Ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định 1791, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Tổng mức vốn được phê duyệt đầu tư dự án khoảng 28 tỷ đồng, diện tích 1,7ha. Chủ đầu tư là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu của dự án này là tạo ra giống cây trồng vật nuôi nhanh, số lượng lớn, nhiều đặc tính quý; nâng cao năng suất chất lượng so với các sản phẩm sản xuất bằng phương pháp truyền thống; an toàn thân thiện với người sử dụng và môi trường. Ứng dụng các kỹ thuật mới nhất vào sản xuất các loại cây trồng biến đổi gen phục vụ chế biến công nghiệp.
Dù được phê duyệt đầu tư từ năm 2011 nhưng không hiểu sao mãi đến năm 2018, công trình này mới được bàn giao và đưa vào sử dụng. Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã đồng ý chủ trương không thực hiện 3 hạng mục gồm thiết bị nuôi cấy mô, phần chuyển giao công nghệ và gói thiết bị hệ thống tưới trong các nhà lưới.
Theo quan sát của chúng tôi, sau 3 năm được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng, các hạng mục của công trình gồm nhà điều hành, nhà lưới, nhà kho vật tư thiết bị... đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục bỏ hoang, tường loang lổ, mạng nhện bám đầy; khu nhà nuôi cấy mô không có thiết bị, hoang tàn; khu vườn nhà lưới rách nát, cỏ mọc um tùm và phần lớn chỉ trồng những giống cây đơn thuần như cà chua, rau cải, súp lơ...
Những cán bộ tại Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thừa nhận rằng, đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhưng không có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nên chỉ làm các mô hình, quy trình trồng 1 số sản phẩm giống mới đơn thuần như cà chua cherry, dưa lưới... Lúc xây dựng đề án thì nhà lưới còn là kỹ thuật mới, nhưng khi đưa vào sử dụng thì người ta đã chuyển giao sang kỹ thuật trồng, chăm sóc trong hệ thống nhà màng linon. Có thể thấy, việc chậm bàn giao đưa vào sử dụng khiến việc ứng dụng công nghệ cao tại đây chẳng những không còn là công nghệ cao nữa mà còn chậm đến lạc hậu.
Trung tâm cũng chưa thử nghiệm và đưa được mô hình nào phát triển đại trà. Các mô hình trồng triển khai chỉ dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật của lực lượng cán bộ tại trung tâm chứ không có ứng dụng trang thiết bị khoa học kỹ thuật, máy móc hỗ trợ. Việc cho nguyên cái vỏ mà không có trang thiết bị thì cán bộ không làm được gì... Những cán bộ ở đây cũng cho biết, đơn vị đã nhận tự chủ 10%, nếu được Sở Khoa học Công nghệ và tỉnh UBND Hà Giang đặt hàng giao nhiệm vụ thì việc tự chủ sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện nay cùng các đề tài dự án đơn vị sẽ phải cạnh tranh với một số đơn vị ngoài Sở sẽ là khó khăn và thách thức không nhỏ về nâng lực.
Rõ ràng việc đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến không phát huy hiệu quả gây lãng phí tiền của và ngân sách của nhà nước. Vậy trách nhiệm ở đây thuộc về ai? Trước những thắc mắc này chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Vũ Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm thông tin và chuyển giao công nghệ mới, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang.
Ông Hiệp cho biết, hiện nay đơn vị có mấy mảng việc, gồm thông tin và ứng dụng. Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến là thử nghiệm. Ông Hiệp cũng cho biết, đơn vị mới chỉ được bàn giao đưa vào sử dụng còn về tài sản chưa được bàn giao. Chúng tôi liên hệ với ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, với lý do đang xin nghỉ phép ông Đông chưa trả lời được.
Tại biên bản bàn giao công trình để đưa vào sử dụng ngày 24/10/2018 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang cho Trung tâm thông tin và chuyển giao công nghệ mới thành phần nhận bàn giao có Giám đốc Trung tâm thông tin và chuyển giao công nghệ mới là ông Vũ Hoàng Hiệp, 1 Phó Giám đốc Trung tâm và kế toán.
Trong biên bản bàn giao có nêu, chất lượng công trình xây dựng đạt yêu cầu. Thế nhưng không hiểu sao sau 3 năm đưa vào sử dụng công trình đạt yêu cầu ấy lại bị xuống cấp nhanh đến thế?