ngập được hình thành và phát triển, nơi đây cũng xuất hiện nhiều hơn các loài vật lưỡng cư, cá các loại… giúp hệ sinh thái ở thêm đa dạng”, ông Lương Quốc Bảo chia sẻ.

305230937_2172506662918753_4603309981418109232_n

Khu rừng rừng gáo vàng có vai trò như rừng tiền tiêu bảo vệ các khu vực rừng nguyên sinh phía trong. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lương Văn Bảo Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp cho biết thêm, “từ khi trồng thành công cây gáo vàng trên vùng bán ngập, đơn vị đã tiếp rất nhiều đoàn công tác  địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Riêng tại Bình Phước, tỉnh đã nhân rộng mô hình ra trồng ở vùng lòng hồ thủy điện thác Mơ rộng lớn, nơi giáp với các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Ngoài diện tích rừng trồng của Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn cũng cùng lúc triển khai dự án trồng rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập hồ Cần Đơn với tổng diện tích 154ha, cũng với cây gáo nước.

Có thể thấy, gian khổ lẫn hiểm nguy là vậy nhưng đối với những người làm công tác giữ rừng ở huyện biên giới Bù Đốp đó là niềm vui, hạnh phúc. Những mầm xanh đang đâm chồi, nảy lộc và cuộc chiến của những người ngày đêm giữ rừng chưa bao giờ kết thúc để đại ngàn mãi xanh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất