| Hotline: 0983.970.780

Đập thủy lợi bị rò rỉ

Thứ Sáu 26/06/2020 , 09:09 (GMT+7)

Đây là công trình hồ Mạy Đẩy, tỉnh Bắc Kạn được đầu tư xây dựng năm 2008 nhưng không sử dụng được do rò nước qua thân đập.

Hồ thủy lợi Mạy Đẩy không thể tích được nước sau khi làm xong. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hồ thủy lợi Mạy Đẩy không thể tích được nước sau khi làm xong. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đổng Xá là xã nghèo vùng sâu biệt lập và cách xa trung tâm huyện miền núi Na Rỳ (Bắc Kạn) tới hơn 40km. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, 100% sống phụ thuộc vào kinh tế rừng và một phần ít ỏi từ đồng ruộng 1 vụ do thiếu nước tưới.

Vì vậy, việc hồ thủy lợi Mạy Đẩy được đầu tư xây dựng là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đổng Xá, hứa hẹn sẽ đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho hàng chục hecta đất ruộng từ 1 vụ và đất ruộng khô trồng cây màu khác. Qua đó phát triển kinh tế, góp phần giảm bớt cái nghèo ở mảnh đất vùng cao này.

Công trình hồ Mạy Đẩy được thi công từ giữa năm 2008, nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2009. Nhưng đã khoảng 10 năm nay, công trình này không sử dụng được, do không chứa được nước và không phục vụ việc tưới tiêu cho đồng ruộng.

Theo người dân, ngay khi công trình mới làm xong, cho dâng nước lên là thân đập đã bị rò rỉ. Được 1 thời gian ngắn, nước rò to quá, nhiều khe nứt xuất hiện và lớn dần. Lo sợ bị vỡ đập không an toàn tính mạng và tài sản của người dân nên phải xả nước đi.

Đại diện HĐND xã Đổng Xá cho biết, cử tri kiến nghị nhiều lần lên HĐND các cấp phải có phương án sửa chữa. Sau đó hàng năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn và cơ quan chức năng năm nào cũng kiểm tra, lập biên bản,… nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Thân đập lộ rõ vết nứt và được vá lại bằng xi măng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thân đập lộ rõ vết nứt và được vá lại bằng xi măng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Công trình hồ thủy lợi Mạy Đẩy đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có giá trị đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án (QLDA) huyện Na Rỳ là chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Nghĩa Sơn, một doanh nghiệp địa phương.

Theo tìm hiểu của PV Báo NNVN, Công ty CP Nghĩa Sơn chuyên xây dựng nhà, đường giao thông nông thôn, làm mặt bằng và các kênh mương. Mặc dù không có kinh nghiệm xây dựng các hồ đập, thủy lợi có giá trị tiền tỷ, nên việc được lựa chọn công ty này làm nhà thầu thi công hồ thủy lợi Mạy Đẩy đã làm nhiều người ngạc nhiên.

Ông Hoàng Văn T là công nhân xây dựng hồ Mạy Đẩy thông tin: Lúc làm thân đập, doanh nghiệp không vét hết bùn đáy mà cứ đổ đất lên, đến khi lu thì bùng bình. Việc lắp đặt ống nước ẩu, nhất là dưới lớp bê tông, chỉ vặn bằng tay do không đưa ca lê hay thiết bị vào được. Người dân ở đây ai cũng biết, cho dâng nước lên ngay lần đầu tiên đã thấy bị thấm nước, rò nước qua thân đập.

Nhưng tại biên bản số 43 nghiệm thu ngày 29/12/2008, có đại diện chủ đầu tư là ông Mã Văn Thịnh, Trưởng Ban QLDA huyện Na Rỳ và một cán bộ kỹ thuật là Nguyễn Huy Hoàng, cùng đại diện nhà thầu thi công đã nhận xét: Nhà thầu đảm bảo theo thiết kế được duyệt, đảm bảo khối lượng, đạt tiêu chuẩn xây dựng và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật công trình.

Còn tại khoản 7 của Biên bản là mục kết luận có nêu rõ: Chấp thuận nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng. Các bên tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định này.

Nhưng đến nay, ngoài những biên bản xác nhận hiện trạng công trình không sử dụng được, thì chưa có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra sai phạm, gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước.

Biên bản nghiệm thu hoàn thành để đưa công trình vào sử dụng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Biên bản nghiệm thu hoàn thành để đưa công trình vào sử dụng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hồ Mạy Đẩy được sửa sai bằng dự án mới

Theo Quyết định số 451 của UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 19/03/2020 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Bắc Kạn” có tổng gần 89,9 tỷ đồng và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) tỉnh là chủ đầu tư gồm 7 hồ thủy lợi. Trong đó, hồ Mạy Đẩy được đưa vào danh sách làm mới tràn xả lũ.

Lý giải về việc này, ông Đới Văn Thiều, Phó trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị là đi kiểm tra, lập biên bản hiện trạng báo cáo lên tỉnh. Sau đó tỉnh báo cáo Bộ NN- PTNT, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi duyệt, đưa vào danh mục đầu tư theo nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Thiều cho biết thêm, việc đánh giá chất lượng phải có hội đồng chuyên môn, thậm chí phải khoan thăm dò thì mới kết luận chính xác được. Hiện tỉnh Bắc Kạn cũng mới thành lập Hội đồng đánh giá an toàn hồ đập, những vấn đề liên quan đến chất lượng sẽ do đơn vị này thực hiện.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn giao cBan QLDA tỉnh làm chủ đầu tư, trong đó hồ Mạy Đẩy được làm lại đập tràn xả lũ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn giao cBan QLDA tỉnh làm chủ đầu tư, trong đó hồ Mạy Đẩy được làm lại đập tràn xả lũ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Điều đáng nói ở đây, đơn vị được giao chủ đầu tư để làm mới tràn xả lũ hồ Mạy Đẩy là Ban QLDA tỉnh do ông Mã Văn Thịnh làm Giám đốc, chính là Trưởng ban QLDA huyện Na Rỳ thời điểm đầu tư xây dựng công trình này năm 2008.

Tức người phải chịu trách nhiệm cho công trình kém chất lượng, không sử dụng được sẽ được giao thực hiện dự án mới để sửa chữa chính dự án đó. Số tiền để dành riêng làm lại đập tràn xả lũ có thể hàng chục tỷ đồng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất