| Hotline: 0983.970.780

Đất trang trại lại 'nóng' ở Xuân Quan, Văn Giang: Lãnh đạo xã Xuân Quan nói gì?

Thứ Năm 30/05/2024 , 11:06 (GMT+7)

Lần này tôi được gặp cả ông Hoàng Hoa Cương - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan và ông Lê Quý Đôn cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Quan - người ký những văn bản liên quan.

Họ đi tiên phong nhưng chính sách nay đã khác

Ông Hoàng Hoa Cương mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) được vài tháng cho tôi biết ngay từ những năm 2003, 2004 huyện Văn Giang đã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những vùng đất không bằng phẳng, khó dồn ô đổi thửa được một số người dân đi tiên phong thuê để làm các mô hình trang trại:

"Những trang trại ở xã Xuân Quan đã làm ăn, đóng góp nhiều sản phẩm cho xã hội, giúp tăng thu nhập cho gia đình. Việc xã cho thuê đất công điền là để lấy hoa lợi nhập vào ngân sách địa phương và đúng thẩm quyền xã chỉ được ký hợp đồng 5 năm/lần. Các hộ thuê đất phải tính toán thế nào trong chu kỳ thuê 5 năm đấy vừa trả được sản, vừa có thu nhập cho gia đình.

Ông Hoàng Hoa Cương - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (trái) và ông Lê Quý Đôn - cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Quan trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hoàng Hoa Cương - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (trái) và ông Lê Quý Đôn - cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Quan trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây người dân trồng ngô, cấy lúa, nay chuyển sang trồng hoa, giá trị kinh tế cao, tấc đất trở thành tấc vàng nên mặt bằng thuê cũng tăng. Vừa rồi hết hạn hợp đồng, theo luật thì phải đấu thầu công khai nên xã đã thanh lý hợp đồng và xây dựng kế hoạch để đấu giá lại"…

Bài liên quan

Còn ông Lê Quý Đôn - cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, người ký những văn bản liên quan đến việc thanh lý hợp đồng thuê đất của các trang trại, di chuyển tài sản của họ để đấu giá giải thích: Các hộ này được UBND xã Xuân Quan tổ chức đấu thầu, cho thuê đất từ khoảng năm 2005. Khi được công nhận là trang trại, họ được phép xây dựng chuồng trại, nhà tạm. Thời điểm đó, luật đất đai năm 1993 khác với hiện nay, cơ chế, chính sách cũng thay đổi nhiều:

“Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, áp dụng từ năm 2014 nhưng đến năm 2015 tôi vẫn ký tiếp hợp đồng cho các trang trại và có nói đây là tạo điều kiện, còn về sau phải nâng giá lên. Năm 2020 đến hạn hợp đồng, hộ thấp nhất cũng đã làm được 15 năm, còn thì 17, 18 năm và xã bắt đầu thỏa thuận về giá. Tất cả những chỗ đất công điền khác khi hết hạn hợp đồng 5 năm lại thanh lý, đấu giá công khai. Mặt bằng chung đất công điền của UBND xã Xuân Quan quản lý, cho thuê là 5, 7, 10 triệu đồng/sào/năm, thậm chí có chỗ lên tới 20 triệu đồng/sào/năm.

Hợp đồng trước đây của các trang trại này chỉ tính sản bằng thóc, nhân với giá nhà nước chỉ khoảng 700 - 800.000đ/sào/năm, chỗ cao cũng chưa đến 1 triệu đồng/sào/năm. Xã lập đoàn đi thẩm tra, định giá đất để nâng giá thuê lên, chỗ cao nhất 5 triệu đồng/sào/năm. Thỏa thuận nâng giá đó đã không được các hộ đồng ý.

Tôi mà ký đồng ý theo giá kia (giá cũ, không được nâng thêm quá 15%/5 năm- PV), người dân áp theo luật đất đai mới, có thể kiện tôi vì lợi dụng chức vụ cho lợi ích nhóm, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Hơn 6 ha đất thì trong 5 năm nhân lên không biết bao nhiêu tiền. Việc đấu giá đất này đã được Đảng ủy, UBND xã họp thông qua chủ trương rồi mới mời các hộ trang trại lên làm việc nhưng họ lại tố cáo tôi tự ý nâng giá cho thuê lên hơn 500%.

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các hộ này đòi phải ký hợp đồng giao thầu chứ không đấu thầu nhưng theo luật đất đai 2013 điều 132, khoản 3 ghi rõ đối với đất công điền do UBND xã quản lý, thời hạn cho thuê 5 năm và phải tổ chức đấu giá công khai. Thứ nữa, họ dựa vào quyết định 46 của UBND tỉnh Hưng Yên năm 2005 quy định tạm thời về chính sách khuyến khích phát triển trang trại thì năm 2023, UBND tỉnh thấy nó đã không phù hợp và bãi bỏ. Giờ không có căn cứ nào để chúng tôi ký tiếp hợp đồng nữa.

