Phối hợp trên dưới, ngang dọc trong xây dựng nông thôn mới chưa chặt chẽ. ĐBSCL sẽ có 350.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Giá lợn giảm, nhiều hộ nuôi lợn bằng cám gạo, bỗng rượu. Độc đáo hội thi 'Kéo côn bắt cá mùa nước nổi'. Xây dựng chuỗi giá trị cho rau VietGAP.
Phối hợp trên dưới, ngang dọc trong xây dựng NTM chưa chặt chẽ
Minh Phúc
Tại phiên thảo luận của Quốc hộivề 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào chiều ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ, bạn bè quốc tế cũng như các nước trong khu vực Asean công nhận nông thôn của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều kể từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những hạn chế được thể hiện trong Báo cáo giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hệ thống văn bản cồng kềnh do cộng ba chương trình mục tiêu quốc iga. Trong đó có rất nhiều mục tiêu và được xác lập bởi rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật do các bộ, ngành đưa ra.
Ví dụ, trong số 19 tiêu chí nông thôn mới thì Bộ NN chỉ giữ trách nhiệm 3 tiêu chí, 16 tiêu chí còn lại là tổng hợp từ các chương trình, đề án của các Bộ, ngành khác từ giáo dục, y tế, môi trường, thương mại… Chính vì vậy, sự phối hợp trên - dưới, ngang - dọc chưa chặt chẽ.
Khi thiết kế một chương trình và quản trị một chương trình nông thôn mới đã phức tạp rồi, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế, chúng ta làm đồng thời ba chương trình thì Bộ NN-PTNT còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, để kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương cùng tháo gỡ.
ĐBSCL sẽ có 350.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp
Lê Hoàng Vũ (sản xuất)
Ngày 30/10 Bộ NN-PTNT kết hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, nhằm đánh giá kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng trong thời gian qua.
Về thu hút đầu tư, ĐBSCL đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 350 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với giai đoạn 2015-2020 với nhiều dự án lớn, có quy mô và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn… Cơ sở hạ tầng, kết cấu kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến miền Tây sông nước, vì ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước và giàu tiềm năng. Đặc biệt nơi đây với nhiều sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản...
Giá lợn giảm, nhiều hộ nuôi lợn bằng cám gạo, bỗng rượu
Hùng Khang sx
Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi lợn bắt đầu vào đàn, để giảm chi phí chăn nuôi, không ít hộ đã chọn cách chăn nuôi theo phương pháp truyền thống.
Nếu như trước đây, mỗi lứa lợn gia đình ông Vương Hữu Lập ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội sẽ nuôi khoảng 300 con lợn bột, thì 2 tháng trở lại đây số lượng đàn lợn của gia đình ông đã giảm đi 2/3, do giá thức ăn chăn nuôi cao. Trong khi đó, giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Để giảm chi phí giá thành chăn nuôi, gia đình ông Lập đã chuyển từ chăn nuôi bằng cám công nghiệp sang chăn nuôi thủ công tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như bỗng rượu với cám gạo, cám ngô và đậu tương. Qua đó mỗi lứa lợn đã giúp gia đình ông tiết kiệm được từ 9 đến 10 triệu đồng mỗi lứa.
Độc đáo hội thi ‘Kéo côn bắt cá mùa nước nổi’
Văn Vũ sx
Sáng ngày 30/10, UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thi “Kéo Côn bắt cá mùa nước nổi” năm 2023. Hội thi mang thông điệp tuyên truyền, giáo dục người dân đánh bắt cá phải gắn với việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên đồng ruộng.
Tham gia hội thi có 16 đội đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong khoảng thời gian 120 phút trên cánh đồng nước gần 2ha, đội nào bắt được nhiều cá nhất sẽ giành chiến thắng. Những thành viên tham gia hội thi đa phần là những nông hộ làm nghề đẩy côn bắt cá đồng mùa nước nổi. Dụng cụ dùng để tham gia bắt cá là những chiếc côn quen thuộc của người dân trên địa bàn.
Ông Trần Không Dận, phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, hội thi góp phần giữ gìn truyền thống nghề đánh bắt thủy sản ở địa phương. Những năm tới huyện sẽ phát triển mô hình thành một hình thức du lịch trải nghiệm cho du khách tham quan khám phá khi mùa nước nổi về.
Xây dựng chuỗi giá trị cho rau VietGAP
Minh Sáng sx
Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó Giám đốc Phân hiệu, Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai - Chủ nhiệm Dự án rau VietGAP tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Dự án “Xây dựng mô hình chuỗi giá trị rau đạt chuẩn VietGAP tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” là dự án trọng điểm quan trọng, được thực hiện từ năm 2022, thu hút được hàng trăm hộ dân tham gia, cũng như trang bị máy móc, thiết bị cho việc sơ chế, đóng gói, bảo quản đạt chuẩn VietGAP; đồng thời xây dựng được quy trình sản xuất cho 6 loại rau đạt chuẩn VietGAP.
Kết quả, sau khi áp dụng quy trình VietGAP các mô hình sản xuất rau của hai HTX đã tăng năng suất từ 10 đến 15% và hiệu quả kinh tế tăng 10% so với các mô hình ngoài dự án; được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao ổn định cho các nông hộ tham gia dự án.