| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc tiếp tục là thị trường mục tiêu của thủy sản Việt Nam

Thứ Tư 25/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

VASEP nhận định, cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2025 vẫn rất lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của thị trường này.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 đạt 1,9 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 đạt 1,9 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Trung Quốc sớm trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 29 tỷ USD

Theo chuyên gia phân tích thủy sản của Rabobank Novel Sharma, Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp 40% vào mức tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu đến năm 2030, tương đương mức tăng hơn 5,5 triệu tấn.

Sự thịnh vượng về kinh tế cùng với dân số 1,4 tỷ người và sự yêu thích cao đối với thủy sản khiến Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng tiềm năng nhất cho thủy sản trong thập kỷ này. Tuy nhiên, các hạn chế tiềm ẩn từ nguồn cung, như: thiệt hại môi trường kéo dài, khan hiếm tài nguyên và chi phí nhân công tăng cao có thể ảnh hưởng đến cả sản lượng nội địa và cơ hội xuất khẩu thủy sản của nước này.

Trước những thách thức đó, Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài để đảm bảo đủ sản lượng và thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa cung và cầu.

“Chúng tôi dự đoán, sự gia tăng của tầng lớp thượng trung lưu và sự mở rộng các kênh thương mại điện tử sẽ thúc đẩy xu hướng hướng tới các sản phẩm thủy sản giá trị cao trong dài hạn. Kết quả là, tăng trưởng tiêu thụ xét theo giá trị có thể vượt qua tăng trưởng theo khối lượng, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 29 tỷ USD vào năm 2030, vượt qua Mỹ với giá trị 25 tỷ USD”, Novel Sharma cho biết thêm.

Khi Trung Quốc chuyển mình trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và định giá thủy sản, các quyết định tiêu thụ cũng như tìm nguồn cung thủy sản của nước này sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Những quyết định đó sẽ tác động đến động lực cung ứng và giá cả của hầu hết các loài thủy sản cao cấp trên thế giới, cũng như các yếu tố đầu vào để sản xuất các loài thủy sản này, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu.

Chuyên gia Novel Sharma nhận định, với những yếu tố trên, Trung Quốc có tiềm năng trở thành thị trường tăng trưởng quan trọng nhất cho các nhà xuất khẩu thủy sản trên toàn thế giới trong thập kỷ này. Điều quan trọng đối với các nhà xuất khẩu là phải theo dõi chặt chẽ sự thay đổi trong nhu cầu của Trung Quốc để xác định các cơ hội chưa được khai thác.

Nhu cầu cao với thủy sản tươi sống, cao cấp

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 diễn ra cuối năm 2024, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thông tin, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.

Riêng với thủy sản, đây là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc gồm tôm các loại, cá tra, cá basa, cá khô, cá đông lạnh, mực, cua, surimi, cá ngừ...

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1,9 tỷ USD.

“Mặc dù có sự tăng, giảm khác nhau ở một số sản phẩm do có liên quan đến những biến động thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia lớn khác, ví dụ xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc giảm, nhưng xuất khẩu tôm chân trắng, tôm hùm, cua, ốc đều tăng mạnh, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn rất lớn và đóng góp một phần quan trọng trong kết quả 10 tỷ USD xuất khẩu chung của toàn ngành”, ông Hòe nói thêm.

Ông Hòe nhận định, cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2025 vẫn rất lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của thị trường này, nhất là đối với những dòng sản phẩm tươi sống, cao cấp.

“Giao thương thủy sản Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ sụt giảm trong thời gian tới trước áp lực của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và nguy cơ tra đũa của Trung Quốc. Đây là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc với những dòng sản phẩm như: Tôm hùm, cua, ốc, ngao (nghêu), hải sản sống”, ông Hòe dự đoán.

Khó nắm bắt thông tin về nhu cầu và các quy định mới

Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai phân tích một số xu hướng của thị trường này trong thời gian tới, đó là coi trọng nội nhu, lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, lấy tiêu dùng bù đắp cho xuất khẩu.

Xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Hàu là một trong những loài thủy sản được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thắm.

Hàu là một trong những loài thủy sản được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thắm.

Từ đó kéo theo việc quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế trở nên khắt khe hơn… Do đó, Tổng Thư ký VASEP nhận định, cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc rất lớn, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Ngoài ra, các thủ tục đăng ký doanh nghiệp và sản phẩm được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249 của nước này cũng là một trở ngại đáng kể. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng là thị trường khó nắm bắt thông tin về nhu cầu và các quy định mới - một rào cản không nhỏ.

Cải tiến khả năng cung ứng qua các kênh phân phối hiện đại

Ông Lai thông tin, thủy sản và sản phẩm thủy sản hiện nay đang nằm trong nhóm bị cảnh báo nhiều nhất tại thị trường Trung Quốc. Các lỗi bị cảnh báo, gồm: chứng nhận, thủ tục giấy tờ kèm theo hàng hóa không đầy đủ; phụ gia thực phẩm; tem nhãn bao bì hàng hóa; chỉ tiêu chất lượng; thời hạn sử dụng...

Ông Lai khuyến nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu;

Tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, rào cản kỹ thuật. Rà soát lại các cơ chế, thỏa thuận hợp tác, bổ sung, sửa đổi phù hợp tình hình hợp tác hiện nay;

Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu;

Sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Còn theo ông Hòe, để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất khẩu và cải tiến khả năng cung ứng thông qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.