| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/07/2022 , 12:08 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 12:08 - 19/07/2022

Để đường cao tốc thực sự cao tốc

Do thiếu tính dự báo chính xác, nên các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đều có công suất thiết kế không theo kịp số lượng ô tô tăng nhanh của xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an kiến nghị đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo. Đúng là cần nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô, nhưng thực hành trên đường cao tốc liệu có khả thi không?

Hiện nay, toàn bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC trên toàn quốc đang gấp rút hoàn thành trước thời hạn 31/7. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu áp dụng thu phí không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc từ ngày 1/8. Mục đích chính của công cụ ETC không chỉ góp phần minh bạch tài chính của hoạt động thu phí sử dụng đường bộ, mà còn để tăng năng lực lưu thông, hạn chế ùn ứ phương tiện vào những dịp cao điểm.

Phần lớn tuyến cao tốc vẫn đang trong tình trạng quá tải, thì làm sao đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo? Không lẽ, các trung tâm sát hạch xin trưng dụng một đoạn cao tốc nào đó để thực hành? Không lẽ, lấy một tuyến đường vắng khu vực ngoại ô giả định là cao tốc để thực hành, mà làm cơ sở cấp giấy phép lái xe? Hầu như, chưa có một thống kê đáng tin cậy nào cho thấy nguyên nhân gây tai nạn trên cao tốc đến từ các tay lái mới, mà chủ yếu do không chú ý quan sát, đi sai làn đường hoặc điều khiển phương tiên khi đã sử dụng bia rượu.

Sử dụng đường cao tốc là một nhu cầu cấp thiết của sự phát triển. Thế nhưng, chất lượng đường cao tốc lại bộc lộ nhiều bất cập. Chưa bao giờ người tham gia giao thông lại sợ kẹt xe trên cao tốc như bây giờ. Nhất là đường dẫn vào cao tốc luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Phải chăng, việc quy hoạch và thiết kế cao tốc đang bộc lộ sự hạn chế về yếu tố tầm nhìn và yếu tố kỹ thuật?

Do thiếu tính dự báo chính xác, nên các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đều có công suất thiết kế không theo kịp số lượng ô tô tăng nhanh của xã hội. Thế nhưng, oái oăm thay, có những tuyến cao tốc xây dựng sau lại nhỏ hẹp hơn những tuyến cao tốc xây dựng trước.

Ví dụ, cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe vào năm 2010 có hai làn di chuyển với tốc độ tối đa 120 km/h và một làn khẩn cấp cho mỗi chiều, còn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới vừa thông xe tháng 4/2022 chỉ có hai làn di chuyển với tốc độ tối đa 80 km/h mỗi chiều mà chưa có làn khẩn cấp. Cho nên, khi xảy ra bất cứ sự cố gì thì cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại thành thấp tốc ngay lập tức. Và bài toán kết nối đô thị trung tâm TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long vẫn đầy thách thức.

Để đường cao tốc thực sự cao tốc, còn rất nhiều việc phải làm. Áp dụng công cụ ETC trên cao tốc là một lộ trình hợp lý, nhưng quan trọng hơn là trách nhiệm giám sát để bảo dưỡng thường xuyên và phối hợp để xử lý ùn tắc hữu hiệu của các đơn vị được giao quyền thu phí đường bộ.