| Hotline: 0983.970.780

Để ngành cá cảnh vươn xa: [Bài 1] Thú chơi tao nhã của người Sài Gòn

Thứ Hai 02/10/2023 , 18:17 (GMT+7)

Cá cảnh đang dần trở thành cảm hứng, niềm đam mê của người dân TP.HCM. Nghề nuôi cá cảnh là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

“Trẻ cũng mê mà già cũng thích”

Dọc tuyến đường Trường Chinh (khu vực mũi tàu của quận Tân Bình), dễ bắt gặp những xe cá cảnh bán hàng rong với đủ chủng loại, màu sắc. “Cửa hàng mini” này là địa chỉ tin cậy của nhiều “nghệ nhân tập sự” về cá cảnh, lúc nào cũng đầy ắp khách hàng với đủ mọi đối tượng.

Cá cảnh nơi đây được buôn bán với nhiều chủng loại, bộ môn và giá cả khác nhau. Theo quan sát, cá cảnh ở đây được bán dao động từ 2.500 đồng/con đến vài trăm ngàn đồng một con, sẵn sàng đáp ứng mọi đối tượng khi có nhu cầu. Theo anh Nguyễn Văn Hùng - chủ xe cá cảnh (quê Nam Định), khách hàng của anh đa dạng, trải rộng. Dù ở giá tiền nào cũng có thể sở hữu những chú cá đầy sắc màu, kích cỡ.

'Cửa hàng' cá cảnh mini của anh Hùng luôn có khách tới hỏi mua. Chỉ một xe cá nhỏ thế này nhưng có đến mười mấy loại cá cảnh, đủ loại giá. Ảnh: Lê Bình.

“Cửa hàng" cá cảnh mini của anh Hùng luôn có khách tới hỏi mua. Chỉ một xe cá nhỏ thế này nhưng có đến mười mấy loại cá cảnh, đủ loại giá. Ảnh: Lê Bình.

“Giá nào tôi cũng có cá bán. Xe bán hàng rong này luôn sẵn những loại cá bình dân nên ai cũng có thể lựa chọn. Còn đối với những dòng cá cao cấp lên tới hàng triệu đồng, chỉ cần đặt hàng trước là vài tiếng sau tôi có thể giao hàng ngay. Món này ý hả, trẻ cũng mê mà già cũng thích”, anh Hùng sảng khoái chia sẻ.

Cách đó không xa, “phố” cá cảnh nằm trên đường Trường Chinh (Quận Tân Bình) cũng là địa chỉ lui tới của nhiều người. Những “siêu thị” này có đầy đủ các loại cá cảnh, kích cỡ và giá cả, hợp với túi tiền của nhiều người. Ở đây, sau giờ hành chính, có hàng trăm người thường xuyên đến đây để mua bán, giao dịch và học hỏi kinh nghiệm nuôi cá cảnh.

Cửa hàng thủy sinh Trung Tín (đường Trường Chinh, Quận Tân Bình) được biết đến là tiệm cá cảnh có diện tích và quy mô thuộc diện lớn ở TP.HCM. Theo chị Mai - quản lý của cửa hàng, mỗi ngày có đến hàng trăm khách thường xuyên ra vào, từ những em nhỏ đến những cô chú lớn tuổi. Nhờ đó, mỗi ngày cửa hàng giao dịch hàng trăm con cá cảnh các loại. Những vật phẩm đi kèm như hồ nuôi cá, rong biển, đồ trang trí, thức ăn cho cá… cũng nhờ đó được tiêu thụ nhanh chóng.

Từ xưa đến nay, cá cảnh vẫn luôn là niềm đam mê của người Sài Gòn. Ảnh: Lê Bình.

Từ xưa đến nay, cá cảnh vẫn luôn là niềm đam mê của người Sài Gòn. Ảnh: Lê Bình.

Bắt gặp ông Huỳnh Văn Mười (68 tuổi, quận Tân Bình) tại cửa hàng thủy sinh, ông cho biết như một thói quen, mỗi ngày mình phải ghé đây độ 5-10 phút để ngắm cá. Mặc dù nhà cũng có bể cá riêng nhưng tiện đường tập thể dục nên ông ghé ngắm để thấy bình yên, thỏa những đam mê.

“Mỗi một con cá có nét đẹp riêng, mỗi một bể cá lại như một xã hội thu nhỏ riêng vậy. Lặng ngắm những con cá uốn lượn, nhẹ nhàng bơi mà mặc kệ mọi điều bên ngoài. Giống như tôi, nhiều người có thể ngồi hàng giờ trước một bể cá nhìn chúng bơi lội để chiêm nghiệm những triết lý trong cuộc đời. Mỗi ngày ghé đây chút là thấy cuộc sống bình yên, hết mệt mỏi liền à”, ông Mười tâm sự.

