| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 15/07/2022 , 17:19 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

17:19 - 15/07/2022

Để lãnh đạo không trở thành cai trị

Bộ trưởng không nhất thiết phải là nhà chuyên môn nhưng phải là một chiến lược gia, am hiểu và tuân thủ pháp luật, lấy việc phục vụ nhân dân làm trọng trách thiêng liêng.

Ngày 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 839/QĐ-TTg về việc giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan. Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, trình độ thạc sĩ kinh tế. Bà Đào Hồng Lan là Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong số 14 Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1945 đến nay không phải là bác sĩ hay dược sĩ. Ảnh: Như Ý, Báo Người Lao Động.

Ngày 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 839/QĐ-TTg về việc giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan. Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, trình độ thạc sĩ kinh tế. Bà Đào Hồng Lan là Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong số 14 Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1945 đến nay không phải là bác sĩ hay dược sĩ. Ảnh: Như Ý, Báo Người Lao Động.

“Không ít nhà lãnh đạo ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia chậm phát triển, cũng mang một chân dung tương tự như thế. Họ luôn tất bật, bận bịu, nhưng qua thời gian giữ chức của họ, thứ hiếm hoi thay đổi là số băng khánh thành mà họ cắt, còn lại những thứ trọng yếu khác của đất nước thì hầu như vẫn như cũ hay thậm chí còn tệ hơn. Họ là những người mang danh lãnh đạo và ngồi ghế lãnh đạo nhưng thực chất không hề làm việc của lãnh đạo”.

Đoạn văn rất hay và ý nghĩa trên đây được trích từ trang 95 trong cuốn sách Đúng việc* của tác giả Giản Tư Trung. Nó khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Suy nghĩ vì nhiều lý do, nhưng trực tiếp và nóng hổi là liên quan đến sự kiện một người không có chuyên môn y tế nhưng vừa được bổ nhiệm vào vị trí quyền Bộ trưởng Bộ Y tế của nước ta. Nó khơi dậy trong chúng ta câu hỏi “Thế nào là một người lãnh đạo?”.

Cũng trong cuốn sách nói trên, tác giả Giản Tư Trung đã đưa ra một công thức về người lãnh đạo. Theo ông: [Lãnh đạo = (Chiến lược + Đội ngũ)]; trong đó: [Đội ngũ = (Con người + Hệ thống + Văn hóa)]. Người lãnh đạo làm công việc “quản trị”, nó khác với “cai trị”. “Quản trị” hay “cai trị” đều là quản lý, điều hành. Nhưng nếu nhà lãnh đạo làm điều đó chủ yếu bằng quyền lực và áp đặt thì gọi là “cai trị"; còn bằng năng lực và tự do thì gọi là quản trị”.

Nếu chúng ta đồng ý với Giản Tư Trung thì sẽ dẫn đến câu hỏi tiếp theo: “Vậy, một nhà lãnh đạo có nhất thiết phải giỏi chuyên môn hay không?”. Thực tế đã chứng minh, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì bộ trưởng không nhất thiết phải là một nhà chuyên môn thuộc chuyên ngành hẹp mà anh ta lãnh đạo; mặc dù vậy, những ngành ấy vẫn phát triển và hùng mạnh. Còn về lý thuyết, rõ ràng, như cách định nghĩa của tác giả Giản Tư Trung, một nhà lãnh đạo cần có tố chất đặc thù, đó là tầm nhìn (chiến lược) và năng lực xây dựng, vận hành đội ngũ. Những phẩm chất ấy mới mang tính quyết định.

Vấn đề cuối cùng được đặt ra là, người ấy có quyền hành thực tế như thế nào trong việc hiện thực hóa sứ mạng lãnh đạo của mình. Anh/chị ta có quyền đề ra và thực hiện chiến lược của mình hay không; có quyền chọn người để xây dựng đội ngũ của mình nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra hay không? Tất cả các hành động ấy trước mỗi khi tiến hành có phải “xin phép” ai hay không?

Để trả lời những câu hỏi như trên thì có một nguyên tắc cần được đảm bảo: tuân thủ pháp luật, và chỉ cần tuân thủ pháp luật. Nghĩa là người lãnh đạo được làm mọi việc mà luật không cấm, bên trên anh ta chỉ có pháp luật, chứ không có ai nữa cả. Và để pháp luật trở thành hành lang an toàn cho cả vị lãnh đạo đó cũng như toàn bộ xã hội thì bộ máy tư pháp phải độc lập để bảo vệ hiến pháp và pháp luật. Bên trên tòa án cũng không có ai cả.

Khi tất cả những điều đó đã được đảm bảo rồi thì Bộ trưởng Bộ Y tế không còn nhất thiết phải là một bác sĩ nữa; mà chỉ cần là một chiến lược gia quyền lực, vừa phải am hiểu và tuân thủ pháp luật, vừa lấy việc phục vụ nhân dân làm trọng trách thiêng liêng, đồng thời chịu sự giám sát của hệ thống luật pháp, báo chí, người dân và dư luận nói chung.

Xin mượn lời tác giả Giản Tư Trung để kết thúc bài viết này: “Einstein từng nói rằng: "Chỉ có một cuộc đời phục vụ người khác là cuộc đời đáng sống". Và mình sẽ tìm thấy mình, tìm thấy ý nghĩa của đời mình trong" cuộc đời phục vụ" đó. Suy cho cùng, cái tên chỉ là cái tên. Dù được gọi bằng cái tên gì - người đày tớ, người phục vụ, người bán hàng..., tất cả cũng như trở thành vô nghĩa nếu như người công chức không cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng trong công việc phục vụ nhân dân của mình và đặt sự "đáng sống" của cuộc đời mình ở những thứ khác. Và chừng nào chưa làm được điều đó, công cuộc cải cách hành chính vẫn chỉ là những khẩu hiệu treo trên tường!”.

* Giản Tư Trung, Đúng việc, Nxb Tri Thức, năm 2015.