| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng hóa giải pháp trong phòng chống thiên tai

Đẩy mạnh truyền thông kỹ năng ứng phó phòng chống thiên tai

Thứ Ba 05/07/2022 , 10:22 (GMT+7)

Bình Định đẩy mạnh truyền thông để nâng cao năng lực xử lý sự cố trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai....

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, UBND tỉnh này vừa ban hành kế hoạch truyền thông về phòng, chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này nhằm mục đích nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố trong việc phòng ngừa, ứng phó; khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và người dân.

Công tác truyền thông đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là đối với người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt. Thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để hình thành văn hóa phòng ngừa, phát huy ý thức tự giác; chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của toàn dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra.

Diễn tập sơ tán dân vùng lũ tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Diễn tập sơ tán dân vùng lũ tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đồng thời tăng cường cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai đến cộng đồng dân cư. Hướng dẫn những cách phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng, khu vực. Hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó trước các tình huống thiên tai lớn, phức tạp để các cấp chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Kế hoạch truyền thông về phòng, chống thiên tai đến năm 2030 tại Bình Định còn triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập; khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, những năm qua thời tiết ở Bình Định diễn biến rất thất thường, không theo quy luật, nên việc thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phòng ngừa, ứng phó để giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra càng trở nên cấp bách.

Đặc biệt, về phía Nam Bình Định có 2 con sông lớn là sông Kôn và sông Hà Thanh nhập lưu trước khi đổ về đầm Thị Nại hình thành nên lưu vực sông Kôn-Hà Thanh. Các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Phong của thị xã An Nhơn và các xã Phước Quang, Phước Lộc và thị trấn Diêu Trì của huyện Tuy Phước là vùng hạ lưu của lưu vực sông Kôn-Hà Thanh, đây là những vùng thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi có mưa lũ xảy ra.

Cơ sở tôn giáo là 1 trong những địa điểm tránh trú an toàn cho người dân ở trong những vùng nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ sở tôn giáo là 1 trong những địa điểm tránh trú an toàn cho người dân ở trong những vùng nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời gian qua, Bình Định được hưởng lợi từ Dự án Quản lý thiên tai do Chính phủ triển khai. Trong khuôn khổ dự án, người dân trong vùng dự án còn được tập huấn đánh giá rủi ro thiên tai, lập kế hoạch ứng phó, phòng chống thiên tai. Không chỉ có cán bộ, nhân dân các xã trong vùng dự án được tiếp nhận kiến thức về ứng phó, phòng chống thiên tai, mà học sinh và giáo viên ở 10 xã thuộc vùng trũng thấp ở huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn cũng được tiếp cận những kiến thức này.

“UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê sông, đê biển đều có lực lượng quản lý đê nhân dân. Đây lực lượng có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và xử lý giờ đầu về sự cố đê điều; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện phương án hộ đê và phòng, chống lụt bão trên địa bàn. Ngoài ra, UBND các địa phương còn huy động nhân lực và thiết bị của các doanh nghiệp trên địa bàn khi ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Theo UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh được thành lập vào đầu tháng 10/2014 theo Luật Phòng chống thiên tai và được kiện toàn hàng năm. Đơn vị này có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn tỉnh. Chính quyền các địa phương cũng thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN vào cuối năm 2014 và được kiện toàn hàng năm để chỉ huy, điều hành công tác PCTT&TKCN trên địa bàn. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đều thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để triển khai công tác này tại cơ quan, đơn vị.

Cảnh sát cơ động cứu hộ người dân trong vùng bị lũ cô lập ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cảnh sát cơ động cứu hộ người dân trong vùng bị lũ cô lập ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Các lực lượng vũ trang ở Bình Định thường xuyên được củng cố, tập huấn, diễn tập để rèn luyện kỹ năng trong công tác phòng, chống thiên tai. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp tập huấn về điều khiển phương tiện thủy nội địa, tìm kiếm cứu nạn đường không, đường biển do Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hằng năm đều có kế hoạch hiệp đồng các đơn vị chủ lực của Quân khu, Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn; tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công khu vực ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh định kỳ 5 năm 1 lần tổ chức diễn tập PCTT&TKCN cấp tỉnh, nhằm rèn luyện công tác phối hợp chỉ huy và năng lực trong PCTT&TKCN.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, năng lực phòng chống thiên tai của các Sở, ban, ngành, địa phương ở tỉnh này từng bước được nâng cao thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, diễn tập, truyền thông hàng năm; nhất là thông qua hoạt động của Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Từ cán bộ đến người dân đều có các hoạt động tích cực trong công tác phòng chống thiên tai. Các phương án ứng phó thiên tai, kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã được chú trọng rà soát, cập nhật. Công tác chuẩn bị phòng tránh thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành.

Phương tiện đi kiểm tra lũ của UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Phương tiện đi kiểm tra lũ của UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trước mùa mưa lũ hàng năm, người dân đã biết chủ động dự trữ trước lương thực, nhu yếu phẩm đủ dùng trong 7 ngày. Người dân vùng trũng mua sắm cho gia đình xuồng, sõng làm phương tiện di chuyển ứng phó với mưa lũ. Khi sửa chữa, xây dựng nhà thì người dân cố gắng xây dựng kiên cố để chống được bão; nền nhà được nâng cao để vượt mức lũ cao nhất đã từng xảy ra. Trong nhà có bố trí gác lửng, hoặc có sàn bê tông để chứa lương thực và tránh lũ. Thầy, cô giáo các trường học chú trọng việc quản lý học sinh trong mùa mưa lũ; không cho các em ra khỏi trường khi không có phụ huynh đưa đón.

“Ở Bình Định còn có hàng trăm ngàn người dân đang ở trong những căn nhà chưa an toàn với gió bão cấp 9, cấp 10. Nơi tránh trú an toàn cho người dân trong những mùa mưa bão là các cơ quan nhà nước, cơ sở tôn giáo, các nhà tránh trú cộng đồng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng trong những năm gần đây, hoặc các nhà kiên cố do hộ gia đình xây dựng. Ngoài ra, còn có 15 khu tái định cư đã được xây dựng tại thị xã Hoài Nhơn, các huyện An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, Vân Canh và xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng là nơi tránh trú của người dân trong những mùa mưa bão”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp quý II là tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 3,37%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14 - 14,5 tỷ USD.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.