Thông tin từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào chiều 11/1, trong đó có đoạn tuyến từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị).
Nghị quyết thông qua quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu là hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, Nghị quyết quyết nghị đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.
Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe; riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Nghị quyết giao giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức thu phí tự động không dừng; xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách Trung ương.
Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.