Nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất con giống
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong phát triển 3 giống vật nuôi chủ lực, tỉnh này sẵn ưu thế là có nguồn giống vật nuôi chất lượng, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Về nguồn heo giống, Bình Định đang có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất con giống cấp ông bà, bố mẹ, thương phẩm đang hoạt động trên địa bàn. Có thể kể như: Trang trại sản xuất heo giống Thaco Agri Bình Định có tổng diện tích 120ha tại xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định).
Thaco Agri Bình Định là doanh nghiệp chuyên sản xuất heo giống, nuôi heo thịt để cung cấp heo thương phẩm cho thị trường nội địa. Thaco Agri Bình Định có quy mô tổng đàn 140.800 con, công suất heo thịt thương phẩm 281.600 con/năm. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp Thành Phú, Bình Định Xanh, Phú Hưng, Ausfeed… cũng chuyên sản xuất, cung ứng heo giống
Về giống gà, Bình Định có Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hàng năm 2 công ty này sản xuất hàng chục triệu con gà giống 1 ngày tuổi chất lượng cao cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, từ lâu Bình Định đã chủ động về giống bò. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, hiện tổng đàn bò ở Bình Định có trên 300.000 con, trong đó, tỷ lệ bò lai chiếm trên chiếm 92% và đàn nái nền F2 Brahman.
Năm 2021, tổng số bò thịt của tỉnh này được phối giống trên 111.000 con, trong đó, bò thịt nhóm Zebu và Drought Master có hơn 26.000 con, bò thịt chất lượng cao Red Angus và BBB có gần 85.000 con. Tổng số bê lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hơn 109.000 con, trong đó, bê lai hướng thịt nhóm Zebu và Drought Master có gần 34.000 con, bê lai hướng thịt chất lượng cao xấp xỉ 76.000 con.
Năm tiếp theo, tổng số bò thịt ở Bình Định được phối giống đạt 115.700 con, trong đó, bò thịt nhóm Zebu và Drought Master có 20.600 con, bò thịt chất lượng cao Red Angus và BBB có 95.000 con. Tổng số bê lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo gần 90.000 con, trong đó, bê lai hướng thịt nhóm Zebu và Drought Master có 26.883 con, bê lai hướng thịt chất lượng cao có 63.000 con.
“Bước sang năm 2023, công tác lai tạo đàn bò được Bình Định duy trì ổn định. Số lượng bò thịt được phối giống trong năm 2023 là 107.000 con, trong đó, bò thịt nhóm Zebu và Drought Master có 19.000 con, bò thịt chất lượng cao Red Angus và BBB có gần 88.000 con.
Tổng số bê lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là 101.300 con, trong đó, bê lai hướng thịt nhóm Zebu và Drought Master có 32.638 con, bê lai hướng thịt chất lượng cao có 68.600 con. Số lượng bê lai ra đời hàng năm đủ cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh phát triển phát triển đàn”, ông Nguyễn Văn Hạnh khẳng định.
Ưu tiên phát triển theo vùng
Nói về lộ trình phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ: Ngành chăn nuôi ở Bình Định sẽ được cơ cấu lại sản xuất theo vùng, mỗi loại vật nuôi sẽ được ưu tiên phát triển theo vùng và tùy theo công nghệ của từng dự án.
Theo đó, vùng đồng bằng sẽ tập trung phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Trong thời gian tới đây, Bình Định sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các trang trại chăn nuôi hiện có, giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ, đảm bảo khoảng cách theo quy định cho từng vùng chăn nuôi. Đặc biệt, Bình Định sẽ xây dựng vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn).
Vùng trung du sẽ tập trung phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, đặc biệt ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các loại vật nuôi như bò thịt chất lượng cao, heo và gà cao sản, xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Với lợi thế có nhiều diện tích vườn đồi, các huyện trung du sẽ phát triển chăn nuôi gà thả đồi.
“Vùng miền núi cũng được phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các loại vật nuôi như bò thịt chất lượng cao, heo đen bản địa, đặc biệt là phát triển chăn nuôi gà thả đồi vì các huyện miền núi có nhiều diện tích rừng trồng, vườn đồi. Nghề nuôi chim yến tại các vùng cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, phát triển có sự kiểm soát”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, là vùng đất trung du, nên địa phương này có nhiều lợi thế về đặc điểm tự nhiên để phát triển mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi gà ta dưới tán cây ăn quả đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.
“Trên cơ sở đó, huyện Hoài Ân đã lựa chọn xây dựng các mô hình thí điểm, trong năm 2023 có 11 cơ sở nuôi gà đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hoài Ân cũng có 7 cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển nuôi gà thả đồi.
Hiện chính quyền huyện đang phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai chính sách chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026, đến nay đã cấp 28.400 con gà giống hỗ trợ cho 5 hộ tham gia”, ông Võ Duy Tín cho hay.