| Hotline: 0983.970.780

Ngân hàng CSXH Bắc Kạn: Bị kỷ luật vì tố cáo sai phạm

Thứ Sáu 29/05/2020 , 09:44 (GMT+7)

Báo NNVN vào cuộc xác minh đơn kêu cứu của bà Vũ Thị Kiều Vân, hiện là Phó trưởng phòng Kế toán - Ngân quỹ, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Bắc Kạn.

Đơn kêu cứu của bà Vũ Thị Kiều Vân gửi Báo NNVN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đơn kêu cứu của bà Vũ Thị Kiều Vân gửi Báo NNVN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trong đơn bà Vân cho biết việc bị kỷ luật Đảng mức “Khiển trách” do tố cáo lên các cơ quan chức năng việc làm sai của ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc ngân hàng này.

Nội dung mà bà Vân đưa ra là việc từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2019, ông Hà Sỹ Côn đã yêu cầu cán bộ, viên chức Hội sở Chi nhánh và các phòng giao dịch NHCSXH các huyện phải ký và điều chỉnh chữ ký theo mẫu do ông đưa ra cho từng người. Tức không được sử dụng chữ ký cũ của họ nữa để giao dịch với khách hàng và sử dụng trong công việc cá nhân mà phải theo mẫu chữ ký mới theo yêu cầu của giám đốc.

Theo bà Vân, với nhiệm vụ là một Phó trưởng phòng Kế toán – Ngân quỹ được phân công làm cán bộ kiểm soát mảng kế toán – ngân quỹ tại NHCSXH Bắc Kạn và được phân công đi kiểm tra tại các phòng giao dịch huyện, nhận thấy việc làm này có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, tham ô chiếm đoạt tài sản sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Chi nhánh Ngân hàng.

Nếu có người cố tình làm giả tài liệu, văn bản, sẽ gây khó khăn trong kiểm soát và không phân biệt được chữ ký thật, giả, gây nhiều rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.

Vấn đề này sai với Quyết định số 2517/QĐ-NHCS ngày 23/7/2015 của Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, tại chương II Điều 9, quy định chữ ký và dấu trên chứng từ như sau: “Khi ký trên chứng từ kế toán, cán bộ ngân hàng chỉ được ký trong phạm vi thẩm quyền quy định và phải ký đúng mẫu chữ ký đã đăng ký (hoặc được cấp nếu là chứng từ điện tử).

Những cán bộ ngân hàng ký vào chứng từ không đúng thẩm quyền, ký sai mẫu đã đăng ký, ký đúng mẫu nhưng thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát gây thiệt hại về tài sản thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Nghiêm cấm cán bộ ký, đóng dấu khống trên chứng từ kế toán để trả khách hàng khi chưa hoàn tất giao dịch ghi sổ kế toán".

Bà Vân cho biết: "Đây là việc làm không đúng nguyên tắc của người đứng đầu của một cơ quan ngân hàng, là chủ tài khoản của ngân hàng. Về chữ ký đối với mỗi người được thể hiện qua từng nét chữ, và có dấu hiệu đặc trưng, không thể tùy tiện thay đổi".

Thậm chí NHCSXH Bắc Kạn đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nhận biết tài liệu thật giả trong lĩnh vực ngân hàng (tính cá biệt của chữ viết, chữ ký) không có 2 người có chữ viết, chữ ký giống nhau (tại hệ thống ngân hàng luôn dùng chữ ký để sử dụng giao dịch, khách hàng ký sai đến từng nét cũng không thể được nhận tiền…).

Bà Vân nói cảm thấy lo sợ có thể bị trù dập nếu tố cáo công khai, nên bà viết đơn nặc danh gửi lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, CA tỉnh Bắc Kạn.

Luật Tố cáo mới nhất được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có quy định tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh có nội dung tố cáo. 

Một số chữ ký của cán bộ phải thay đổi theo yêu cầu của Giám đốc Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội Bắc Kạn Hà Sỹ Côn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một số chữ ký của cán bộ phải thay đổi theo yêu cầu của Giám đốc Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội Bắc Kạn Hà Sỹ Côn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo quy định, người tố cáo sai phạm sẽ được bảo vệ về danh tính và sự an toàn tới tính mạng cho bản thân, gia đình... Nhưng không hiểu vì lý do gì, Công an Bắc Kạn lại vào cuộc truy tìm người tố cáo, sau đó gửi lại thông tin cho lãnh đạo NHCSXH Bắc Kạn để xử lý người viết đơn.

NHCSXH Bắc Kạn đã họp và báo cáo sự việc bà Vân là đảng viên, Phó trưởng phòng viết đơn nặc danh là vi phạm theo quy định Điều lệ Đảng gửi lên Đảng ủy Các cơ quan (CCQ) tỉnh Bắc Kạn xem xét kỷ luật.

Trao đổi với Báo NNVN, Bí thư Đảng ủy CCQ Bắc Kạn Vi Hồng Dương thông tin: "Vụ việc này thì Đảng ủy đã thành lập đoàn kiểm và xác định sự việc do đồng chí Triệu Đức Liêm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) CCQ là trưởng đoàn. Kết quả việc ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc NHCSXH Bắc Kạn yêu cầu một số cán bộ sử dụng chữ ký theo mẫu là có thật. Còn bà Vân đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm do viết đơn tố cáo giấu tên".

Đến ngày 27/4/2020, UBKT CCQ đã ra quyết định số 44 kỷ luật bà Vũ Kiều Vân vì “viết đơn tố cáo giấu tên” bằng hình thức “Khiển trách”. Quyết định này có hiệu lực trong 1 năm.

Ông Hà Sỹ Côn được xử lý nội bộ ở cơ quan, với mức “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” không "tặng", "cho" chữ ký mẫu cho cán bộ, viên chức, người lao động thuộc NHCSXH Bắc Kạn.

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trước đó, ngày 9/1/2020, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã tiến hành họp về nội dung đơn tố cáo của bà Vân, kết luận việc "cho", "tặng" chữ ký (theo mẫu do giám đốc đưa ra - PV) là sai quy định trong hoạt động tài chính ngân hàng. Nên đến ngày 22/1, NHCSXH Bắc Kạn phải ban hành công văn số 124 không sử dụng chữ ký "cho", "tặng" nữa.

Phóng viên đã đến NHCSXH Bắc Kạn vào ngày 21/5 làm việc về nội dung này, nhưng ông Giám đốc Hà Sỹ Côn đi công tác, còn người được ủy quyền xử lý công việc ở cơ quan là ông Hoàng Văn Hậu cũng vắng mặt.

Cán bộ hành chính không liên lạc được với Phó Giám đốc Hoàng Văn Hậu, người được ủy quyền thay mặt Giám đốc đi công tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cán bộ hành chính không liên lạc được với Phó Giám đốc Hoàng Văn Hậu, người được ủy quyền thay mặt Giám đốc đi công tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Luật sư Nguyễn Vinh Quang (Đoàn Luật sư Thái Nguyên) cho biết:

Theo Luật Tố cáo năm 2018, người được bảo vệ gồm: Người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Phạm vi bảo vệ, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo (trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ); bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo.

Vì vậy việc CA Bắc Kạn chỉ truy tìm danh tính người tố cáo mà không điều tra sự việc, thậm chí còn cung cấp thông tin người tố cáo cho người bị tố cáo là việc làm chưa đúng của một cơ quan là chỗ dựa của nhân dân, bảo vệ nhân dân và đấu tranh chống tiêu cực.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất