| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Chủ động trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt

Thứ Bảy 11/01/2020 , 17:14 (GMT+7)

Hiện chính quyền và người dân ĐBSCL đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp điều tiết, dự trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn.

Sáng 11/1, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã đến khảo sát công tác phòng, chống hạn mặn và đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất tại tỉnh Tiền Giang.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự chủ động phòng, chống hạn mặn và dự trữ nước ngọt của chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh ĐBSCL.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thị sát tại cống Xuân Hoà (Chợ Gạo, Tiền Giang).

Tiền Giang: Chủ động điều tiết nước giữa các kênh         

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như: điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống,…Nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống. Với mục tiêu bảo vệ sản xuất cho trên 138 nghìn ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536 nghìn người dân các huyện ven biển. Nhờ vậy, mặc dù đang mặn nhưng hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tiền Giang đã có kinh nghiệm phòng chống hạn mặn, nhất là mùa hạn năm 2016. Đến nay, kinh nghiệm đó đã được phát huy rất tích cực trong mùa hạn mặn này. Trước hết là trong sản xuất, Tiền Giang đã cơ cấu lại sản xuất vụ đông xuân. Chủ động cắt giảm, chuyển vụ cho phù hợp. Hiện tại, toàn bộ diện tích cây trồng, lúa của tỉnh được đảm bảo.

Cũng theo Thứ trưởng thì vấn đề nước ngọt, sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng được cân bằng. Như tại cống Xuân Hoà, đã được xây dựng lâu nhưng đã được áp dụng giải pháp mới. Bộ NN-PTNT đã đẩy nhanh tiến độ lắp trạm bơm lên đến 9 tháng và bây giờ đã đưa vào sử dụng. Tỉnh đã tận dụng rất tốt. Toàn bộ nước ngọt lấy qua cống đã được đưa vào đồng ruộng.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang cho biết: Tại cống Xuân Hoà (Chợ Gạo), cống chính của vùng dự án ngọt hoá Gò Công, vừa qua Ban Quản lý và đầu tư xây dựng thuỷ lợi 10 thuộc Bộ NN-PTNT đã đầu tư thêm trạm bơm với công suất bơm 18.000 m3/giờ. Vì vậy, khi có xâm nhập mặn sẽ cho đóng cửa cống lại. Song song đó, khi thuỷ triều xuống mặn giảm sẽ bơm nước ngọt vào kênh.

Dự án trạm bơm thuỷ lợi cống Xuân Hoà được đẩy nhanh tiến độ thi công đến 9 tháng đáp ứng nhu cầu lấy nước ngọt tại vùng ngọt hoá Gò Công.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá nguy cơ thiếu nước mùa khô là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi cũng đã đầu tư thêm hệ thống đường ống chuyển nước từ kênh Nguyễn Tấn Thành về kênh này. Hiện hệ thống này đã sẵn sàng hoạt động bất cứ khi nào mặn đến. Công suất của đường ống này vào khoảng 50 nghìn m3/ngày đêm”, Chi cục trưởng Nguyễn Thiện Pháp nói thêm.

Còn tại huyện cù lao Tân Phú Đông, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là nước sinh hoạt. Vừa qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt. Dù đang mặn nhưng người dân cho biết không phải đi mua nước ngọt từ nơi khác.

Chị Phạm Thị Kim Lan ở ấp Tân Phú, xã Tân Thới cho biết: “Nhà tôi có 3 người, do ở đây ít dân nên chưa có điều kiện đăng ký sử dụng nước máy. Mùa khô có mặn thì chúng tôi chỉ dùng nước này để tắm giặt, rửa chén… Còn nấu cơm và uống thì tôi dùng nước mưa ở trong lu. Tôi có 2 lu cỡ 2 khối nước, chỉ nấu cơm và uống thì 2-3 tháng mới hết”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thăm gia đình chị Phạm Thị Kim Lan, ở xã Tân Thới.

Bến Tre: Nhiều “chiêu” đối phó mặn

Hiện nay, các nhà vườn tại Bến Tre, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn trái như: Chợ Lách, Châu Thành, TP Bến Tre đã có nhiều giải pháp trữ nước ngọt rất hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Hà ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sử dụng túi chứa nước “khổng lồ” trữ nước tưới cho sầu riêng.

Xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có hơn 800 ha trồng cây sầu riêng. Hiện nay, các nhà vườn đang làm đọt chuẩn bị cho ra hoa. Đây là giai đoạn cây cần rất nhiều nước. Để đối phó với việc thiếu nước ngọt cho xịt thuốc và tưới cây, mới đây, anh Nguyễn Văn Hà, ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú đã túi dự trữ nước ngọt “khổng lồ”, dung tích đến 15 m3 với giá 2,4 triệu đồng.

Anh Hà cho biết: “Mình mua túi nước này để chữa cháy trong thời gian mặn kéo dài, dùng để tưới nhỏ giọt và xịt lên trái. Khi mặn quá, nước trong bồn hết thì mình dùng nước này xài đỡ. Khi nào qua mặn thì mình xếp lại cất. Tôi thấy túi này rất tiện lợi”.

Nguời dân dùng bạt cao su lót dưới mương trữ nước.

Các nhà vườn khác thì sử dụng bạt lót trong mương trữ nước, xây bồn xi măng… Nhiều năm nay, ông Huỳnh Văn Thiết ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú là một nông dân có cách làm vườn thích nghi với mặn rất tốt. Hơn 2ha sầu riêng của ông đến nay đã 20 năm. Đặc biệt, nhiều năm liên tục có mặn cũng không hề hấn gì.

Mặc dù bên ngoài sông có mặn nhưng những năm qua, ông Thiết không dùng phương pháp trữ nước. Ông Thiết chia sẻ bí quyết: “Những vườn ở cạnh mé sông, khi mặn đến thì mình đậy nắp bộng (nhỏ hơn cống) lại. Khi nước vừa nhửng lớn, độ mặn còn rất thấp, hoặc chỉ có nước ngọt từ trên thượng nguồn đổ về sẽ tiến hành đo mặn. Nếu thấy nhỏ, không có mặn thì cho vào, sau đó dùng tưới cây, khi tưới đến gần cạn thì đo lại độ mặn xem có còn phù hợp hay không. Nếu mặn cao thì mình xả ra cho nước khác vào”.

Còn các khu vườn ở xa không dẫn nước vào kịp, ông Thiết cho biết, ông mua bạt cao su lót trên các mương vườn. Với phương pháp này, hơn 5 công sầu riêng ông chỉ tốn khoảng trên 1 triệu đồng mà trữ được gần 1.000 m3 nước đủ dùng đến qua mùa hạn. Song song đó, ông còn thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm nước như dùng hệ thống phun sương, trồng cỏ xung quanh gốc cây, tô đất quanh các mé mương giữ ẩm cho đất, cắt tỉa cành phù hợp...

Hút hàng túi trữ nước ngọt

Túi trữ nước ngọt là một trong các giải pháp mới vừa xuất hiện trong mùa hạn mặn 2019-2020. Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp các loại túi với các kích cỡ, dung tích khác nhau có giá bán dao động từ 2,1 -2,4 triệu đồng. Đang thời điểm xâm nhập mặn nên túi này rất hút hàng, các đơn vị sản xuất không kịp bán. Như túi nước 15 khối của công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng (TP.HCM) thời gian bảo hành 8 năm với giá 2,4 triệu đồng, chỉ bằng 10 trái sầu riêng nên được bà con ở huyện Châu Thành chọn lựa.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất