| Hotline: 0983.970.780

'Trang điểm' cho công trình thủy lợi

'Bộ cánh xanh' ở công trình 4 lần Bác Hồ về thăm

Thứ Ba 13/06/2023 , 06:59 (GMT+7)

Kẹp giữa làng nghề gốm Bát Tràng và làng hoa Xuân Quan, chiếc 'áo mới' của công trình lịch sử cống Xuân Quan đang dần trở thành điểm đến thú vị của khách phương xa.

“Bộ cánh xanh” trên công trình lịch sử

Cách đây gần 65 năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại cống Xuân Quan, mở đầu việc xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải - công trình có qui mô lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Với diện tích tự nhiên hơn 20 vạn héc-ta, khu vực Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi bốn con sông: sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình.

Trong quá trình xây dựng, cống Xuân Quan đã vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm và nhấn mạnh ý nghĩa của Đại thủy nông Bắc Hưng Hải đối với công cuộc chống hạn. Người mong đồng bào và cán bộ 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cố gắng khắc phục mọi khó khăn, để hoàn thành thắng lợi công trình.

Cống Xuân Quan nay đã khoác lên mình bộ áo mới, khuôn viên cống nơi nào có thể trồng cây cảnh đều được các cán bộ tận dụng để cải tạo cảnh quan, mang lại một bộ mặt nông thôn mới tạo điểm nhấn của du lịch nông thôn. Ảnh: Huy Bình. 

Cống Xuân Quan nay đã khoác lên mình bộ áo mới, khuôn viên cống nơi nào có thể trồng cây cảnh đều được các cán bộ tận dụng để cải tạo cảnh quan, mang lại một bộ mặt nông thôn mới tạo điểm nhấn của du lịch nông thôn. Ảnh: Huy Bình. 

Vâng lời Bác, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh đùm cơm nắm muối vừng nô nức, hừng hực khí thế quyết thắng hành quân ra công trường. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang; từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên; từ Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang… kéo về như ngày hội.

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải là đại công trường thủy nông kiểu mẫu, là biểu tượng đậm nét, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải còn là biểu tượng của tinh thần hy sinh vì ngày mai tương sáng, sẵn sàng đi bất cứ đâu theo tiếng gọi của Đảng thời kỳ này.

Kế thừa những thành tựu mà cha anh đã gây dựng, cống Xuân Quan ngày hôm nay đang trên đà thay đổi diện mạo theo một cách mới... "xanh hơn, gần gũi hơn".

Về với Xuân Quan vào tiết lập hạ, mặt trời trải những tia nắng gắt gỏng từ sớm tinh mơ, xuôi theo đường đê Tả Hồng uốn lượn. Đầu nguồn dòng sông Bắc Hưng Hải hiện ra với sự yên ả. Đứng dưới những bóng cây râm mát nhìn ra thật sự có chút chói mắt. Gió từ đâu thổi vi vu vào từng cành cây, ngọn cỏ mang theo hơi thở sông nước.

Mỗi cán bộ, công nhân viên cống Xuân Quan đều coi công trình là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ảnh: Quang Dũng. 

Mỗi cán bộ, công nhân viên cống Xuân Quan đều coi công trình là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ảnh: Quang Dũng. 

Công trình nằm giữa hai địa điểm du lịch nổi tiếng là làng nghề gốm Bát Tràng và làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan. Các cán bộ, công nhân đã quyết tâm thay đổi cảnh quan, biến công trình thủy lợi vốn toàn bê tông, cốt thép thô kệch thành một công viên, điểm đến đẹp phục vụ du khách thăm quan cũng như truyền tải những ý nghĩa lịch sử và nhiệm vụ quan trọng của công trình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Chương - Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình Xuân Quan thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải), chia sẻ: “Công trình nằm giữa hai địa điểm du lịch nổi tiếng là làng nghề gốm Bát Tràng và làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan. Được Đảng bộ cơ quan và Ban Giám đốc động viên, khuyến khích, ngoài quản lý tốt công trình hiện hữu, chúng tôi đã kết hợp cải tạo cảnh quan công trình xanh, sạch, đẹp. Cây không phải trồng một lúc được ngay, ở đây cây toàn do mình làm đi tìm giống về. Các cán bộ, công nhân viên đã bỏ công sức làm ngoài giờ để có được một cảnh quan đẹp như hiện tại”.

Do đặc thù công trình thủy lợi, các loài cây trồng tại công trình chủ yếu là cây cảnh có rễ chùm, tránh các loại cây có bộ rễ cọc có thể xuyên sâu vào thân đê. Ngoài ra, để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, trạm đã phân công cho từng cán bộ, công nhân viên, mỗi người phụ trách một khu vực để chăm sóc, sao cho phù hợp với cảnh quan.

