Còn nếu nói rằng nó giúp mở rộng và đào sâu kiến thức cho học sinh thì lại đụng phải một mâu thuẫn lớn: tự thân chương trình giáo dục đã có tính sự phân hóa, cá thể hóa; việc không đáp ứng được cái đặc trưng này là do năng lực tổ chức, triển khai và các phương pháp giáo dục sai lầm. Vì thế, phải sửa đổi chương trình chứ không phải cứ để nguyên cái chân gãy mà không hề chữa trị rồi lại đi mua một chiếc nạng-gỗ-học-thêm về thay thế, và coi đó như một “phương pháp” giải quyết vấn đề.
Chương trình giáo dục phổ thông phải cơ bản đáp ứng được các mục tiêu của giáo dục phổ thông mà không cần thêm bất kỳ một chương trình phụ/chương trình con nào đi kèm. Nếu nó không làm được điều này thì phải sửa đổi, đó mới là tư duy đúng và cần được thực hiện như một đòi hỏi không cần phải biện minh.
Đến lúc đó, học thêm nếu có, thì chỉ là để rèn luyện các năng khiếu và phục vụ những nhu cầu mang tính cá nhân mà không một chương trình giáo dục cơ bản nào có thể đáp ứng hết được, như âm nhạc, hội họa, thể thao, các kỹ năng sống... Và nó phải được thực hiện bên ngoài hệ thống giáo dục quốc dân, do những người không nằm trong biên chế ngành giáo dục thực hiện.
Chương trình dạy thêm - học thêm qua một thời gian dài đã biến tướng thành một vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội. Vấn đề không phải chỉ là chuyện tiền bạc (dù nó rất nặng nề và tệ hại) mà nguy hiểm hơn, nó làm méo mó việc phát triển nhân cách của người học một cách gần như tất yếu.
Thử nhìn qua cái thời Khóa biểu của trường THCS Thanh Xuân Trung (Hà Nội) và phân tích để thấy vấn đề. Buổi chiều là học thêm. Lịch học ở trường của học sinh là kín cả ngày và cả tuần. Buổi sáng 5 tiết nghĩa là bắt đầu lúc khoảng 7h và tan học vào lúc khoảng 11h30, buổi chiều 4 tiết sẽ vào học lúc 13h30 nghĩa là kết thúc lúc khoảng 17h.
Kéo theo hai buổi học này là một khối lượng khổng lồ các bài tập về nhà, trong khi học sinh chỉ còn duy nhất buổi tối để hoàn thành. Cả ngày ngồi trên lớp nghe giảng khoảng 9 tiết với cách thức dạy học chủ yếu là thuyết giảng mà nội dung gần như lặp đi lặp lại và gây nhàm chán đến mức có thể làm người học mệt mỏi và trầm cảm, thì thử hỏi buổi tối các em sẽ tiếp tục ngồi vào bàn để làm bài tập như thế nào đây?
Đó là một cuộc tra tấn thật sự, nó gây nên những chấn thương tâm lý và sự thù ghét đối với tri thức. Đó cũng là chưa kể tới với áp lực học hành bằng sự nhồi nhét ấy, học sinh để đáp ứng yêu cầu ghi chép, học thuộc, giải quyết bài tập và hàng tá những quy định cứng nhắc ở trường, tất yếu sinh ra đối phó, nổi loạn, chống đối, nếu không rơi vào tình trạng stress nặng nề.
Không ai có thể học hành bình thường theo kiểu ấy được. Không ai có thể ngồi suốt 9 tiết mỗi ngày ở trường rồi tối đến lại lăn ra làm bài tập mà nếu làm nghiêm túc thì có thể 1 -2h sáng chưa xong, trong khi hầu hết những kiến thức ấy với phương pháp dạy học và thi cử cũ kỹ vốn không tạo được cho học sinh sự hứng thú, nếu không nói rằng chủ yếu gây ra sự thù ghét kiến thức.
Học sinh Việt Nam đang phải chịu đựng một gánh nặng quá tải, không phải chỉ là do sự nặng nề của chương trình mà chủ yếu hơn, là do cách thức nhồi nhét dưới áp lực của bệnh thành tích đã thành trầm kha và mãn tính. Cách học ấy ngày càng khiến các em trở nên chậm lụt, bị động, mất đi cá tính và sự sáng tạo cũng như đầu óc phản biện. Một lần nữa, nó tác động ngược lại việc học, làm cho gánh nặng tăng lên gấp bội, biến sự học trở nên một thứ bi kịch.
Đó cũng lại là chưa nói tới việc, một cái chương trình học thêm phi lý và vô nghĩa đến thế (chỉ là học trước hoặc học lại chương trình) đã cướp mất của các em cơ hội được vui chơi, được học thêm (đúng nghĩa) các môn năng khiếu về nghệ thuật, thể thao...
Trước đây, khi còn làm giáo viên, tôi đã rắp tâm xây dựng một thư viện xứng đáng trong môi trường trường chuyên. Sách đã mua về, lên kệ, tổ chức đọc và học tập. Nhưng thất bại. Vì học sinh không biết đọc sách để dùng vào việc gì khi thi cử chỉ loanh quanh trong đơn vị kiến thức thuộc lòng ở sách giáo khoa, nhưng tối ngày sáng đêm nhồi nhét mà vẫn chưa xong.
Và dù có muốn cũng không còn thời gian đọc. Một nền giáo dục không đọc sách, không phải không có những nguyên nhân thực tế và nhức nhối như thế, ngay trước mắt.
Cũng chỉ chừng đó kiến thức và cũng chỉ học để thi nhưng phải học từ sáng sớm đến đêm khuya, và ngay mai lại lặp lại, cứ quanh năm suốt tháng như thế, không có lúc nào để ngừng lại mà cảm nhận cuộc sống, để giao tiếp lành mạnh với gia đình, để có thời gian cho bạn bè, để theo đuổi những đam mê... Cái bức tranh ấy phải khiến chúng ta sợ hãi và dứt khoát đòi hỏi một sự thay đổi căn bản.
Những gì đang diễn ra trong giáo dục mà sự trái khoáy của nạn học thêm là một phần trong đó đã phản ánh những bất cập đã vượt giới hạn cho phép. Nó không cho, cả những người lạc quan nhất, dám nghĩ về những thế hệ khỏe khoắn về tinh thần và thể chất để kiến tạo xã hội và dựng xây đất nước trong tương lai.
Trong tình trạng này, trước mắt, việc đầu tiên cần làm là chấn chỉnh nạn dạy thêm tràn lan, dạy thêm phản khoa học đang phát tác khắp nơi trong các nhà trường. Và cùng với đó là hoàn thiện chương trình giáo dục, lấy tư tưởng khai phóng làm nòng cột, lấy sự phát triển của cá nhân làm mục đích. Chỉ có như thế học sinh mới được trả lại tuổi thơ, và việc học mới thật sự mang lại hạnh phúc, chứ không phải là một nỗi bất hạnh như hiện tại các em đang phải gánh chịu.