Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) quản lý diện tích vườn cao su rất lớn, trên 33.000ha. Những năm qua, Donaruco đã đề ra mục tiêu đến năm 2023, năng suất mủ vườn cao su của Tổng Công ty đạt mức bình quân 2 tấn/ha trên toàn bộ diện tích. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Donaruco, trong năm nay, Tổng Công ty đã đạt được mục tiêu nói trên.
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Donaruco "về đích" sớm một năm về năng suất cao su là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Xác định việc sử dụng cơ giới hóa là yếu tố then chốt, là “chìa khóa” quyết định năng suất, chất lượng vườn cây, tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động, những năm gần đây, Donaruco tăng cường sử dụng cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học.
Donaruco hiện có 11 cơ xưởng và nguồn nhân lực gần 30 người phục vụ cho việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ giới hoạt động trên vườn cây.
Năm 2021, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã đầu tư gần 52 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Song song đó, Tổng Công ty khích lệ người lao động phát huy sáng kiến trong lao động để có nhiều giải pháp, nghiên cứu hiệu quả được ứng dụng trong thực tế.
Trong năm qua, đã có 3 giải pháp của Donaruco được công nhận là giải pháp, sáng kiến cấp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và 1 sáng kiến đạt giải nhất Hội thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh việc trang bị máy móc, thiết bị cơ giới hiện đại, với sự nhiệt huyết và trình độ, tay nghề cao của đội kỹ sư, kỹ thuật viên, Donaruco đã chế tạo thành công bộ thiết bị cơ giới phục vụ vườn cây gồm hệ thống 17 loại máy móc với hơn 400 phương tiện, thiết bị các loại. Trong đó, có những bộ máy móc, thiết bị đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn như hệ thống liên hợp "4 trong 1" (phá thành hố khoan – đảo trộn phân – lấp hố – lên luống hàng trồng cây cao su), máy phun thuốc, băng tải vận chuyển phân bón…
Anh Phạm Ánh Phương, phụ trách cơ giới của Donaruco chia sẻ: “Chúng tôi mua những vật tư, vật liệu, công nghệ… về thiết kế, chế tạo, lắp ráp, tạo ra những thiết bị phù hợp với thực tiễn sản xuất trong vườn cây của Tổng Công ty. Chúng tôi có tâm huyết phải làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất để không lệ thuộc, không bị động. Có như vậy, mới tạo được sự phát triển ổn định, lâu dài”.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư cho máy móc, thiết bị, từ năm 2020 đến nay, các khâu nặng nhọc như chuẩn bị đất, phun thuốc trị bệnh cây, bón lót, bón thúc phân cho vườn cây ở Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã cơ giới hóa được 90% diện tích, góp phần không nhỏ làm tăng năng suất, chất lượng vườn cây, giảm chi phí sản xuất, giảm bớt áp lực thiếu lao động.
Phát huy những thành quả từ cơ giới hóa, từ nay đến 2025, Donaruco sẽ tiếp tục đầu tư các thiết bị cơ khí và máy kéo thế hệ mới, thường xuyên cập nhật, chế tạo và nâng cấp, cải tiến thiết bị cơ giới. Đồng thời, Tổng Công ty phối hợp với Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đại học Bách khoa, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng để tuyển dụng nhân sự khoa học kỹ thuật có trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đơn vị.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty sẽ dịch chuyển sang phát triển về dịch vụ nông nghiệp cây cao su như cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây, phát triển công ty con chuyên đảm nhận vấn đề cơ giới hóa, dịch vụ chuyên nghiệp cho cây cao su.
Ngoài việc đẩy mạnh cơ giới hóa, Donaruco đang hướng tới tự động hóa. Hiện Tổng Công ty đang phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu, chế tạo thiết bị khai thác mủ tự động nhằm ứng phó với tình trạng thiếu lao động trong thời gian tới.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, Tổng Công ty đang nhắm đến một số giải pháp tự động hóa công tác khai thác trong vườn cây, nếu thành công sẽ góp phần tạo ra những đột phá mới trong khai thác cao su.