| Hotline: 0983.970.780

'Đất võ' phát triển 3 vật nuôi chủ lực: [Bài 3] Chuyển đổi số, người chăn nuôi khỏe

Thứ Hai 08/04/2024 , 16:15 (GMT+7)

Sức khoẻ bò được theo dõi, cập nhật dữ liệu qua smartphone, thức ăn được tự động chuyển đến cho gà theo lập trình… Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăn nuôi.

Hệ thống chăn nuôi của trang trại sản xuất heo giống Thaco Agri Bình Định thức ăn tự động chuyển đến cho đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống chăn nuôi của trang trại sản xuất heo giống Thaco Agri Bình Định thức ăn tự động chuyển đến cho đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

4.0 trong chăn nuôi

Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi được Bình Định đẩy mạnh trong thời gian qua, lan tỏa từ ngành chức năng đến người chăn nuôi, mang lại hiệu quả tích cực. Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cao thu nhập cho người chăn nuôi, mà còn tạo ra tiền đề phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện tỉnh này có đàn bò trên 300.000 con, đàn heo 700.000 con (không tính heo con theo mẹ) và đàn gia cầm ước đạt trên 10 triệu con.

Trên địa bàn Bình Định hiện nay đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung của nhiều doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát), khu chăn nuôi tập trung ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) với trang trại chăn nuôi bò sữa, trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao.

“Thực tế cho thấy, việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi đã giải phóng sức lao động cho người chăn nuôi, tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi. Hiện nay, ngành chăn nuôi trên địa bàn Bình Định đã tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số ở 1 số lĩnh vực. Như trong công tác báo cáo dịch bệnh ngành chăn nuôi Bình Định đang sử dụng phần mềm Vahis do Cục Thú y cung cấp, tất cả các thông tin dịch bệnh đều được cập nhật kịp thời, phần mềm này đang vận hành rất hiệu quả”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chía sẻ.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, vừa qua, Sở này đã phối hợp cùng Cục Thống kê Bình Định giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y sử dụng phần mềm blokchain vào công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.

Hiện, trên địa bàn Bình Định đã có 800 cơ sở chăn nuôi ở 5 huyện, thị sử dụng phần mềm này. Qua đó, người chăn nuôi cũng như ngành chức năng có thể theo dõi, cập nhật tình hình chăn nuôi và diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi thông qua điện thoại thông minh. Từ đó, cơ quan quản lý kịp thời đề ra biện pháp ứng phó nếu có sự cố xảy ra.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn Bình Định cũng đã tiếp cận, áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăn nuôi của các trang trại. Ví như hệ thống cho ăn, cho uống tự động; kiểm soát nhiệt độ, áp suất tự động; kiểm soát dịch bệnh bằng công nghệ số”, ông Trần Văn Phúc cho hay.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) là 1 trong những cơ sở chăn nuôi đầu tiên ở Bình Định thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) là 1 trong những cơ sở chăn nuôi đầu tiên ở Bình Định thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Chuyển đổi số, chăn nuôi an toàn

Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh là 1 trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi. Trong những năm qua, Công ty này đã không ngừng nghiên cứu, khảo nghiệm, lai tạo giống để tạo ra những dòng gà chất lượng như CK1BĐ, CK2BĐ, CK3BĐ.

Ngoài ra, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cũng đã tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào quy trình chăn nuôi hiện đại, tiên tiến như: Chuồng trại lạnh khép kín, nền sử dụng đệm lót sinh học, kỹ thuật phối tinh nhân tạo cho gà theo hướng an toàn sinh học, hệ thống máy ấp nở hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu.

Hệ thống trang trại chăn nuôi gà được lắp đặt thiết bị tự động từ khâu cho ăn, kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra độ ẩm, phối tinh nhân tạo cho gà bố mẹ bằng điều khiển từ xa.

“Nhờ áp dụng công nghệ số nên chúng tôi kiểm soát được thức ăn, nước uống và điều kiện khí hậu, tiểu khí hậu như độ thông thoáng của chuồng trại, kiểm soát được khí thải như CO2, NH3…”, bà Vũ Thị Huyên, Trưởng Phòng Kỹ thuật chăn nuôi - Thú y, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh chia sẻ.

Áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi vừa giải phóng sức lao động cho người chăn nuôi, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi vừa giải phóng sức lao động cho người chăn nuôi, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Để tạo bước đột phát trong sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.

Trong đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến năm 2025, Bình Định sẽ hoàn thành 70% cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật. Đồng thời, Bình Định sẽ xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, ngành chăn nuôi Bình Định hoàn thành 70% cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

80% cơ sở chăn nuôi khi có nhu cầu sẽ được đăng tải thông tin các sản phẩm chăn nuôi trên sàn thương mại điện tử của tỉnh hoặc các kênh bán hàng online. 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực chăn nuôi được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. 100% thủ tục hành chính liên quan đến ngành chăn nuôi được giải quyết trực tuyến với cấp độ 3, cấp độ 4.

“Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi ở Bình Định đã tạo ra lợi ích kép, khi vừa thay đổi được nhận thức của người chăn nuôi trong việc ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.