Thời đại và thách thức trước Kỷ nguyên mới
Thập kỷ thứ 3 thế kỷ XXI, nhất là ba năm nay, thế giới ở vào khúc quanh của sự phát triển và cấp bách chỉnh đốn trật tự phát triển bất thường, sắp xếp lại phương thức và lực lượng… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và số hóa… đã và càng làm đảo lộn phương thức và trật tự phát triển thông thường của nhân loại. Nó đang quyết định vận mệnh hay số phận của mỗi quốc gia và mối quan hệ không bình thường giữa các quốc gia, dân tộc trên quy mô toàn cầu.
Đó là thời cơ, đồng thời là thách thức đối với chúng ta trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế: Hoặc là bây giờ phát triển hoặc là đợi sau nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ XXI?
Chúng ta không chỉ đối mặt với thách thức từ thế giới mà đang đối mặt với cả sự phát triển không như mong đợi của chính mình! Sau 40 năm đổi mới, dù với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng phải thừa nhận rằng, chưa tương xứng với tiềm năng, thực lực của đất nước; tốc độ, khoảng cách và thực lực phát triển so với các nước vẫn còn rất xa. Nếu nhìn hẹp trong khu vực, từ thời điểm này, Việt Nam phải cần 10 năm để đuổi kịp Indonesia, cần 14 năm để bắt kịp Thái Lan, cần 62 năm để đuổi kịp Malaysia và phải tới 114 năm sau mới kịp Singapore, nếu tốc độ phát triển như hiện nay.
Đất nước không thể không chuyển mình mạnh mẽ, nếu không muốn tụt hậu xa hơn sơ với các nước khu vực và thế giới hoặc rơi vào cạm bẫy thu nhập trung bình hoặc theo sau người khác.
Đó là yêu cầu phát triển của thế giới, là nhu cầu tất yếu của chúng ta!
Chúng ta không thể không “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới”(1) - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong thế giới hiện nay.
Diễn đạt một cách hình ảnh, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên thách thức và hóa giải mọi giới hạn phát triển, bằng nắm lấy thời cơ, xuất phát từ chính mình, với bản lĩnh tự tôn, tự trọng, tự cường và hành động quyết liệt, không thể rụt rè, do dự hay chờ đợi, cầu toàn, vì sự hùng cường và danh dự đất nước. Nó đòi hỏi về nghệ thuật xử lý thời và thế, mở tầm viễn kiến chiến lược, hoạch định quyết sách chính trị đúng đắn, tập hợp lực lượng đông đảo, tìm tòi hệ giải pháp thực thi phù hợp, đồng bộ và đủ mạnh, tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc của đất nước trong sự phát triển của thế giới.
Kỷ nguyên mới trong tầm nhìn 2045 đòi hỏi cấp bách sửa sang không chỉ tầm nhìn viễn kiến về thế giới với hai mặt sáng tối, về nền móng căn bản, kế sách lâu dài của quốc gia mà cả về cơ chế phát triển không thể giống trước, hành động một cách quyền biến nhưng không phiêu lưu, cẩn trọng nhưng không trì trệ, mạnh mẽ nhưng không manh động, càng không bao giờ sợ hãi… Nó đòi hỏi tiếp tục đổi mới không chỉ tư duy mang tầm chiến lược, kiến tạo vị thế mới, quyết sách chính trị ngang tầm, tìm tòi động lực toàn diện, chuẩn bị lực lượng toàn vẹn và đủ mạnh, đổi mới phương thức hành động vừa phù hợp vừa khác biệt với thế giới, ngõ hầu nhịp bước cùng nhân loại.
Đó thách thức đối với tương lai Kỷ nguyên mới Việt Nam.
Tư duy và tầm viễn kiến phát triển quốc gia
Địa chính trị, địa kinh tế, địa quốc phòng, địa văn hóa… làm nên địa chiến lược phát triển toàn diện đất nước Việt Nam: Vị thế, sức mạnh, uy tín và sự ảnh hưởng Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Ngay những tiền đề đó đòi hỏi phải lựa chọn cho mình con đường riêng ngắn nhất, chủ động tiếp biến và nắm lấy văn minh nhân loại trên các phương diện, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập, thật sự có ý nghĩa quyết định thành bại.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão nhưng cũng tiềm tàng sự bất trắc, thậm chí sinh tử khó lường của thời đại ngày nay. Lúc này, chúng ta không bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chân chính, sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc thì không thế nói tới sự hùng cường bền vững và đích thực.
Không có sự độc lập và hùng cường, càng không thể nói tới hạnh phúc vô giá của nhân dân. Đó là hoài bão trọng đại, một sự nghiệp vẻ vang, một động lực to lớn nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh, nhưng sẽ làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của nước Việt Nam, nguồn sinh lực vô biên, tiềm tàng bên trong bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta trong thế giới ngày nay.
Đó là thách thức tồn vong phải được hóa giải bằng danh dự, phẩm giá, sức mạnh, uy tín và khí phách của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, đó là độc lập của đất nước, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân - linh hồn của lời tiêu ngữ của nước Việt Nam. Tư tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc ấy hội tụ hai giá trị hết sức lớn lao: Giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam. Đất nước phải độc lập. Đó là quyền quốc gia thiêng liêng không ai, không một lực lượng nào có thể mù lòa làm vấy bẩn và cả gan xâm phạm được. Nhưng nước độc lập, nhất định nhân dân phải được hưởng quyền tự do một cách tự nhiên và tất yếu. Vì, nếu nước độc lập mà nhân dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết ngay từ ngày 17/10/1945.
Hạnh phúc chính là sự hài hòa giữa cá nhân với cá nhân, với xã hội và với môi trường (tự nhiên và xã hội), vì sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, của xã hội và của môi trường. Hạnh phúc là sự hài hòa và phát triển. Và, hạnh phúc trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, là sự tổng hòa mang tính chỉnh thể: Dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc, càng thấy vấn đề hạnh phúc là một thành tố của chân lý Việt Nam độc lập như giang sơn tổ tiên ta để lại cho muôn đời sau. Nó không chỉ là tiền đề, là mục tiêu, là động lực mà còn là con đường xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính khát vọng ấy hun đúc thành khí phách Việt Nam trong cuộc đấu tranh và bảo vệ kỳ vĩ nền độc lập tự do vô giá và thiêng liêng của Tổ quốc ở khắp mọi thời kỳ, trong lịch sử hoàn cầu 100 năm nay.
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Thống nhất - Hùng cường chính là tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia, trong cuộc dân tộc chủ động hội nhập toàn cầu hóa, là giá trị căn bản phát triển Việt Nam kỷ nguyên mới.
Tư tưởng phát triển dân tộc
Tự lực, tự cường là phẩm giá cao quý của người Việt Nam có đạo đức, có lòng tự trọng. Hơn bao giờ hết, mỗi người cần “có chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Tự chủ của đất nước là bảo đảm tự do cho mỗi người trước mọi bạo lực, cường quyền, trước mọi sự áp chế hà khắc, là bảo đảm để dân tộc tự do và ngày càng tự chủ trước mọi sức ép từ bên trong, hóa giải mọi hiểm họa từ bên ngoài.
Và, để có tự do chân chính cho mỗi người và cả dân tộc không thể không giữ vững và phát triển pháp quyền phù hợp với đất nước và tương dung với thông lệ và pháp lý quốc tế. Không thể chấp nhận thứ tự do vô hạn độ của bất cứ ai, của bất kỳ lực lượng nào đứng ngoài, đứng cạnh, đứng trên pháp luật cũng như không thể dung thứ thứ pháp luật nào ngăn cản tự chủ, bóp nghẹt tự do từ bên ngoài. Và, càng không thể dung thứ bất cứ quốc gia dân tộc nào, với bất cứ lý do gì, chèn ép, xâm phạm quyền tự chủ, tự quyết, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, tức là chà đạp lên đạo lý và pháp lý quốc tế. Tất cả phải nhằm giữ vững nền độc lập của đất nước, bảo đảm hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu phát triển nhân văn của chúng ta.
Không bảo đảm phát triển tự do chắc chắn sẽ không có bất kỳ sự tự chủ, càng không có bất cứ một sự tự quyết nào xứng đáng với độc lập! Do đó, càng thực thi công cuộc đổi mới, khi “mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do” thì nhất định chúng ta sẽ càng vượt qua mọi khó khăn.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay và tương lai, ngay từ bây giờ, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Không có con đường nào phát triển đất nước tối ưu hơn, rằng dân tộc chúng ta phải tự mình trở nên hùng cường. Nếu khát vọng này nguội tắt thì thất vọng ê chề và cầm chắc sự ươn hèn, bạc nhược và nhất định thất bại. Nó càng không chấp nhận những ai tự huyễn hoặc, nói suông, những người do dự, hoang mang, thất vọng, lại càng không thể dung thứ những ai yếm thế, lùi bước, bỏ cuộc và đầu hàng. Nó là quốc sỉ, là liêm sỉ của mỗi người Việt Nam.
Và, hạnh phúc của nhân dân trong sự phát triển đất nước một cách bền vững là đích đến của độc lập và tự do trên nền tảng tự chủ, tự quyết, tự lập, tự cường. Đó là hoài bão lớn, là trí tuệ, lương tâm, liêm sỉ, trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam.
