| Hotline: 0983.970.780

Đầy tiềm năng, tại sao Khánh Hòa vẫn chưa phát triển đúng tầm?

Thứ Sáu 31/03/2023 , 15:28 (GMT+7)

Tại sao Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay vẫn chưa phát triển đúng tầm, thấp xa kỳ vọng, chưa đạt mức trung bình cả nước.

Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho riêng Khánh Hòa mà cho tất cả các tỉnh, thành phố của PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện Kinh tế Việt Nam khi có bài phát biểu tại hội thảo khoa học cấp tỉnh “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653-2023)”, do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức vào sáng 31/3 tại TP Nha Trang.

PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo khoa học cấp tỉnh 'Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653-2023). Ảnh: KS.

PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo khoa học cấp tỉnh “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653-2023). Ảnh: KS.

Thu nhập bình quân đầu người còn thấp

Khánh Hòa là một trong 8 tỉnh gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc khu vực Nam Trung bộ. Cho đến nay, đa số các tỉnh vẫn còn nghèo, thực lực chưa mạnh, chưa tự chủ được ngân khách và còn “khó phát triển”.

Tỉnh Khánh Hòa nằm trong vùng còn “khiêm tốn” về thứ hạng phát triển, theo đó quy mô năm 2020 GRDP xếp thứ 6/8 tỉnh và tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 đứng thứ 7/8 tỉnh.

Dân số Khánh Hòa khoảng 1,3 triệu người, đông thứ 3 vùng Nam Trung bộ, bình quân thu nhập đầu người năm 2022 đạt 76,54 triệu đồng, bằng 80% mức trung bình cả nước.

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhìn từ biển vào trông rất đẹp. Ảnh: KS.

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhìn từ biển vào trông rất đẹp. Ảnh: KS.

PGS.TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề tại sao Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay vẫn chưa phát triển đúng tầm, thấp xa kỳ vọng, chưa đạt mức trung bình cả nước và cơ bản vẫn là địa phương khó phát triển.

Liệu những tiềm năng, lợi thế đang được ghi nhận của Khánh Hòa là thực hay ảo tưởng? Nhưng nếu lợi thế thực thì tại sao tỉnh chưa phát huy, chưa chuyển hóa thành lợi ích phát triển thực sự? Hay Khánh Hòa còn thiếu những yếu tố, điều kiện gì đó căn bản để bước chuyển lợi thế tiềm năng thành thành tích phát triển thực tế có thể thực sự diễn ra? Hay cách phát triển Khánh hòa có những điểm yếu căn cốt nào đó chưa được nhận diện.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta cần trả lời những câu hỏi này để hướng tới tương lai phát triển Khánh Hòa đúng tầm và thế. Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa là có thực. Tỉnh có bờ biển dài 385km, nhiều đầm, vịnh, cảng biển Cam Ranh, Nha Trang, Bắc Vân Phong-Nam Vân Phong; gắn các vịnh, đầm là những bải biển đẹp như Nha Trang, Bãi Dài, Vân Phong. Trên biển và trong các vịnh có hàng trăm hòn đảo đa dạng và tuyệt đẹp…

Bến du thuyền ở TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Bến du thuyền ở TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Không chỉ tiềm năng, lợi thế tự nhiên, Khánh Hòa còn là xứ sở giao thoa, hội tụ văn hóa đặc sắc giữa văn hóa biển và văn hóa Tây Nguyên, các tôn tôn giáo và tín ngưỡng. Tháp bà Ponaga, một tính biểu tượng tâm linh đặc biệt, có thể trở thành điểm hội tụ văn hóa Chăm, một thứ tài sản quý hiếm toàn cầu của cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Tuy nhiên những tiềm năng và lợi thế này, trong trạng thái phát triển hiện tại của đất nước và của Khánh Hòa - mảnh đất cơ bản chưa thoát khỏi phương thức sản xuất nông nghiệp, nông thôn truyền thống. Khi dân Khánh Hòa còn nghèo, tỉnh còn thiếu các điều kiện tiên quyết để biến tiềm năng, lợi thế so sánh thành động lực phát triển và sức cạnh tranh hiện thực. Do đó tỉnh chưa chuyển hóa được thành những động lực phát triển thực tế.