Chia sẻ thêm về công việc tạo dựng cảnh quan, ông Chương cho biết: "Có được một lớp cỏ đẹp trên phần thân đê của công trình là quá trình rất kỳ công. Chúng tôi phải làm sạch cỏ, sau đó cải tạo đất, tìm và mua loại cỏ đẹp chuyên dụng về để trồng. Anh em làm ngoài giờ, chăm sóc tỷ mẩn để phù hợp quy hoạch cảnh quan của cả khu vực".

Mỗi khi có đoàn khách về thăm Xuân Quan, chúng tôi giới thiệu về công trình thủy lợi và liên hệ với Trung tâm gốm Bát Tràng. Ngược lại, khi có đoàn khách về thăm Trung tâm gốm, họ cũng giới thiệu khách qua đây thăm quan, để biến nơi đây thành địa điểm du lịch. Đây là mong muốn của hầu hết anh em trong Trạm.

Từng cành cây, ngọn cỏ tại công trình thủy lợi cống Xuân Quan đều được cán bộ, công nhân viên bỏ công sức, tiền bạc chăm chút mỗi ngày. Ảnh: Quang Dũng. 

Từng cành cây, ngọn cỏ tại công trình thủy lợi cống Xuân Quan đều được cán bộ, công nhân viên bỏ công sức, tiền bạc chăm chút mỗi ngày. Ảnh: Quang Dũng. 

Góp phần phát triển du lịch nông thôn

Theo ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch HĐTV Công ty Bắc Hưng Hải: “Qua những bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chúng tôi nhận thức được rằng các công trình thủy lợi không chỉ có nhiệm vụ tưới tiêu mà còn mang trong mình trách nhiệm xã hội góp phần thay đổi cảnh quan trong khu vực. Đặc biệt là nằm bên cạnh địa điểm du lịch nổi tiếng làng nghề gốm Bát Tràng và làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan thì công trình không thể xấu được và việc thay đổi diện mạo cũng là cơ hội để nhiều du khách biết đến tầm quan trọng của công trình đại thủy nông đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là thành quả của ý Đảng, lòng dân”.

Chính vì thế, Công ty Bắc Hưng Hải đã đầu tư, thiết kế tổng thể cảnh quan của khu vực đầu mối xung quanh. Tuy nhiên, do nguồn lực không nhiều, có được cảnh quan như ngày hôm nay là bởi công sức đóng góp của cán bộ, công nhân viên của trạm.

Trước đây, cống Xuân Quan nói riêng và các công trình thủy lợi của hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải chỉ toàn bê tông, cốt thép, không có một chút bóng dáng mầm sống, nay sắc xanh của cây, sắc thắm của hoa đã tràn ngập bao phủ hệ thống. Sự phân bổ một cách hợp lý và có quy luật khiến cống Xuân Quan như đang một lần nữa sống lại.

Nằm ngay cạnh làng nghề gốm Bát Tràng, việc xây dựng cảnh quan là nhiệm vụ quan trọng để hình thành nên một địa điểm du lịch nông thôn để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ảnh: QD.

Nằm ngay cạnh làng nghề gốm Bát Tràng, việc xây dựng cảnh quan là nhiệm vụ quan trọng để hình thành nên một địa điểm du lịch nông thôn để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ảnh: QD.

Chia sẻ thêm về dự định sắp tới để biến cống Xuân Quan thành một địa điểm gây ấn tượng, ông Trường cho biết: “Sắp tới mong muốn của tôi và các anh em trong công ty là làm một bức tường gốm sứ về hình ảnh những năm tháng hàng vạn nhân dân, bộ đội, thanh niên xung phong vâng lời Bác, theo tiếng gọi của Đảng về đây xây dựng công trình lịch sử; hình ảnh Bác Hồ 4 lần về thăm công trình, động viên nhân dân, bộ đội; hình ảnh nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ những nhát cuốc đầu tiên khởi công công trình lịch sử; hình ảnh Bộ trưởng Bộ thủy lợi Hà Kế Tấn túc trực tại công trình. Để từ đó, cống Xuân Quan cùng với Bát Tràng và làng nghề hoa cây cảnh trở thành điểm đến ấn tượng”.

Thực hiện những chủ trương về kinh tế nông nghiệp, những công trình thủy lợi không chỉ phục vụ tưới tiêu mà còn góp phần thay đổi cảnh quan, đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch nông thôn. Cảnh quan của các công trình thủy lợi cùng với những tuyến đê kiểu mẫu đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Khỉ hoang phá hoại cây trồng ở Bình Sơn

Quảng Ngãi Người dân huyện Bình Sơn lo lắng vì nhiều tuần qua, đàn khỉ hoang liên tục xuất hiện tàn phá cây trồng...