3 gói tín dụng ưu đãi giúp doanh nghiệp “thoát hiểm”
Đã sẩm tối nhưng hàng trăm công nhân của nhà máy xay xát, chế biến gạo của Công ty TNHH MTV Lương thực Đức Thành ở ấp 10, xã Mỹ Nam Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vẫn hoạt động rất náo nhiệt.
Những chiếc xe nâng bốc xếp hàng liên tục chạy ra vào. Anh Trần Văn Sanh, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Vào chính vụ thu hoạch lúa, mỗi ngày dây chuyền công nghiệp của nhà máy có thể xay xát được 1.400 tấn thóc, còn bình quân hàng ngày khoảng 1.000 tấn (tương đương 500 tấn gạo). Tháng vừa rồi, doanh thu của Công ty đạt 80 tỷ đồng. Để vận hành thông suốt, Công ty sử dụng khoảng 250 – 300 lao động thường xuyên.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, lượng hàng tồn kho của Công ty khá lớn. Vốn đầu tư bị đọng dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi vay của ngân hàng Agribank.
“Hiện tại, dư nợ của Công ty tại Agribank là 33 tỷ đồng. Rất may là thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, Agribank đã giảm 10% lãi suất cho vay (từ mức 6%/năm xuống 5,4%); được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, Công ty còn được vay vốn ngắn hạn nhiều đợt (khoảng 40 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi 4,5% theo gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là những hành động rất thiết thực của Agribank để doanh nghiệp thoát hiểm”, anh Trần Văn Sanh cho biết.
Ông Trương Văn Đoàn, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Tiền Giang cho biết, đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay thu mua, xay xát, chế biến lúa gạo lên đến 1.880 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ của Chi nhánh. Nguồn vốn này đã giúp doanh nghiệp, thương lái thu mua một lượng lúa gạo rất lớn của nông dân, đồng thời góp phần tạo lưu thông chuỗi cung - cầu nông sản của vùng ĐBSCL.
Giống như nhiều chủ doanh nghiệp ở ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Ửng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát là khách hàng thân thiết của Agribank suốt 17 năm qua. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phải “đóng băng” hoặc giảm công suất vì thiếu nguyên liệu đầu vào và cạn nguồn hàng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, giá phân bón đã tăng 200%.
Rất may là trước đó, ông Ửng đã dự đoán được tình hình và sớm liên hệ với Agribank Chi nhánh tỉnh Tiền Giang để vay thêm 17 tỷ đồng, ký hợp đồng nhập 15.000 tấn nguyên liệu phân bón từ các nhà cung cấp châu Âu và Nga (giao hàng thành nhiều đợt). Bởi vậy, nguồn hàng của Công ty luôn duy trì ổn định với giá cả hợp lý. “Nếu quyết định chậm một chút hoặc Agribank chậm giải ngân, có lẽ bao nhiêu tài sản tích lũy của Công ty suốt 13 năm qua sẽ tiêu tan hết”, ông Ửng nói.
5 lý do để khách hàng tin yêu Agribank Tiền Giang
Chúng tôi hỏi ông Ửng vì sao chọn Agribank làm bạn đồng hành? Ông đưa ra 5 lý do: Thứ nhất, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, là thương hiệu lâu năm và rất uy tín với nông dân. Thứ hai, lãi suất cho vay của Agribank thấp hơn và rất ổn định chứ không bị thả trôi như nhiều ngân hàng thương mại khác.
Thứ ba, khi giá trị tài sản của Công ty tăng lên, Công ty Nông Thuận Phát đề xuất thì Agribank lập tức định giá lại tài sản và nâng hạn mức tín dụng, cán bộ ngân hàng rất chu đáo, tận tình và trách nhiệm. Thứ tư, Công ty sản xuất vật tư nông nghiệp và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải gắn liền với Agribank. Vì hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch Agribank phủ khắp các huyện của 63 tỉnh, thành cả nước, nhất là địa bàn nông thôn.
Trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, nông dân, đại lý muốn chuyển tiền cho Công ty chỉ cần ra các chi nhánh huyện, không cần phải đi xa như nhiều ngân hàng khác. Còn bây giờ, khách hàng thường chuyển tiền nhanh qua ứng dụng của Agribank.
Được biết, Agribank Tiền Giang có định hướng cho vay vốn với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường (trong phạm vi thẩm quyền của Chi nhánh) đối với khách hàng nằm trong chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ông Ửng rất mừng. Bởi, chỉ tính riêng chi phí bốc xếp hàng lên – xuống xe 1 điểm đã mất 100.000 đồng. Trong khi đó, phân bón từ nhà máy thường phải qua ít nhất 1 – 2 điểm trung gian là đại lý cấp I, đại lý cấp II rồi đến tay nông dân (tương đương 200.000 đồng/tấn).
Chưa kể hiện nay, nhiều nông dân rất khó khăn và thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất. Không ít người phải vay tiền “nóng” từ các nhà cấp vốn phi chính thức với lãi suất rất cao. Một số trường hợp mua nợ đại lý, nhưng năng lực tài chính của các đại lý cũng chỉ có mức độ, rất khó vay ngân hàng với số tiền lớn (do không có nhiều tài sản thế chấp). Bởi vậy, tới đây Công ty Nông Thuận Phát sẽ đề xuất Agribank Tiền Giang định giá lại tài sản để nới định mức tín dụng vay thêm vốn.
“Nếu được, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn lãi suất vay ưu đãi này để chuyển về các đại lý và yêu cầu các đại lý cho nông dân mua trả chậm và chỉ tính lãi suất bằng với lãi suất của ngân hàng. Mặt khác, Công ty cũng dự định sẽ phân phối phân bón trực tiếp cho các nhà vườn quy mô lớn, không qua khâu trung gian để giảm giá phân bón xuống 6 - 7%. Như vậy, nông dân sẽ được lợi kép”, ông Ửng nói.
Giảm 10% lãi suất cho khách hàng
Ông Trương Văn Đoàn, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Tiền Giang chia sẻ: Vừa qua, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, với tinh thần nỗ lực và sẵn sàng chia sẻ, Agribank Bến Tre đã áp dụng rất nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng, nhất là người dân khu vực nông thôn vơi bớt khó khăn.
Đặc biệt, Agribank Tiền Giang đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 2.991 khách hàng với tổng dư nợ 1.428 tỷ đồng. Tính đến nay, hầu hết khách hàng đã trả được nợ và chỉ còn 240 khách hàng với số dư nợ 13,7 tỷ đồng cả gốc và lãi.
Để hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, Agribank Tiền Giang cũng cho vay mới để khôi phục sản xuất với số tiền 1.234 tỷ đồng. Song song với thực hiện các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, Agribank cũng thực hiện rất nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là gói 100.000 tỷ đồng trong toàn hệ thống để hỗ trợ hầu hết khách hàng của Agribank. Trong đó, Agribank Tiền Giang đã giảm lãi vay từ 0,5 – 2,5% so với lãi suất cho vay thông thường.
Ngoài ra, còn rất nhiều gói tín dụng khác, như gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, khách hàng nằm trong chuỗi cung ứng thủy hải sản và hàng hóa dịch vụ thiết yếu tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Theo đó, Agribank Tiền Giang đã cho vay 333 tỷ đồng hỗ trợ giải quyết ách tắc trong lưu thông hàng hóa, nông sản của địa phương.
Đặc biệt, Agribank Tiền Giang chủ động tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng thông qua việc giảm 10% lãi suất cho vay của hầu hết các khách hàng trong khoảng thời gian từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 (trị giá tương đương 75 tỷ đồng).
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025, Agribank Tiền Giang sẽ phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội, nhất là vai trò chủ thể của cư dân nông thôn nhằm thực hiện thắng lợi mô hình “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Đồng thời, đẩy mạnh cho vay gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ để kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp; chú trọng đầu tư cho vay cung ứng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, thông minh, bền vững gắn với thị trường trong nước và thế giới.