Chuồng trại phải bỏ hoang
“Đó là chỗ ngủ tạm của 2 lao động trước đây. Từ hồi xã không cho ký tiếp hợp đồng, ra thông báo phải di dời tài sản, cái chuồng lợn mới đầu tư hơn 1 tỷ đồng tôi không dám nuôi nữa, cái ao cá không dám thả nữa, phải chuyển sang trồng cây nhưng cũng chỉ là các loại hoa ngắn ngày. Gần đây nghề hoa kém, lao động nghỉ hết, chỉ còn lại vợ chồng tôi tự làm. Trước đây, doanh thu mỗi năm 2 tỷ đồng, giờ chỉ còn 200-300 triệu đồng, đủ sống thôi. Không đầu tư thì lấy đâu ra lợi nhuận được?
Con cái giờ cũng đi làm thuê, làm mướn chứ không dám tiếp nối nghề của bố mẹ. Nhìn người ta đang bán lợn móc hàm với giá 84.000đ/kg mà tôi tiếc lắm bởi đã bỏ nhiều tiền ra đầu tư nhưng lại không dám nuôi vì nghĩ xã mà đem máy múc đến thì di dời chúng đi đâu…”. Ông Lê Văn Tính - người chung dự án trang trại với ông Nguyễn Văn Khôi phàn nàn với tôi trong lúc đẩy cái xe bò chứa bình thuốc trừ sâu vào trong dãy chuồng lợn. Từ hồi bỏ chăn nuôi, rồi người lao động cũng bỏ trồng cây thuê, không ở nhờ trong chuồng lợn nữa thì nó bị biến thành cái nhà kho để trữ những đồ linh tinh như vậy.
Những năm 2004-2005 một số hộ dân ở xã Xuân Quan huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đấu thầu đất công ích do UBND xã quản lý để sản xuất với mức giá từ 150-300 kg thóc/sào/năm (quy ra tiền khoảng 750.000 -1.500.000đ theo thời giá). Ông Đàm Văn Lụa - một chủ trang trại đã ở độ tuổi ngót 80 kể, trước đây vùng đất này toàn là thùng vũng, chỉ cây đay, cây muồng mọc hoang, trồng ngô thu hoạch cũng rất bấp bênh.
Hồi chưa có nhiều thủy điện trên sông Hồng, hàng năm nước ngập, tới tháng 9 vẫn còn thả vịt được ở khu bãi này nên đấu thầu đất thành công là xã đã mừng rồi vì nếu không sẽ bị thất thu ngân sách.
Những hộ thuê đất lúc đầu chỉ trồng chuối, đu đủ nhưng chẳng may gặp một cơn mưa đá đã xóa sổ gần hết, có người tới chết vẫn còn nợ tiền đóng sản. Chỉ một số hộ kiên trì bám trụ, lập dự án xin phép UBND huyện Văn Giang cho chuyển đổi sang mô hình trang trại VAC theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Hưng Yên trong các Quyết định 03 và 46. Khi được Chủ tịch UBND huyện Văn Giang phê duyệt (không ghi thời gian thực hiện dự án cụ thể trong bao lâu - PV), họ liền đưa máy móc về đào ao thả cá, trồng cây ăn quả:
"Chúng tôi cũng chẳng được đầu tư, hỗ trợ gì, có khi đến ngày đóng sản (đóng theo thóc rồi quy ra tiền-PV) thì cán bộ xã mới nhớ đến là có mấy trang trại như thế. Hồi ấy, chúng tôi đã đấu thầu đất rồi chứ không phải là xã giao thầu nên cứ hết hạn hợp đồng 5 năm lại được tái ký cho đến năm 2020 thì xã bảo phải tăng giá. Trước đấy, hợp đồng ký lần hai xã đã tăng 15% giá rồi nhưng là phù hợp với Nghị định 46 năm 2014 của Chính phủ về cho thuê đất công điền làm nông nghiệp trong đó quy định không được tăng quá 3%/năm.
Tuy nhiên hợp đồng lần ba này, xã bảo căn cứ theo thị trường chứ không theo nghị định 46 nữa nên có hộ bị tăng đến 580%. Xã bảo nghị định 46 đã hết hạn rồi nhưng không phải thế. Theo tôi, xã không có quyền thu hồi dự án cấp huyện đã phê duyệt mà chỉ được quyền ký hợp đồng, thu sản và giám sát xem các chủ trang trại có thực hiện đúng như dự án hay không.
Chúng tôi lên UBND xã Xuân Quan tìm gặp ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch để khiếu nại nhưng ông ấy toàn tránh mặt. Sau nhiều lần lên như thế thì cũng gặp được ông ấy, hỏi chuyện có được tái ký hợp đồng không thì ông ấy trả lời rằng không và sau đó ra Quyết định 279, bảo chúng tôi khiếu nại sai luật và đất phải được tổ chức đấu thầu công khai.
Huyện Văn Giang có nhiều dự án trang trại ở các xã khác, cứ hết hạn hợp đồng thì được ký lại nhưng tại sao ở Xuân Quan cứ bắt chúng tôi phải đấu giá? Tôi nghi họ làm thế là do một số nhà vườn “tay to” xúi giục, muốn thuê lại đất của chúng tôi mà thôi…".
