| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Đập Thảo Long, công trình giải cơn hạn mặn cho nửa triệu người Huế

Thứ Ba 04/10/2022 , 08:29 (GMT+7)

Dân TP Huế hồi đó uống phải nước mặn nên mắc bệnh đường ruột, đi viện rất nhiều, nằm la liệt để uống thuốc hay truyền nước mới đỡ.

Empty

Ông Lê Văn Lương nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sứa bơi ở trên sông Hương

Bài liên quan

Ông Lê Văn Lương năm nay 70 tuổi, nguyên là Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5 nhớ lại đợt hạn kỷ lục xảy năm 1985 ở Huế: “Chính quyền cho xe bồn chở nước từ Phú Bài, cách TP Huế hơn 10km về để cung cấp cho dân.

Nhà tôi hồi đó may không ai phải nhập viện vì còn có bồn dự trữ nước ngọt dành riêng cho việc ăn uống, còn thì tắm rửa vẫn phải dùng nước mặn, nhưng nhiều nhà do không có bồn dự trữ liền bị đau bụng, nhập viện ngay.

Trên loa đài hồi đó ra rả: 'Do hạn nên nước biển tràn vào, sông Hương bị nhiễm mặn, nhà máy nước không xử lý được. Người dân không nên dùng nước máy để uống vì sẽ bị bệnh đường ruột'. Có người biết, có người không nên vẫn bị…”.

Người ta kể, hồi ông Lương mới được Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5 thôi nhưng đã từ chối về làm Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 7, mấy năm sau lại từ chối làm Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Bình chỉ vì quá yêu Huế.

Nhờ chuyên môn giỏi nên ông đã tham gia xây dựng rất nhiều công trình thủy lợi như hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ Rào Đá, đập Thảo Long rồi phần khó khăn nhất của hồ Tả Trạch.  

Ông Lương bảo, vùng nam sông Hương có hệ thống trạm bơm để mùa nước cạn sẽ hút lên tưới nhưng thường bị xâm nhập mặn mỗi năm 2 - 3 tháng.

Năm 1985 mặn kỷ lục, không thể lấy nước vào ruộng được, nhiều cánh đồng ở huyện Phú Vang hay quanh TP Huế nẻ đến mức đút được cả bàn tay xuống được. Sứa nổi lều bều trên sông Hương, nước mặn xâm nhập lên đến tận ngã ba Tuần, qua Huế khoảng 7km làm đảo lộn sinh hoạt của cả thành phố.

Nhiều người phải chạy lên các chùa, về các làng ven đô để chở nước ngọt về ăn, còn sinh hoạt phải dùng nước máy nhiễm mặn, tắm xong là đầu tóc rối bù và sờ vào da cứ rít rịt vì muối bám.

Người nào không có thời gian đi xin nước ngọt hay không có tiền để mua đành phải cố uống thứ nước lờ lợ ấy. Càng uống vào lại càng khát, cộng thêm thêm cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, cổ bỏng rát và bụng đau ngay lập tức.

Empty

Đập Thảo Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Sơn-Công Điền.

Thời còn tỉnh Bình Trị Thiên đã làm đập ngăn mặn Thảo Long nhưng chỉ là tạm bợ, mỗi cửa rộng 2m bằng gỗ, mùa lũ thì kéo lên, chở vào bờ, mùa khô thì chở ra, lắp xuống, cũng hạn chế được phần nào mặn nhưng khi nồng độ muối cao thì vẫn rò rỉ vào rất mạnh. Bộ Thủy lợi mà sau là Bộ NN-PTNT đã nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng này. Một lần Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ vào Huế đặt vấn đề phải ngăn mặn cho vùng đồng bằng nam sông Hương. Đi cùng đoàn có Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gồm GS.TS Trương Đình Dụ - Viện phó mà sau này là chủ nhiệm công trình đập ngăn mặn Thảo Long cùng các đồng nghiệp trẻ.

dji_export_1664546911110

Đường giao thông trên đập Thảo Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Sơn - Công Điền.