Trong 5 chủ trang trại này có 1 ông chú, 1 ông chú rể, 1 ông bạn, tôi không tạo điều kiện cho họ thì cho ai? Có chú còn tìm gặp nhưng tôi vẫn bảo: “Thôi chú thông cảm, cháu mà làm như thế thì người khác lại tố cáo cháu. Bây giờ, ở chỗ khác đấu giá 5-7 triệu đồng/sào mà cháu cho các chú thuê 700-800.000đ hay 1 triệu đ/sào/năm là thôi rồi. Cháu làm vì ngân sách chứ có phải bỏ túi đâu? Làm gì thì làm phải cho đúng chứ vì ngân sách mà sai luật người ta cũng không để cho cháu yên”.

"Chuyện người dân nói vì ảnh hưởng của việc không được ký tiếp hợp đồng trang trại mà phải bán bò chạy, bán cá non thì tôi khẳng định là không có", ông Lê Quý Đôn - cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Quan.

Vẫn chưa có câu trả lời

Cũng theo ông Đôn, khi trên có ý kiến xã tạo điều kiện cho người dân, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, ông nhất trí nếu các chủ trang trại này rút toàn bộ đơn, sẽ làm thủ tục đầu thầu hạn chế để tạo điều kiện cho họ, tức thông báo lên loa truyền thông rồi đấu, ai trả cùng giá thì ưu tiên cho chủ cũ. Nhưng họ vẫn bảo phương án nâng giá như thế thì cao quá, chỉ chấp nhận tăng 15%/5 năm thôi:

“Lúc đầu nhà anh Biên, nhà chị Thủy Cam cũng có đơn như thế, chúng tôi mời lên vận động thì họ rút đơn, bảo những hộ kia (5 hộ viết đơn) nếu ký được hợp đồng thì xã ký cho chúng tôi. Nhưng xã chưa ký tiếp cho ai cả. Về nộp sản thì từ năm 2020 xã không thu nữa nhưng đến tháng 5 năm 2023 các hộ này có đơn xin nộp thu theo mức cũ, chúng tôi họp và đồng ý”.

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi tôi hỏi 5 trang trại này đã từng vi phạm, bị xử phạt bao giờ chưa? Ông Đôn trả lời: “Tôi tiếc đợt trang trại của ông Hân gây ô nhiễm môi trường khi rửa chuồng bò phân chảy sang nhà bên gây chết vườn mộc của anh Hải. Tôi xuống thì ông ấy bảo thông cảm, để tự dàn xếp đền bù. Ngày ấy mà tôi không nể nang đã cho xử phạt hành chính rồi, đấy là căn cứ có thể dừng lại trang trại này. Rồi trang trại của nhà anh Tùng, trước phê duyệt là VAC nhưng giờ không còn hiện trạng như thế nữa… Liên quan đến các hộ làm đơn khiếu nại lên huyện, lên tỉnh, lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu có văn bản trả lời, đề nghị xã ký tái hợp đồng, tôi ký ngay”.

Liên quan đến thời gian thuê đất, ông Đôn khẳng định trước đây nhà nước tạo điều kiện cho các trang trại khi hết hạn thuê đất là tái ký hợp đồng nhưng năm 2020 trong Thông tư 02 tiêu chí trang trại đã khác rất nhiều. Năm 2023 lại có văn bản 09 của tỉnh Hưng Yên hủy Quyết định 03, Quyết định 46 về việc ban hành quy định tạm thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, về quy định tạm thời chính sách khuyến khích phát triển trang trại:

“Tháng 6 năm 2022 tôi có văn bản hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường và xuống trực tiếp gặp ông Phó Giám đốc Sở đề nghị hướng dẫn vấn đề đấu giá hay ký tiếp hợp đồng đối với trang trại này khi có luật đất đai mới nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời”...

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hết hạn hợp đồng mà không được tái ký, chủ trang trại không yên tâm sản xuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đất trang trại đang nóng lên không chỉ ở Hưng Yên mà còn ở nhiều tỉnh, thành gây khó cho việc sản xuất của người dân cũng như gây sự lúng túng của các cấp chính quyền bởi dễ lạc giữa một rừng luật. Tại mục g phần II trong Nghị quyết 03 ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại quy định:

Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì chủ được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố quyết định thu hồi.

Tại khoản 2, điều 126 của Luật Đất đai năm 2013 nêu thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết hạn nếu có nhu cầu thì được nhà nước xem xét cho thuê tiếp. Theo thẩm quyền UBND cấp xã mỗi lần cho thuê đất không quá 5 năm. Vấn đề ở đây là hết thời hạn thì thế nào? Ký tiếp hay đấu giá lại? Quy định "mỗi lần" ở đây là mỗi lần đấu giá hay mỗi lần ký hợp đồng? Nếu đấu giá lại, chủ trang trại có thể được tiếp tục hoặc không được tiếp tục thuê đất, vậy có đúng với tinh thần của luật đất đai năm 2013 không?

Về giá thuê đất, tại điểm a, khoản 3, điều 4 Nghị định số 46 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: Đơn giá trúng đấu giá được ổn định 10 năm, hết thời gian ổn định thực hiện điều chỉnh, mức điều chỉnh không vượt quá 30% đơn giá thuê đất của kỳ ổn định liền kề trước đó. Như vậy, nếu chủ trang trại không vi phạm, có nhu cầu tiếp tục thì được xem xét cho thuê tiếp; giá thuê có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm (tùy theo tình hình thực tế) nhưng không quá 30% với chu kỳ 10 năm hoặc không quá 15% với chu kỳ 5 năm…

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.