| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Tháp Mười

Thứ Năm 23/03/2023 , 10:56 (GMT+7)

Nhằm khai thác tốt tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười (Tân Phước, Tiền Giang) đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư để phát triển du lịch mang đặc trưng riêng.

dtm2_636782407803759603

Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang sắp được khai thác phục vụ du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Đảm.

Tiềm năng chưa được khai phá

Huyện Tân Phước có 12 xã, thị trấn, dân số 67.000 người với diện tích tự nhiên 33.320ha. Từ vùng đất phèn chua, hoang hóa, qua gần 30 năm xây dựng, phát triển đến nay, nơi đây là vùng chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản như khóm, thanh long, mít cùng với những cánh đồng lúa, khoai mỡ tươi tốt. Huyện Tân Phước đang sở hữu nhiều tiềm năng to lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch từ du lịch truyền thống, tâm linh đến sinh thái, trải nghiệm.

Là trung tâm Đồng Tháp Mười nên hệ sinh thái động, thực vật nơi đây rất phong phú đa dạng. Đặc biệt là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích 107ha, là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười ngày xưa, là nơi lưu trú khoảng 10.000 con chim thú, rất có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Tân Phước có 9 di tích được công nhận, trong đó gồm 1 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm: Bến đò Phú Mỹ, đình Phú Mỹ, đình Dương Hòa, miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng. Trên địa bàn còn có chùa Phật Đá có kiến trúc độc đáo và lịch sử xây dựng hơn 100 năm.

Empty

Một số sản phẩm tiêy biểu của địa phương như: Khóm, khoai mỡ, bánh kẹo... Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt, Thiền viện Trúc lâm Chánh giác có quy hoạch tổng thể gồm 25 hạng mục, với qui mô 30ha. Đây là một trong những thiền viện lớn nhất Việt Nam, được xem như một Ấn Độ thu nhỏ giữa Đồng Tháp Mười. Ngoài việc thiền tu còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Đây còn là điểm nhấn quan trọng thu hút ít nhất 5.000 lượt du khách thập phương mỗi ngày đến tham quan, lễ Phật và du lịch.

Huyện cũng có làng nghề truyền thống Bàng buôn xã Tân Hoà Thành và hơn 60 cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm và các sản phẩm làm từ khóm như bánh nhân khóm, nước ép khóm, nước màu…

Tuy nhiên, đến nay hoạt động khai thác các loại hình du lịch trên địa bàn vẫn chưa phát triển được, mặc dù lượng khách thập phương đến tham quan khu bảo tồn, viếng chùa, thiền viện lễ Phật hàng năm rất đông (trên 300.000 người/năm). Theo chia sẻ từ ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, địa phương nhờ duyên may từ sự quan tâm, đầu tư của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Địa điểm này là nơi xây dựng những kiến trúc rất độc đáo đã thu hút lượng khách rất lớn. Tuy nhiên vẫn chưa kết nối được các điểm du lịch lớn, du khách đến rồi đi về. Đây là tiềm năng mà địa phương chưa khai thác được.

Khai thác, phát huy nguồn tài nguyên bản địa

Thực hiện chủ trương của tỉnh Tiền Giang về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian gần đây, mô hình kinh doanh du lịch ở vùng Đồng Tháp Mười đã từng bước hình thành và phát triển. Hiện tại, Tân Phước cũng có 3 điểm du lịch như Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, Tin Tin và Mỹ Đức với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan vườn cây ăn trái, kết hợp câu cá, bơi xuồng ba lá, ẩm thực… Một số hộ dân cũng có nhu cầu làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng tận dụng diện tích đất và vườn cây ăn trái.

Ban quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch Công đoàn tỉnh Tiền Giang tổ chức khai thác hoạt động đưa khách đến tham quan. Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư liên kết trong hoạt động du lịch. Như vậy sau hơn 20 năm hoạt động, tiềm năng du lịch nơi đây sẽ được khai thác.