Không đồng ý với quyết định đó của UBND xã Xuân Quan, 5 chủ trang trại đã bắt đầu hành trình làm đơn khiếu nại.
Lợn, bò phải bán vội
Ông Nguyễn Văn Toàn tâm sự, vào thời điểm mình quyết định viết dự án xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vợ con đã rất lo bởi không chỉ phải cắm sổ đỏ của nhà mà còn phải vay thêm anh em mới đủ tiền đầu tư, cải tạo vùng bãi đất mấp mô thành một trang trại trù phú. Qua vài đời Chủ tịch UBND xã, ngay cả đến năm 2015 ông Lê Quý Đôn lên cũng đã tái ký hợp đồng cho thuê đất tiếp nhưng đến năm 2020, khi hết hạn lại đòi phải tăng giá đến mấy trăm phần trăm:
"UBND xã Xuân Quan cho 1 tuần để chúng tôi về suy nghĩ nếu không sẽ phải di chuyển tài sản, trả lại mặt bằng để tổ chức đấu giá đất. Thấy xã đang làm sai chính sách của nhà nước nên chúng tôi không đồng ý thì họ liền ra thông báo di dời tài sản. Gửi đơn khiếu nại lên xã nhiều lần không được, chúng tôi đành phải gửi lên huyện, lên tỉnh. Vụ việc đã kéo dài 4 năm nay, người dân không khác gì quả bóng để cho các cấp cứ đá đi, đá lại. Giờ có Chủ tịch UBND xã mới rồi nhưng việc của các trang trại vẫn chưa được giải quyết.
Từ đó, cái chuồng lợn trước nuôi 50 con nái và 200 con thương phẩm của tôi đành phải bỏ không, cây thì chỉ dám trồng loại ngắn ngày chứ không dám đầu tư trồng cây lâu năm như tùng, mộc hương, trà. Mấy năm nay các chủ trang trại cũng chẳng được ai cho đi học các lớp tập huấn của nhà nước như trước nữa"...
Dẫn tôi vào một dãy chuồng bò bỏ không, đang được tận dụng để nuôi vịt, ông Đàm Ngọc Hân phàn nàn: “Thời điểm năm 2021 đang là cao điểm của dịch Covid 19, nhà nước bảo ai ở đâu thì ở đấy nhưng 8 chủ trang trại vẫn bị triệu tập lên xã để họp, ngồi sát nhau trong phòng mà tôi chẳng thấy cán bộ nào đeo khẩu trang gì. Trạm chốt bố trí đầy để chống dịch nhưng xã vẫn ra quyết định di dời tài sản của các trang trại.
Trước đây tôi nuôi 70 con bò sữa, 60 con lợn nái, 200 con lợn thịt, 1 mẫu ao thả cá. Có quyết định di dời tài sản, tôi phải bán vội bò sữa thành bò thịt, mỗi con đang trị giá 60 - 70 triệu đồng chỉ được 30 triệu đồng, lợn nái mỗi con đang trị giá 15 triệu đồng bán thành lợn thịt chỉ được 7 triệu đồng. Trong quyết định xã chỉ cho chúng tôi 30 ngày để di chuyển tài sản nhưng đến ngày thứ 23 thì họ lại rút quyết định này đi. Và lạ ở chỗ, 5 hộ chúng tôi đi kiện thì bị đối xử như thế còn 3 hộ là ông Quy, ông Biên, bà Thủy cũng có dự án trang trại tương tự thì xã lại không động đến"…
Một chủ trang trại khác, anh Đỗ Thanh Tùng bảo hối tiếc vì đã đầu tư tiền tỉ vào dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giờ phải khổ sở, nếu hồi đó đầu tư cái nhà ngoài thị trấn thì đã trúng to rồi: “Khi chúng tôi lập dự án làm trang trại, UBND huyện Văn Giang đã thành lập đoàn gồm các phòng ban về thẩm định từng cái một rồi mới ra quyết định cho phép.
Các dự án chưa có cái nào bị một biên bản xử phạt để UBND xã Xuân Quan phải kiến nghị thu hồi, mà ngược lại chúng tôi còn được nhiều bằng khen, giấy khen. Trước đây hễ có đoàn tham quan hay báo đài nào về là huyện đều dẫn đến đây. Từ hồi không được ký hợp đồng tiếp nữa chúng tôi đã không dám đầu tư vào nhà màng, nhà lưới nên bỏ lỡ nhiều cơ hội để làm giàu".
Không đồng tình với cách hành xử đó nên các chủ trang trại đã làm đơn tố cáo ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan. Tôi quyết định sẽ phải gặp ông để nghe được tiếng nói từ phía chính quyền, dù rằng ông mới chuyển công tác sang địa bàn khác.
Các chủ trang trại còn tố cáo chuyện “nhất bên trọng nhất bên khinh” của UBND xã Xuân Quan khi không động chạm đến các chủ trang trại khác đã đành, mà còn để cho bà Thủy Cam sản xuất, kinh doanh giá thể trồng cây, tập kết cả vài trăm tấn nguyên liệu to như một quả đồi vẫn không bị nhắc nhở.