Công trình khổng lồ giá rẻ bất ngờ

Ông Lương được chỉ định làm Trưởng Ban Quản lý dự án đập Thảo Long. Năm 2001 bắt đầu thi công đập bằng biện pháp đóng cọc, chẳng may gặp địa chất vùng cửa biển Thuận An có túi bùn lớn, nối 2 cọc dài 15m với nhau thả xuống cũng mất hút. Phải dừng 1 năm, mời Bộ Xây dựng, các trường đại học, các chuyên gia đầu ngành về thủy lực, thủy văn, địa chất…cùng bàn, sau đó quyết định thay bằng biện pháp cọc khoan nhồi sâu 45 - 48m. Theo đề nghị của tỉnh còn làm vành đai đường ven biển nên mở rộng cầu trên đập từ rộng 7m lên 10m.

Đập Thảo Long được thực hiện lại từ năm 2003 đến năm 2008 thì bàn giao Công ty Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế. Trước đây cửa thủy lợi thường rộng 2 - 4m, lớn nhất là 8m nhưng ở công trình thủy lợi kết hợp với giao thông này lấy theo nhịp cầu nên cửa rộng tới 31,5m, nặng tới 86 tấn và có 15 cái như thế. Không đủ tiền để làm cửa bằng thép chống rỉ nên ta phải làm bằng thép thường rồi phủ sơn của Ý.

Empty

Những cánh cửa khổng lồ của đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cửa đập to ngoại cỡ, ở công trường không có mặt bằng nên phải thi công ở Cty Sông Thu - một đơn vị chuyên đóng tàu trong Đà Nẵng rồi chở ra bằng đường biển. Vừa chở được 2 cửa thì những cái tiếp đưa ra gặp đúng mùa mưa bão, phải dùng cả xà lan dắt, xà lan đẩy. Ông Lương đứng trên bờ nhìn mà thót tim bởi gió cấp 6 - 7, sóng rất lớn có lúc tưởng chìm cả xà lan.

Đập dài mà lại có cửa lớn nhất Đông Nam Á nên Thảo Long nghiễm nhiên chiếm kỷ lục khó có thể xô đổ trong suốt nhiều năm. Sau này Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã áp dụng những sáng tạo này vào thi công đập Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang...

Trong quá trình lắp, một kỹ sư Hùng khi hạ cửa số 1, mặc đồ lặn xuống kiểm tra, không may bị kẹt chân vào, vùng để thoát ra thì mặt nạ ôxi cũng bị tuột, may kịp thời kéo lên được. Tuy nhiên, không may mắn như ông, khi thi công đập Thảo Long có 3 người đã hi sinh, gồm 1 công nhân căng cáp làm dầm bị bung neo, cả chùm thép 24 cây cắm xuyên qua ngực; 1 công nhân bị điện giật; 1 người bị tai nạn giao thông trong công trường. 

Empty

Nét đẹp của đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Quý An - Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5 là cán bộ kỹ thuật lúc ấy kể: Ngành thủy lợi khi đó đã biết cọc khoan nhồi là gì đâu, thuê đơn vị giám sát vào thực hiện, trong lúc thi công khoan sâu 45 - 47m bỗng đứt 1 đốt cần gắn cái gàu khoan phải móc 4 - 5 ngày mới thấy. May mắn là lấy được gàu lên, lỗ khoan không bị sập vách, nếu không phải khoan, đóng thêm tối thiểu 2 cọc nữa, mở rộng mố lên, tốn kém không biết bao nhiêu nữa.

Làm trên sông nhưng lại thiếu nước ngọt bởi xung quanh toàn nước mặn, muốn có nước ngọt phải xách từng can ở xa về. Mùa đông gió lùa lạnh thấu xương, mùa hè nắng nóng cộng hơi biển khiến da ai cũng đen tựa cột nhà cháy. Năm 2006, lũ to, nhà của Trạm quản lý đập Thảo Long 2 tầng thì tầng 1 ngập hơn 1m, tầng 2 rộng chừng hơn 100m2 mà ở 130 người gồm toàn bộ cán bộ, công nhân của công trường trong suốt 10 ngày. 