3 yếu tố đột phá của tỉnh Khánh Hòa

Trước những điểm nghẽn trên, tỉnh Khánh Hòa đã có những yếu tố đột phá, gắn với giải pháp được lãnh đạo tỉnh tích cực đề xuất và triển khai nhanh trong sự ủng hộ mãnh mẽ của Trung ương trên mọi phương diện.

Thứ nhất, quy hoạch lại phát triển tỉnh trên tất cả các tuyến và các cấp, nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh, xác định rõ "điều kiện cần và đủ” bảo đảm chuyển hóa "lợi thế so sánh” thành “lợi thế cạnh tranh”, để trên cơ sở đó, hiện thực hóa tiềm năng, lợi thể thành lợi ích phát triển.

Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Ảnh: KS.

Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Ảnh: KS.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc quy hoạch lại Khu Kinh tế Vân Phong, một tọa độ phát triển có lợi thế tầm cỡ thế giới nhưng cho đến trước năm 2022, vẫn chưa có sự chuyển biến tương xứng, là thử nghiệm điển hình của sự thay đổi này.

Thử nghiệm đã được xác nhận thành công bởi chính những đối tác quan trọng bậc nhất: Chính phủ (sớm phê duyệt Báo cáo Quy hoạch) và các nhà đầu tư lớn Việt Nam tìm đến và trở lại Khu Kinh tế Vân Phong với nhiều dự án đầu tư lớn.

Thành công của quy hoạch, dù là bước đầu, bắt nguồn từ cách tiếp cận mới về tiềm năng, lợi thế phát triển của Vân Phong trong điều kiện hiện đại, từ đó, dẫn tới những đề xuất đột phá mạnh về cấu trúc và chức năng của Khu Kinh tế.

Cùng với đó, năm 2022, tỉnh Khánh Hòa còn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án phát triển mang tầm chiến lược khác như dự án Đô thị Đầm Thủy triều, dự án phát triển TP. Nha Trang, dự án phát triển Kinh tế ban đêm...

Do đó, đây là cơ sở để dự báo rằng cùng với dự án Khu Kinh tế Vân Phong, những dự án này sẽ tạo động thái phát triển mạnh mẽ khác thường cho tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới.

Thứ hai, tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cộng hưởng. Thực tiễn cho thấy tự thân Khánh Hòa không thể có đủ nguồn lực để vượt ngưỡng phát triển tối thiểu. Do đó, thúc đẩy liên kết phát triển để tạo cộng hưởng sức mạnh trở thành một tư tưởng định hướng quan trọng bậc nhất trong tư duy phát triển mới của Khánh Hòa.

Tư tưởng này đã được thể hiện sớm, rõ nhất từ nỗ lực phát triển sân bay Cam Ranh với tư cách là một tọa độ hội nhập - kết nối phát triển quan trọng của tỉnh. Trong giai đoạn mới, cách tiếp cận này được quán triệt sâu sắc hơn, toàn diện hơn trong các bản quy hoạch phát triển.

Thứ ba, xác định vị thế mới, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ Trung ương. Bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Khánh Hòa vào năm 2022 khi GRDP tăng trưởng hơn 20%, cao nhất cả nước, cũng như cả trong giai đoạn tới đây sẽ không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhiều mặt tích cực và hiệu quả từ Trung ương.

Một là Chính phủ sớm phê duyệt lại Quy hoạch Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, theo tinh thần khuyến khích tinh thần chủ động sáng tạo. Hai là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về “Cơ chế đặc thù phát triển Khánh Hòa” ở mức độ nhanh nhất có thể. Ba là Chính phủ tích cực thúc đẩy triển khai các dự án Đường Cao tốc ven biển, đường cao tốc Buôn Mê Thuột – Nha Trang...Nhờ đó đã định hình một không gian phát triển đặc biệt gồm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa – Nha Trang được xác định là Trung tâm hội nhập phát triển của “tiểu vùng”...

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất