| Hotline: 0983.970.780

Để ngành cá cảnh vươn xa: [Bài 3] Hướng tới doanh thu trăm triệu USD

Thứ Tư 04/10/2023 , 11:09 (GMT+7)

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, TP.HCM đang nỗ lực biến cá cảnh thành mặt hàng xuất khẩu triệu USD, ổn định và có vị thế rõ rệt trên thị trường quốc tế.

Ngành nông nghiệp TP.HCM xác định ngành cá cảnh là một trong những mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với nông nghiệp đô thị.

UBND TP.HCM cũng đang thực hiện nhiều chính sách, khuyến khích nhằm hoàn thành chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, TP phấn đấu đạt sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con. Tuy nhiên, cá cảnh TP.HCM tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt, cần được tháo gỡ những khó khăn và nhiều biện pháp đồng bộ.

Chưa được như kỳ vọng

Trước bối cảnh đô thị hóa tại TP.HCM diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, ngành nông nghiệp TP xác định đầu tư nông nghiệp đô thị có trọng điểm, giá trị cao, bền vững. Quyết định số 4310 năm 2021 của UBND TP.HCM về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản xác định rất rõ về vấn đề này. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD, với số lượng xuất khẩu 100 triệu con cá cảnh.

Thống kê của Chi cục Thủy sản TP.HCM, diện tích nuôi cá cảnh trên địa bàn khoảng 90ha, với hơn 250 cơ sở nuôi. Trong số này, đa phần vẫn là hình thức nuôi nhỏ lẻ, nuôi bể kính do bị hạn chế về diện tích nuôi trong nhà.

Đại dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn khiến cho việc xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM bị chậm lại. Ảnh: Lê Bình.

Đại dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn khiến cho việc xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM bị chậm lại. Ảnh: Lê Bình.

Ông Đinh Công Khánh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản TP.HCM) cho biết, nếu như năm 2010 cá cảnh TP.HCM là 60 triệu con, đến năm 2019 là 205 triệu con thì sang giai đoạn 2020 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng sản xuất cá cảnh đã giảm trên 50% vào năm 2021 (100 triệu con).

“Những tháng đầu năm 2023, số lượng cá cảnh sản xuất trên địa bàn TP.HCM đạt 37,4 triệu con; số lượng cá cảnh xuất khẩu là trên 4,1 triệu con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 4,2 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022”, ông Khánh cung cấp thông tin.

Cá cảnh TP.HCM cũng nằm trong top 20 nguồn hàng xuất khẩu lớn nhất thế giới. Thị trường chủ yếu xuất sang 50 quốc gia, trong đó châu Âu chiếm tỷ trọng cao nhất là 64,78%; châu Á chiếm 28,49%; châu Mỹ là 5,1%; Trung Đông 1,28% và Nam Phi 0,35%.

Sản lượng lớn nhưng TP.HCM vẫn chưa có nhiều đơn vị đủ điều kiện và kinh nghiệm xuất khẩu cá cảnh lượng lớn và bài bản. Ảnh: Lê Bình.

Sản lượng lớn nhưng TP.HCM vẫn chưa có nhiều đơn vị đủ điều kiện và kinh nghiệm xuất khẩu cá cảnh lượng lớn và bài bản. Ảnh: Lê Bình.

Chia sẻ với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, cho biết, hiện thành phố mới chỉ có 3 đơn vị có quy mô bài bản về xuất khẩu cá cảnh, số còn lại theo dạng nhỏ lẻ, nông hộ. Đó là HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn, Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng, Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức. Do đó, để thực hiện được chiến lược này của UBND TP, ngành cá cảnh cần phải đổi mới phương thức, nghĩ lớn làm lớn hơn.

“Hầu hết trại nuôi chưa có sự đầu tư đúng mức, phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngành cá cảnh của TP.HCM chưa phát triển mạnh là do mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, nước ở một số khu vực bị ô nhiễm, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức sản xuất”, bà Mộng Thu chia sẻ.

Chưa kể, để rộng đường xuất khẩu cá cảnh sang những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ thì vấn đề kiểm dịch, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây là ưu tiên hàng đầu và bắt buộc trước khi muốn cá có thể đi với số lượng lớn, dài hơn vào những thị trường khó tính này.

Bởi, nếu cá mang mầm bệnh mà không được phát hiện hoặc kiểm soát kịp thời, rất có thể đây sẽ trở thành nguồn bệnh cho khu vực được nhập khẩu, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Cá Koi Việt Nam không thua gì nhiều nước đâu, cái khó là chúng ta đang vướng giấy phép về an toàn dịch bệnh và vùng chăn nuôi. Thái Lan, Indonesia… đi sau chúng ta về cá Koi nhưng lại được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu nhờ làm tốt giấy phép”, anh Nguyễn Ngọc Hải, chủ Bình Minh Koi Farm thông tin.

Cá cảnh sẽ dần trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của TP.HCM, do đó nó cũng cần những cơ chế, ưu đãi riêng. Ảnh: Lê Bình.

Cá cảnh sẽ dần trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của TP.HCM, do đó nó cũng cần những cơ chế, ưu đãi riêng. Ảnh: Lê Bình.

