| Hotline: 0983.970.780

Đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Ba 29/11/2022 , 09:30 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Viết Cường.

Công tác tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Viết Cường.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo với tổng dân số trên 1,3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 162.513 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Trước kia, tảo hôn xảy ra phổ biến ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng giờ đây tình trạng này đã giảm đáng kể.

Tại nhiều thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, công tác phòng, chống tảo hôn luôn được chính quyền và các cấp đặc biệt quan tâm. Việc phân luồng giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, tăng cường thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, THPT… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đơn cử như tại thôn Thìn Thủ, xã Quảng An (huyện Đầm Hà), đây là một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Toàn thôn có 147 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc như Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng…

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, xã Quảng An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bà con, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời liên hệ giới thiệu việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp; vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế gia đình… để tạo điều kiện nâng cao nhận thức của bà con ở thôn. Từ đó, trong nhiều năm liền, các thôn gần như không còn tình trạng tảo hôn. 

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, ngày từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thực Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các ngành, đơn vị, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; lồng ghép tuyên truyền, sổ tay liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương, còn tích cực tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức hội nghị trợ giúp pháp lý các đại biểu là người dân tộc thiểu số về hôn nhân gia đình…

Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ giúp người dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Viết Cường.

Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ giúp người dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Viết Cường.

Đầu năm 2022, UBND TP Móng Cái đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 11/3/2022, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS năm 2022 trên địa bàn, áp dụng đối với 3 xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, là các địa phương có số lượng lớn người dân tộc thiểu số sinh sống. Kế hoạch có mục tiêu lồng ghép nội dung giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản trong các môn học, định hướng việc phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở, tạo cơ hội đào tạo nghề và định hướng việc làm cho học sinh dân tộc thiểu số…

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: “Chúng tôi đã giao cho Phòng Giáo dục phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND các xã vùng dân tộc thiểu số, thực hiện công tác tuyên truyền trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định của pháp luật về ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Để công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, trong đó có phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ xã, vai trò các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản và Người uy tín trong việc truyên truyền, ngăn chặn nguy cơ tảo hôn.

Bà Ân Thị Thìn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát nắm tình hình cũng như kịp thời tuyên truyền nhằm đẩy tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh”.

Trong tương lai gần, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân, tình trạng hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trên thực tế, tại 56 xã vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tình trạng tảo hôn và sinh con trước độ tuổi. Cụ thể, từ năm 2021, tại các xã này có 145 trường hợp phụ nữ sinh con trước độ tuổi kết hôn theo quy định và 60 trường hợp tảo hôn.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.