Ông Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười cho biết thêm: Hiện nay, đơn vị đã kêu gọi được một nhà đầu tư để nhà đầu tư phát triển du lịch. Khi liên kết đơn vị vẫn duy trì hoạt động quản lý, bảo tồn. Còn hoạt động du lịch do công ty du lịch hay nhà đầu tư khai thác, quản lý. “Du lịch là sản phẩm của bảo tồn. Tổ chức hoạt động du lịch còn để quảng bá các sản phẩm, điều kiện sẵn có của khu bảo tồn nói riêng và huyện Tân Phước nói chung. Ngoài ra, thông qua hoạt động du lịch để giới thiệu tiềm năng của huyện Tân Phước”, ông Viên nói.

Từ nguồn kinh phí của tỉnh, trung ương những năm qua, huyện Tân Phước đã được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông kết nối với đường cao tốc, tỉnh lộ, quốc lộ đã được xây dựng khang trang tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành du lịch.

Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch huyện Tân Phước được tổ chức vào ngày 17/3 vừa qua, các chuyên gia kinh tế, công ty du lịch đã nêu ra các giải pháp, điều kiện cần được quan tâm để phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết thêm: UBND huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh Tiền Giang có chính sách về du lịch cộng đồng, có kết nối với sở văn hóa thể thao du lịch để hỗ trợ cho bà con. “Giải pháp là chúng tôi đầu tư quảng bá về du lịch, tổ chức hội thảo về du lịch để bà con biết thêm về huyện Tân Phước”.

PGS.TS Sử học Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM đã có những gợi mở để ngành du lịch huyện Tân Phước khai thác, phát huy tiềm năng tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch. Theo ông, nói đến du lịch điều tiên là phải có sản phẩm, tức là có cái để thu hút du khách. Nó bao gồm hệ thống tuyến, điểm. Đó lộ trình nhưng quan trọng nhất là điểm dừng với những chương trình hoạt động phục vụ ăn ở, đi lại vui chơi giải trí chất lượng, hấp dẫn, đa dạng, riêng biệt. Ông cho rằng để có những sản phẩm du lịch như vậy cần phải dựa vào khai thác nguồn tài nguyên bản địa, gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Quan trọng nhất, để biến từ tài nguyên trở thành sản phẩm du lịch có thể khai thác thì cần phải tìm cái gì cái riêng biệt, đặc trưng để nó trở nên khác biệt. Đó là nguyên lý đặt ra chung cho du lịch cũng là cho Tân Phước.

Empty

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM gợi mở những vấn đề khai thác tiềm năng du lịch của huyện Tân Phước. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Thắng cũng cho rằng, huyện Tân Phước cách TP.HCM không xa, giao thông cũng ngày càng phát triển kể cả đường thủy. Đây là điều kiện rất thuận lợi để kết nối du lịch với TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác. Vấn đề là địa phương cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở TP.HCM và xa hơn là nhiều tỉnh thành khác đến đầu tư, khai thác.

Ngoài các cơ chế, chính sách, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cần khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng như rừng tràm, ruộng khóm; tăng cường công tác tác xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch khác và liên kết các đơn vị du lịch trong vùng Đồng Tháp Mười... nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của khách tham quan.

Nói đến huyện Tân Phước, xưa nay người ta nói về vùng đất khó khăn tuy nhiên nó cũng có những đặc sản mà nơi khác không có được. Đó là hệ sinh thái của vùng đất trũng, phèn thuộc ngoại vi tỉnh Tiền Giang, thuộc trung tâm của tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Khái niệm Đồng Tháp Mười chỉ quá trình khai phá của cộng đồng người Việt từ miền Trung và nhiều nơi khác đến. Địa danh đó chính là quá trình lịch sử rất lâu dài mà vô tình Tân Phước đã gìn giữ cái hồn, cái thần đó. Những bộ phim như: Cánh đồng gió chướng, Cánh đồng hoang… đã thể hiện những hình ảnh cho thấy Tân Phước đã gìn giữ một nét lịch sử, văn hoá rất đặc biệt. Đó là chưa kể những yếu tố khác liên quan nền văn hoá khảo cổ Óc Eo để lại thông qua khái niệm Tháp Mười tầng của Vương quốc Phù Nam để lại. Vấn đề hôm nay, PGS.TS Sử học Huỳnh Quốc Thắng cho rằng huyện Tân Phước cần khai thác tốt những yếu đó, đưa chúng trở thành sản phẩm đặc trưng riêng biệt để du khách hoà mình, cảm nhận khi trải nghiệm du lịch ở địa phương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.