Hơn bất cứ khi nào, Quốc gia tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc tự cường - Tổ quốc phồn vinh phải trở thành tư tưởng quán xuyến và chủ đạo phát triển dân tộc và dân tộc phát triển trong kỷ nguyên mới!
Tinh thần phát triển dân tộc
Độc lập là khát vọng của dân tộc Việt Nam từ khi khai sơn phá thạch, cháy bỏng trong tâm can đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, âm ỷ và sục sôi suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, bừng lên ở Bạch Đằng giang khi Ngô Quyền diệt Nam Hán mở lại nền độc lập năm 938, rồi chống Tống bên bờ sông Như Nguyệt năm 1076, đạp Nguyên ba lần suốt thế kỷ XIII, lại bình Minh năm 1427, diệt Thanh năm 1789 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi suốt hơn 80 năm, đến giữa thế kỷ XX, để một ngày mùa thu Ất Dậu, bản Tuyên ngôn Độc lập về một nước Việt Nam độc lập được bố cáo khắp năm châu. Không độc lập tự do, Việt Nam không có gì cả, ngay cả tên gọi của mình. Nhưng, không tự mình trở nên hùng cường thì nguy cơ lệ thuộc, thậm chí nô lệ luôn cận kề và đe dọa dân tộc.
Trên nền móng độc lập ấy - một nền độc lập được giành lại và bảo vệ bằng máu của lớp lớp đồng bào, dân tộc Việt Nam giữ vững và nêu cao tự quyết, quyền lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và quyết định con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp, không một lực lượng nào có thể làm vấy bẩn được. Đó là sự thống nhất quyền dân tộc - quyền tự quyết của dân tộc - quyền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không có con đường nào khác tối ưu hơn để đất nước phát triển hùng cường, nhân dân hạnh phúc.
Nước Việt Nam không thể bạc nhược, tụt hậu. Vì, yếu hèn, nhược tiểu rất dễ rơi vào vòng khắc chế, thậm chí lâm vào vòng nô lệ của kẻ khác. Đất nước chỉ có tự mình trở nên hùng cường, Quốc thể mới có thể định vị chiến lược trong cõi hoàn cầu, sức mạnh của đất nước mới thực sự góp phần cùng nhân loại phát triển, uy tín và danh dự quốc gia mới không ngừng tỏa sáng.
Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia, dân tộc ngày càng tùy thuộc lẫn nhau và quyền dân tộc, quyền độc lập tự do ngày càng phát triển không ngừng. Các quốc gia dân tộc đều có quyền quyết định thể chế chính trị và lựa chọn con đường phát triển của mình một cách phù hợp và tự do. Điều đó càng cho thấy giá trị thời đại tỏa sáng trong giá trị của mỗi quốc gia dân tộc một cách tất yếu, thống nhất trong đa dạng của thế giới ngày nay mà tinh thần độc lập Việt Nam thâu thái, hàm chứa, dự báo và thể hiện sinh động và tự nhiên xu thế phát triển không thể gì đảo ngược của các quốc gia dân tộc trên thế giới, không gì xâm phạm và cả gan xỉ nhục được.
Nhưng, nếu đất nước không có độc lập, dân tộc không có tự do, thì nhất định nhân dân không bao giờ có hạnh phúc! Do dó, hơn hết lúc nào, hiện nay, Tự chủ - Tự quyết - Tự lập - Tự cường với tinh thần, bản lĩnh, khí phách Việt Nam hòa quyện và thể hiện trong sứ mệnh mỗi con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Tâm lý phát triển quốc dân
Quyền con người, xét cho cùng đó là quyền dân tộc độc lập. Đó là chân lý thời đại ngày nay.
Ngay từ khi thành đất nước, dân tộc Việt Nam nối đời giữ gìn nền độc lập, chủ quyền dân tộc, lấy quyền lợi của dân tộc làm tiền đề để thực hiện quyền lợi của mỗi cá nhân, từng cộng đồng, từng dân tộc, nhưng quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng, cao hơn hết thảy. Lịch sử Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhằm bảo vệ đất nước, thống nhất giang san đồng thời với lịch sử trường kỳ xây dựng đất nuớc độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam cũng là là lịch sử kiến tạo, tiếp biến, thâu hóa và phát triển phong phú tinh hoa, linh hồn, giá trị và bồi đắp tư chất văn hóa Việt Nam; là sự thâu thái, trầm tích, hội tụ, hiển hiện và tự biểu hiện vị thế, sức mạnh, uy tín dân tộc Việt Nam văn hiến, độc lập, thống nhất, bản sắc và hiện đại hội nhập khu vực và trên toàn thế giới.
Khoan thư sức dân! Lòng dân là Quốc bảo!
Thượng sách giữ nước là tự mình trở nên hùng cường, trên nền móng khoan thư sức dân làm kế bền rễ sâu gốc và hóa giải mầm họa, nguy cơ chiến tranh và xung đột. Hóa giải và tiễu trừ mọi mầm họa xảy ra chiến tranh, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, giữ nước từ sớm và từ xa, đó là thượng sách giữ nước. Do đó, một cách tự nhiên, bảo vệ và thực hiện quyền con người không thể tách rời việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Vì, quyền con người suy cho cùng là quyền dân tộc độc lập. Và, dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người; và ngược lại, thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền.
Đó là phẩm giá, là danh dự, là nhân văn và là cốt cách và linh hồn Việt Nam, cái nền móng phát triển tâm lý quốc dân, vì Việt Nam hòa bình và phát triển Kỷ nguyên mới.
Phẩm giá nhân văn quốc gia
Chúng ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hướng tới năm 2045 - tròn 100 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - không gì cản được!
Khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành chân lý bất biến, là sự nối tiếp truyền đời của khát vọng quốc gia “Hùng cứ một phương”, “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”, “Mở nền thái bình muôn thuở”; là ngọn nguồn của sức mạnh vô địch làm nên vị thế và danh dự, sự bất diệt, trường tồn và phát triển thống nhất đất nước cùng nhân loại.
Chưa khi nào như hiện nay, độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế trên con đường phát triển lại đòi hỏi sự kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa như hiện nay. Quyền tự chủ đất nước và quyền tự quyết dân tộc phải được giữ vững trên con đường hội nhập toàn cầu tất yếu. Ở những bước ngoặt của lịch sử nước ta, những kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/7/1952, càng có ý nghĩa to lớn về tầm nhìn và quyết sách chính trị chiến lược: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Và hôm nay, giữa cuộc cạnh tranh mạnh được yếu thua, sinh tử mất còn trên địa cầu, thì phương lược lúc sinh thời ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có giá trị đặc biệt.
Để tăng cường sức mạnh nội sinh của dân tộc, không thể khước từ sự giúp đỡ ở bên ngoài, thâu thái tinh hoa thế giới, nhân lên sức mạnh của đất nước. Đó chính là độc lập chân chính. Nhưng, trong mọi hoàn cảnh, phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”. Nội lực quốc gia giữ vai trò quyết định. Mọi sự phụ thuộc đều dẫn đến lệ thuộc, đánh mất quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển các quan hệ quốc tế bình đẳng, cùng có lợi trên con đường hội nhập thế giới.
Suốt 79 năm qua, chúng ta đã kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. “Tắt muôn đời chiến tranh”. “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Không gì có thể xâm phạm và làm vấy bẩn khát vọng thiêng liêng đó!
Đó chính là bài học lịch sử vô giá về kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh nội sinh dân tộc và sức mạnh ngoại sinh thế giới, để giữ vững nền độc lập dân tộc và phát triển quyền tự quyết dân tộc thiêng liêng và vô giá, vì lợi ích quốc gia tối thượng. Không ngừng hun đúc, phải tôi luyện ý chí độc lập, tự chủ, tự quyết, tự lập và tin cậy song hành với giữ gìn và nêu cao tinh thần quốc tế, nhằm phát huy cao độ năng lượng nội sinh dất nước. Đồng thời, thâu thái sức mạnh ngoại sinh, kết hợp truyền thống với hiện đại một cách không xa lánh, không kỳ thị, không bắt chước, không rập khuôn, vì sự phát triển của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc trong Kỷ nguyên mới.
Hơn hết lúc nào, Đoàn kết - Kỷ luật - Hài hòa - Hội nhập - và Thủy chung trong dân tộc và hội nhập quốc tế thấm đẫm tinh thần Quốc tế - Quốc gia - Gia đình là phẩm giá quan trọng của hệ giá trị kỷ nguyên mới phát triển Việt Nam
Đó là con đường lịch sử tất yếu để gìn giữ và phát triển tư cách độc lập, vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia, danh dự và sự trường tồn của dân tộc, thanh danh và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay và tương lai. Đó là mạch nguồn bất diệt, lúc âm thầm lặng lẽ, khi sục sôi gào thét chảy trong huyết quản gần 100 triệu đồng bào ta, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, làm nên gương mặt, cốt cách, khí phách, sức mạnh và uy tín của dân tộc Việt Nam trường tồn cùng giang sơn xã tắc trong Kỷ nguyên mới!
(1) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Báo Điện tử Chính phủ.