| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề cho nông dân - Từ góc nhìn DN

Thứ Tư 22/09/2010 , 10:32 (GMT+7)

Với thế mạnh về nhân lực và tài lực, các doanh nghiệp có thể tham gia rất sâu vào tiến trình dạy nghề cho nông dân.

Lúa Tây Ninh giờ đã bằng như tấm phản
Tuy vẫn còn thiếu nhân vật chủ chốt – DN hợp đồng bao tiêu nông sản nhưng thành công của mô hình Liên kết 4 nhà của ngành NN- PTNT tỉnh Tây Ninh đã khẳng định được vai trò của các DN VTNN trong việc đào tạo nghề cho nông dân.

Tây Ninh là tỉnh có nhiều thế mạnh về các cây trồng như mía, cao su, sắn, đậu phụng nhưng riêng về cây lúa thì… chẳng giống ai. Cánh đồng dọc quốc lộ 22B, từ Gò Dầu lên thị xã, một bên là sông Vàm Cỏ, nước chưa bao giờ thiếu vậy mà những ruộng lúa cứ 3-4 tầng, xanh vàng lỗ chỗ. Thế nhưng vụ hè thu vừa qua cảnh tượng trên đã không còn nữa.

Anh Nguyễn Thành Nam, một nông dân mới 35 tuổi ở Bến Cầu khoe – Anh cứ về xem, không ngoa đâu, ruộng lúa tụi em bây giờ như cái phản. Theo anh Nam, thật ra bí quyết cũng không có gì gọi là cao siêu vì trước đây nông dân cứ xài giống lung tung, chủ yếu lấy thóc thịt trong bồ ra làm giống, còn nay đều dùng giống lúa xác nhận, chất lượng cao, sạ thưa chỉ 100 – 120 kg giống/ha thay vì 200 – 220 kg/ha như trước.

Nam là thành viên trong tổ liên kết 4 nhà trong dự án Thâm canh lúa theo hướng hiệu quả, bền vững. Dự án này được hình thành theo hình thức “xã hội hóa”, trong đó nhà nước (Sở NN-PTNT Tây Ninh, Chi cục BVTV, TT Khuyến nông, UBND và phòng nông nghiệp các huyện) chịu trách nhiệm tổ chức nông dân, nhà khoa học (Viện KHKTNN Miền Nam, Cục Trồng trọt) chịu trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và doanh nghiệp (một số công ty cung ứng thuốc BVTV). Bắt đầu từ vụ mùa 2008, khi dịch RN, VL-LXL rộ lên, dự án được triển khai trên 160,5 ha của 123 hộ thuộc 2 xã Long Thuận và An Thạnh huyện Bến Cầu.

Mô hình được tiếp tục nhắc lại ở vụ ĐX 2008-2009, HT 2009. Sự thành công của mô hình này đã lan tỏa ra 5 xã thuộc 4 huyện: Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Trảng Bàng với diện tích 592,8 ha. Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, kết quả đạt được trong mô hình thật sự khả quan, ngoài việc nâng cao được kiến thức canh tác lúa thì những ruộng trong mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao do giảm được 58 kg giống/ha, giảm được 15 kg phân đạm nguyên chất (= 32 kg urea), giảm được 360.000 đ tiền mua thuốc BVTV và 200.000 đ công phun, trong lúc đó năng suất lại đạt cao hơn 485 kg/ha. Tính ra mô hình đã tăng thêm 2.765.000 đ/ha.

Có được kết quả trên, tất cả các nông dân đều nhìn nhận có sự đóng góp to lớn của Cty Phân bón Bình Điền, vì chẳng những Bình Điền bán phân bón từ đầu vụ không tính lãi với giá rất tốt, cung cấp sản phẩm tiên tiến như NPK Agrotain + TE, mà còn sự kỳ công của cán bộ kỹ thuật Bình Điền trong việc đào tạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác tiến tiến.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, PCT Cục Trồng trọt: Mặc dù đã có một số mô hình trên lúa đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGap nhưng đang còn quá ít ỏi. Việc xây dựng VietGAP để tăng cao thu nhập, đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường là cần kíp nhưng không thể nóng vội, làm ào ào kiểu phong trào mà phải xem đấy là một tiến trình để nông dân từng bước được làm quen, được đào tạo (trong đó việc ghi chép nhật ký canh tác là rất quan trọng) để dần dần thay đổi tư duy tập quán. Chính vì vậy mà Cục Trồng trọt đang lựa chọn các bước đi thích hợp để triển khai đại trà và các mô hình như liên kết 4 nhà của Tây Ninh, mô hình 1 phải 5 giảm ở An Giang, Kiên Giang là tiền thân của GAP, VietGAP.

Ông Lê Quốc Phong, GĐ Cty Phân bón Bình Điền nhìn nhận: Với thế mạnh về nhân lực và tài lực, các doanh nghiệp có thể tham gia rất sâu vào tiến trình này. Khi tham gia vào mô hình thì doanh nghiệp được lợi vì mô hình là một kênh quảng bá rất tốt cho các sản phẩm của mình, là phương cách giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống để cùng song hành bền vững với doanh nghiệp. Nhà nước được cái lợi là huy động được nhân lực, tài lực của doanh nghiệp để tiến hành công tác đào tạo, chuyển giao TBKT cho nông dân.

Từ những ý tưởng trên, từ thành công của mô hình “liên kết 4 nhà” của Tây Ninh, Cục Trồng trọt đang có kế hoạch phối hợp với Cty Phân bón Bình Điền để xây dựng những cánh đồng VietGAP ở vụ ĐX 2010-2011 sắp tới trên địa bàn 5 tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang. Nông nghiệp VN bước đầu đã đạt được thành tựu lớn: năng suất lúa đạt 5,4T/ha, cao gấp 2 lần Thái Lan (cường quốc số 1 về XK gạo), năng suất cà phê đạt 2,2 T/ha, cao gấp 3 lần bình quân của thế giới, hồ tiêu đạt 2,5 T/ha, gấp 2 lần so với Ấn Độ (cường quốc số 1 về hồ tiêu)… Những thành tựu trên đều có sự đóng góp về hoạt động tập huấn, trình diễn, tham quan của những DN.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.