Empty

Dằn bao cát, chống bão Noru cho dãy nhà kho của đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hàng xóm duy nhất là gia đình ông Trương Lai mang mấy bao gạo đến trợ giúp. Lúc này nước ngập lên đến tận nóc lều của nhà ông nên họ cũng rời lên tầng 2 để lánh nạn luôn. Hơn 130 con người trong 100m2, tối nằm ngủ phải xếp lớp như cá mòi trong hộp mới đủ. Nước trôi nhà, trôi cửa, một đàn vịt chừng 2.500 con không biết ở đâu cũng dạt vào sân Trạm, anh em liền quây lưới để giữ chúng lại rồi vừa lội, vừa mò đám sả trong vườn để rang với thịt vịt.

Mấy ngày sau, có người đi tìm vịt, anh em bảo đã quây lưới giữ lại đây, nhưng thiếu thức ăn nên lỡ thịt mất cỡ 100 con, gia đình họ vẫn cảm ơn rối rít bởi nếu không sẽ mất cả đàn. Mấy bao gạo chẳng mấy chốc mà gần cạn, anh em trên nhà Trạm chỉ dám nấu cơm ngày 2 bữa để cầm hơi, lúc nước rút bớt, Ban mới đánh thuyền đến cấp thêm cho ít gạo, ít mì tôm.

Khi xong công trình vài năm rồi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có đưa cán bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra đập Thảo Long giới thiệu. Họ hỏi tổng vốn đầu tư bao nhiêu. Chúng tôi bảo 151 tỉ. Họ không ngờ công trình đồ sộ như thế mà chỉ có bấy nhiêu tiền”…

Empty

Buông câu ở bên ngoài đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn GS.TS Trương Đình Dụ thì tâm sự trong một bài báo khoa học rằng, khi xây dựng đập Thảo Long có 4 đơn vị mời thầu thiết kế tham gia gồm: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 2 đơn vị trong nước khác và đặc biệt có đối thủ “nặng ký” nhất là Công ty Safere của Pháp. Các bên đều phải trình bản vẽ, biện pháp thi công, tính hiệu quả của công trình… 2 đơn vị trong nước bị loại vì chỉ đi theo lối mòn bằng phương án thiết kế cũ.

Công ty Safere của Pháp có cách làm khác biệt là lấy đất lấp 1/3 sông Hương rồi từ đó khoét sâu xuống tạo hố thi công, 2 đoạn còn lại cũng làm theo cách cuốn chiếu tương tự. Ưu điểm của cách làm này là không phải chặn dòng hoàn toàn sông nhưng nhược điểm là đất phải chở qua TP Huế gây ô nhiễm môi trường.

Còn phương án thi công của ông Dụ bằng công nghệ đập trụ đỡ của chính mình đã từng làm thành công ở sông Cui, không cần chặn dòng sông Hương cũng không phải chở đất qua TP Huế. Sau khi hội đồng cân nhắc, đánh giá, phương án đó được duyệt. Ông Hồ Xuân Mãn - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế từng nói với ông Dụ rằng: “Chi phí làm đập Thảo Long 151 tỉ rẻ quá anh ạ! (Nếu xây theo cách cũ sẽ mất khoảng 300 - 400 tỉ - PV). Chỉ cần tiền thuế nhà máy bia Huda 1 năm là đủ, nếu không có đập Thảo Long thì 6 tháng nhiễm mặn nhà máy bia cũng sẽ không hoạt động được”.

Nhờ cửa lớn nên đập Thảo Long tốn ít mố cầu. Thêm một sáng tạo nữa là các cán bộ khoa học đã chuyển từ thi công trên xà lan vốn khó ổn định trên sông sang làm hẳn một cái cầu tạm để thi công cầu trên đập giúp rút ngắn thời gian.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.