| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ bèo bọt, có đủ sức giữ rừng?

Thứ Sáu 04/11/2022 , 15:28 (GMT+7)

Những ý kiến của Nghệ An sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Thông tư quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Empty

Liệu rằng khi Thông tư của Bộ Tài chính ban hành, đời sống của người giữ rừng sẽ có nhiều cải thiện tích cực? Ảnh: Việt Khánh.

Tiếng nói từ Nghệ An, nơi có diện tích rừng lớn nhất nước

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo trước khi trình.

Theo dự thảo, thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng và hưởng thụ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện chương trình; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình. Nguồn kinh phí thực hiện gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về “hỗ trợ khoán bảo vệ rừng”, tinh thần sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025. 

Empty

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước nhưng thu nhập của người lao động quá bèo bọt, chung quy đang tụt hậu so với mặt bằng chung xã hội. Ảnh: Việt Khánh.

Theo đó, kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha; kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung là 900.000 đồng/ha, được bố trí trong tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện chương trình.

Đáng nói, việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc góp ý dự thảo thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và xuất phát từ tình hình thực tế, Sở NN-PTNT Nghệ An đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh, bổ sung tại một số điều, khoản của bản dự thảo.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 3 cần cô đọng rõ ràng như sau: Kinh phí lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha cho cả giai đoạn 2021-2025; kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung rừng 900.000 đồng/ha; việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung rừng chỉ thực hiện 1 lần trước kỳ kế hoạch hỗ trợ kinh phí.

Khoản 3 Điều 3 quy định về kinh phí quản lý kiểm tra, nghiệm thu cần làm theo hướng: “Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm được tính bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung”.

Tại Khoản 2 Điều 4 nên áp dụng định mức chung hỗ trợ cho các đối tượng với kinh phí 300.000 đồng/ha/năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg (các chủ rừng đều phải được bình đẳng và đảm bảo kinh phí hỗ trợ như nhau để bảo vệ rừng). Trên tinh thần đó, đề nghị ghi rõ mức hỗ trợ thống nhất chung cho toàn quốc thay vì ghi “mức cụ thể do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định”, bởi điều này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, qua đó làm chậm quá trình triển khai chính sách.

Khoản 3 Điều 4 quy định về nội dung chi của kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng của rừng cũng cần bổ sung, hoàn thiện thêm.

Empty

Các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ tại Nghệ An cũng như  cả nước đang trong tình cảnh hết sức khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Cụ thể, đối với các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp công khác được giao rừng tự nhiên là rừng sản xuất đang trong thời gian đóng cửa rừng, kinh phí được hỗ trợ coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức.

Trong đó ưu tiên sử dụng cho nội dung khoán bảo vệ rừng rừng theo quy định tại Điều 7, Thông tư 12/2022/TT-BNN PTNT; chi trả lương và các khoản có tính chất lương đối với các đối tượng không hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước; trang bị công cụ, dụng cụ bảo hộ lao động, tuần tra bảo vệ rừng; phương tiện, thiết bị làm việc cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và các hoạt động khác phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Về việc hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho UBND cấp xã cần tổ chức quản lý, duy trì hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hợp đồng lao động bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng và các hoạt động khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Song song đó cần tổ chức các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Để làm được phải xây dựng phương án PCCCR; diễn tập chữa cháy rừng; bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy rừng; hỗ trợ người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn; hoạt động của Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng của cấp xã.

Cuối cùng là hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bằng cách nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người trực tiếp bảo vệ rừng. Lý do điều chỉnh xuất phát từ nội dung thể hiện tại Điều 9 Thông tư 12/2022/TT-BNN&PTNT của Bộ NN-PTNT mới chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ (Công ty lâm nghiệp; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã) chứ chưa quy định nội dung chi.  

Lâm nghiệp Nghệ An đầy thách thức

Nghệ An dẫn đầu cả nước về diện tích rừng với trên 1.008.740 ha. Tài nguyên rừng của Nghệ An rất phong phú và đa dạng, rừng vừa cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hoá lại giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên đó là “bề nổi của tảng băng chìm”, thực tế ngành lâm nghiệp của địa phương này đang đối mặt với đầy rẫy thách thức, trong đó thu nhập của đại bộ phận người lao động chưa được đảm bảo.

Khó khăn hơn cả là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các chủ rừng, họ vốn dĩ là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa trực tiếp thực hiện tuần tra lại có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, nghiệm thu công tác bảo vệ rừng cho các đối tượng nhận khoán, bảo vệ rừng.

Gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ trên vai nhưng bộ phận này chỉ được chi trả đồng lương bèo bọt từ dịch vụ môi trường rừng, ngoài ra chưa có bất kỳ một chính sách cụ thể nào để có thể huy động được nguồn kinh phí ổn định, đảm bảo kinh phí hoạt động và đời sống.

Empty

Đến bao giờ quyền lợi của lực lượng bảo vệ rừng tại Nghệ An mới được đảm bảo? Ảnh: Việt Khánh.

Đánh giá tổng quan càng thê thảm hơn, nguồn kinh phí sự nghiệp cho công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh chủ yếu do ngân sách trung ương hỗ trợ lại quá eo hẹp, thiếu tính bền vững ổn định khiến đời sống của lực lượng làm công tác bảo vệ rừng nói chung càng thêm khốn khó. Đồng lương, thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống thường nhật đã dẫn đến tình cảnh bỏ việc hàng loạt, riêng giai đoạn 2016 đến 4 tháng đầu năm 2022 có đến 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, thực trạng đáng báo động.

Thực sự cam go khi biết rằng chỉ 15/19 chủ rừng tại Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, đã thế chỉ 10 đơn vị được hưởng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dù nguồn này nhìn chung không đáng kể. Số chủ rừng còn lại phần đa đều không cân đối được nguồn thu do diện tích rừng được giao quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên đang trong bối cảnh đóng cửa rừng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Hơn 100ha rừng keo bị cháy, người dân lâm cảnh trắng tay

Hơn 100ha rừng keo lá tràm đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bất ngờ bị cháy rụi khiến nhiều người dân thiệt hại tiền tỷ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất