| Hotline: 0983.970.780

Dầu tăng giá, cá cạn kiệt…

Thứ Hai 31/03/2008 , 10:32 (GMT+7)

Cách đây chừng dăm năm, ai về cảng cá Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định) hay bến cá Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình) cũng bắt gặp cảnh sáng sớm và chiều tà, người “đón cá” đem đi bán đông nghịt. Cảnh ấy, người xưa nay đâu còn...

Bài 1: Dầu tăng, gạo đắt...

Bến cá Nam Thịnh bây giờ đã trở thành cảng cá, nhưng những ngày này người lại thưa đi, hay có đông thì lại đông theo nghĩa khác. Một chị đang sắp bước xuống con tàu đã chở đầy người, bảo:

 - Trước em chuyên đón cá ở cảng, ngày kiếm trăm ngàn ngon ơ. Bây giờ cá ít, phải chuyển nghề, đi khai thác thuê cho chủ các bãi ngao…

Bên cảng cá Diêm Điền (Thái Thuỵ, Thái Bình) tình hình cũng tương tự. Chỉ vào chiếc xe máy có buộc hai sọt cá, sọt nào cũng chỉ láng đáy, ước độ dăm cân, chị Hà, người Thuỵ Trường, chuyên đón cá sáng để chiều bán chợ Gú Thuỵ Lương, than thở :

- Trước đây mỗi chiều chợ em bán cả tạ cá các loại, vừa giao cất vừa bán lẻ. Bây giờ, mỗi sáng chỉ được chừng này…

Cả sáu đôi tàu đánh cá xa bờ của xã Nam Thịnh đều đang neo tại bến. Các anh Nguyễn Xuân Dẻo, Phạm Văn Quyền, Nguyễn Công Luân…chủ của những đôi tàu trên, đang lững thững trên bến. Trông xa, chúng tôi cứ tưởng họ đang dạo mát hứng gió biển sau một chuyến đi xa. Đến gần, mới thấy những nét âu lo hằn sâu trên trán. Anh Quyền bảo :

- Để có miếng ăn, người làm ruộng chỉ phải trông vào bảy thứ “ trông giời, trông đất, trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm” thôi. Chứ dân biển chúng tôi, ngoài bảy thứ đó ra, còn phải trông vào hàng chục thứ khác nữa: trông tăm cá, trông bóng chim, trông giá dầu, giá cá, giá lưới giá chài, giá gạo giá rau…Chỉ riêng giá dầu lên, ước tính mỗi năm một đôi tàu đã mất thêm khoảng 600 triệu. Trước đây lương công nhân khai thác (mỗi đôi tầu 20 người) mỗi tháng triệu hai đến triệu rưỡi mỗi người là sống được. Bây giờ, giá cả này, phải triệu tám, hai triệu họ mới đi, lấy gì bù lại ? Hễ đi là lỗ…

Thời bao cấp, Nam Thịnh từng nổi tiếng cả nước với HTX đánh cá có tên Tiền Phong. Cơ chế đổi thay, HTX không chống chọi nổi với thị trường: thuyền mục, lưới thủng…Khi Chính phủ có chương trình đầu tư đánh bắt xa bờ, HTX đã tưởng đó là một cái phao cứu sinh với 4 đôi tàu đóng hết hàng chục tỷ. Nhưng rồi giấc mơ tung hoành trên đại dương nhanh chóng lụi tàn.

Được biết Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân, mức hỗ trợ là 8 triệu đồng cho mỗi chuyến tàu đánh bắt xa bờ, 6 triệu đồng cho mỗi chuyến tàu đánh bắt trung bờ…ngư dân đang phấp phỏng chờ. Vấn đề là bao giờ thì số tiền hỗ trợ đó đến tay họ. Và làm thế nào để theo dõi, quản lý chính xác được mỗi chuyến đi của từng chiếc tàu, tránh xẩy ra tiêu cực?

Các anh Dẻo, Quyền, Luân… vốn là những ngư dân giỏi của HTX, sống trên biển nhiều hơn ở nhà, đã dám liều đứng ra phần gom góp, phần vay lãi…để mua tàu đánh bắt xa bờ riêng:

- Tàu của HTX bán, chúng tôi không mua được, phải mua của nơi khác. Mỗi đôi tàu ngót hai tỷ. Thêm việc tu sửa, nâng cấp, trang bị ngư cụ…ngót tỷ nữa. Có những món vay tới 3% lãi hàng tháng. Đến nay mới trả được hai phần mười. Mỗi ngày tàu nằm bến là mất không hàng chục triệu tiền lãi, như sát muối vào ruột…

Suốt dọc miền ven biển có độ dài trên 100 km của ba tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình với trên ba ngàn tàu thuyền chuyên khai thác trên biển, và ngót 20 ngàn người dân chỉ biết sống nhờ vào biển, đến đâu chúng tôi cũng phải nghe những lời than đại loại thế.

Cơn bão giá đang làm cả xã hội lao đao, nhưng có lẽ dân biển là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhà nông, cả nhà có thể cùng làm trên một mảnh ruộng, người này ốm có người khác thay, hay ngoài cây lúa còn có cây màu, có thể đi làm thêm việc này việc khác…

Người dân biển khác hẳn. Ruộng không, nhiều người thậm chí nhà cũng không.Từ hạt gạo cho đến cái kim sợi chỉ đều trông vào con cá, và cả nhà chỉ trông vào duy nhất một người, nên khi người ấy thất nghiệp hay thu nhập kém là cả nhà đói ngay. Dầu tăng 30%, cân gạo, gói mỳ tôm, mớ rau…so với bằng giờ năm ngoái đã tăng gấp hai lần trong khi giá hải sản nhích lên không đáng kể.

Những ngày này, loại tầu tầm trung (có công suất từ 20-50 CV, chiếm khoảng 25% trong tổng số tàu cá biển của ba tỉnh) là gặp may mắn nhất, vì đang mùa sứa. Trước đây, dân biển gặp sứa trong lưới thường hất ra ngoài, hoạ hiếm lắm mới dùng một lượng nhỏ làm sứa muối. Từ ngày thương lái Trung Quốc sang ta thu mua với số lượng lớn, dạy ngư dân ta cách muối, ép sứa thành bánh mỏng như tấm bánh đa, con sứa mới có giá, nhất là loại sứa đỏ, giá cao gấp mười lần sứa trắng.

Tàu tầm trung có khả năng ra xa bờ từ 25-30 hải lý vớt sứa, đi về trong ngày, còn tạm sống được nên các chủ tầu đang ra sức tận dụng thời cơ. Xã Nam Thịnh có trên 40 tàu loại này, từ sớm đã ra biển vớt sứa hết nên chúng tôi không gặp chủ thuyền nào. Khổ nhất là loại tàu có công suất nhỏ hơn 20 CV, chiếm tới gần 70 % tổng số tầu cá của ba tỉnh, chỉ len ven bên bờ, khai thác không hiệu quả. Hàng trăm chiếc loại này đã phải nằm phơi trên bãi, chủ nhân của nó phải chuyển nghề khác như đi cào ngao thuê, đi vớt sứa thuê… cho các tàu tầm trung. (Còn nữa)

------------------------

 Sẽ cắt giảm bao nhiều tàu cá?

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Agribank Bình Định sát cánh cùng tam nông

5 năm gần đây, Agribank Bình Định luôn có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ là cho vay nông nghiệp, nông thôn…

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.