Về khía cạnh xúc tiến thương mại, anh Dương Quốc Thái, giám khảo quốc tế về cá cảnh cũng bày tỏ quan điểm, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng nên thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, là đòn bẩy để quảng bá và tiếp cận những thị trường mới.

“Các cường quốc về cá cảnh họ đang làm rất tốt việc này. Bằng những cuộc thi, những cuộc trao đổi kinh nghiệm và bằng những chứng minh thực tế và nguồn cá an toàn… sẽ giúp cho các nước họ có cái nhìn đúng hơn về việc nuôi cá cảnh tại Việt Nam. Việc vận chuyển cá Việt Nam đi dự thi quốc tế hoặc ngược lại cũng thế, cần có những cơ chế đặc thù, tránh thủ tục rườm rà để tạo điều kiện quảng bá một mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong tương lai”, anh Quốc Thái bày tỏ.

Tiếp sức cho cá cảnh “vươn khơi”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội chợ triển lãm giống Công nghệ cao TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao thành tựu và không gian các sản phẩm về cá cảnh công nghệ cao. Đây là yếu tố then chốt trong việc hướng tới thực hiện thành công mục tiêu “Nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái và nông thôn hiện đại” trên địa bàn TP.HCM.

Mục tiêu của UBND TP.HCM là xuất khẩu cá cảnh hướng tới doanh thu trăm triệu USD/năm. Để đạt được điều ấy, chính quyền thành phố phải đồng bộ nhiều biện pháp, từ chính sách đến những hành động cụ thể. Người nuôi cá cảnh cần được tiếp sức, hỗ trợ đồng bộ và giải pháp kĩ thuật.

TP.HCM cần hướng đến những chương trình dài hạn nhằm tiếp sức cho ngành cá cảnh vươn xa hơn, thuận tiện xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường khó tính. Ảnh: Lê Bình.

TP.HCM cần hướng đến những chương trình dài hạn nhằm tiếp sức cho ngành cá cảnh vươn xa hơn, thuận tiện xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường khó tính. Ảnh: Lê Bình.

Trong giai đoạn 2018-2021, các cơ sở, hộ nuôi cá cảnh được duyệt vay 51 lượt với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của UBND TPHCM. Từ ngày 31/12/2021, chính sách này hết hiệu lực. Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở đang tham mưu để UBND TP ban hành các chính sách mới khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

“Thời gian tới, Sở NN-PTNT cũng xúc tiến với những đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cao và an toàn dịch bệnh để người nuôi cá cảnh tự tin trong câu chuyện xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng vào những giống cá cảnh chất lượng và những giống mới để bàn giao cho các cơ sở nuôi cá cảnh, bám sát nhu cầu thị trường và rút ngắn khoảng cách với những quốc gia khác”, ông Đinh Minh Hiệp chia sẻ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP.HCM xác định các huyện ven thành phố như Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, diện tích đất nuôi cá cảnh… Để phát triển bền vững, TP.HCM cần duy trì, mở rộng phát triển mạnh sản xuất cá cảnh xuất khẩu ở các khu vực có khả năng tập trung cao, tính đường dài và có những chính sách cổ vũ, khuyến khích đầu tư.

“Việc tập trung phát triển với quy mô lớn cũng chính là yếu tố then chốt nhằm hướng tới vùng an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đủ điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu”. Đây là ý kiến của ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM nhằm giải quyết bài toán an toàn dịch bệnh và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, tạo hướng đi bền vững cho con cá cảnh TP.HCM.

Không chỉ có những giống cá chất lượng, TP.HCM cần phải tính đến bài toán an toàn dịch bệnh, có 'visa' cho từng con cá trước khi xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Lê Bình.

Không chỉ có những giống cá chất lượng, TP.HCM cần phải tính đến bài toán an toàn dịch bệnh, có "visa" cho từng con cá trước khi xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Lê Bình.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM “đặt hàng” nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, thuần chủng, sinh sản một số loài cá tự nhiên bản địa dùng làm cảnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát triển được những loài cá cảnh quý hiếm của Việt Nam. Đây cũng chính là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cá cảnh và định danh thương hiệu của TP.HCM.

Quảng bá du lịch con cá cảnh cũng được xác định là giải pháp đồng bộ trong việc tiếp thị cá cảnh TP.HCM xa hơn. Cụ thể, Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP.HCM cùng Chi hội Cá cảnh TP.HCM thường xuyên tổ chức những cuộc thi về cá cảnh, tạo sân chơi cho những nghệ nhân trong và ngoài nước tham gia, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cá cảnh để tối ưu hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích những nghệ nhân đi các nước để dự thi để giới thiệu, quảng bá thương hiệu cá cảnh Việt Nam.

TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm cá cảnh đầu tiên của Việt Nam

Ông Tân Xuyên, Chi hội trưởng Chi hội cá cảnh TP.HCM chia sẻ, hiện đơn vị đang xin phép Sở NN-PTNT và Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP.HCM để tiến hành thành lập Trung tâm cá cảnh TP.HCM. Đây sẽ là trụ sở và địa điểm sinh hoạt của tất cả các bộ môn cá cảnh tại TP.HCM.

Dự kiến, Trung tâm sẽ có trụ sở nằm trong khuôn viên Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11). Trung tâm cũng sẽ là nơi tổ chức những cuộc thi lớn nhỏ định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc và xây dựng hướng đi bền vững cho con cá cảnh TP.HCM.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.