Còn Nguyễn Chu Phúc (10 tuổi, quận 12, TPHCM) cũng vừa chọn được bạn cá cảnh ưng ý. Đây là phần thưởng của cha mẹ dành cho em sau một năm học tập vất vả, đạt được thành tích cao.

“Thay vì chọn được đi du lịch cùng gia đình thì bé chỉ mong muốn được tặng một cặp cá La Hán. Bé rất thích cá nhưng chưa khi nào được tự nuôi và cũng luôn khao khát về việc nuôi cá cảnh. Với kết quả học loại giỏi của năm rồi, tôi nghĩ đây là phần thưởng xứng đáng cho cháu”, chị Hà - mẹ của bé Chu Phúc chia sẻ.

Không chỉ có người lớn, những bạn nhỏ cũng không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp và sự lôi cuốn của cá cảnh. Ảnh: Lê Bình.

Không chỉ có người lớn, những bạn nhỏ cũng không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp và sự lôi cuốn của cá cảnh. Ảnh: Lê Bình.

Có mặt tại cửa hàng cá Rồng Việt Nam (số 880 Trần Hưng Đạo, Quận 5), chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi những chú cá rồng đủ loại, màu sắc nơi đây. Theo anh Võ Minh Trí - chủ cửa hàng thì tại đây quy tụ nhiều loại cá rồng quý hiếm trên thế giới như Huyết Long, Ngân Long abino, Kim Long quá bối... Chúng còn được mệnh danh là vua của những loại cá cảnh bởi vẻ đẹp hùng dũng và giá cả tỷ đồng nếu muốn sở hữu.

“Khách đến mua trực tiếp cũng có, mua từ xa cũng có. Chúng tôi không chỉ cung cấp những loại cá Rồng cho người chơi tại TP.HCM mà còn trên cả nước. Có những con cá Rồng từ vài triệu đồng, cho đến những chú cá đột biến với kiểu dáng và màu sắc đặc biệt lên tới 3-4 tỷ đồng, phù hợp với túi tiền của nhiều người chơi”, anh Trí cho biết.

Những năm gần đây, TP.HCM tổ chức nhiều hội thi cá cảnh trên địa bàn. Ngoài những nghệ nhân đến để thi đấu, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá thì đây còn là dịp để những người có chung niềm đam mê, chiêm ngưỡng những dòng cá độc lạ, đắt tiền. Có những con cá độc nhất vô nhị, tiền tỉ hoặc từng đoạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế.

Khi tổ chức các cuộc thi cá cảnh, ban tổ chức thường tặng lượng lớn cá cảnh cho người tham quan, nhất là trẻ em. Đây cũng là cách giúp trẻ tiếp cận với thú chơi cá cảnh, có được nguồn giống tốt và ý thức hơn trong việc nuôi dưỡng tại gia đình.

Thú vui tao nhã lâu đời của người Sài Gòn

Sài Gòn - mảnh đất chỉ mới hơn 300 năm khai hóa và phát triển. Tính cách tiêu biểu của người Nam bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng là hào sảng, làm ra làm - chơi ra chơi. Tuổi thơ của những người con Nam bộ gắn liền với những cuộc đi bắt cá lia thia đầy màu sắc. Đó cũng chính là những động lực, bước tiến để những cửa hàng, trang trại chuyên về cá cảnh ở Sài Gòn ra đời.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM: Sở dĩ nghề nuôi cá cảnh ngày càng phát triển là do mức sống người dân TP.HCM ngày càng được nâng cao, từ đó đã thúc đẩy nhu cầu làm đẹp, nhu cầu thưởng thức trong mỗi gia đình và họ đã chọn cá cảnh là vật trang trí, vừa tao nhã lại ít tốn kém.

Thú chơi cá cảnh dường như đã trở thành văn hóa và là điều không thể thiếu trong mỗi căn nhà của người dân Nam bộ. Ảnh: Lê Bình.

Thú chơi cá cảnh dường như đã trở thành văn hóa và là điều không thể thiếu trong mỗi căn nhà của người dân Nam bộ. Ảnh: Lê Bình.

“Chơi cá cảnh không có gì là mới. Cái mới là hiện nay, thú chơi này được thị trường đáp ứng ngày một chuyên nghiệp và người chơi tiếp cận được thị hiếu không thua gì các nước phát triển. Những người chơi cá cảnh thường có một sự nhẫn nại hơn người. Cá không giống như những vật nuôi khác, nó không biết kêu, biết hót, người và vật chỉ có thể cảm nhận vẻ đẹp và tình cảm cho nhau qua cái nhìn, có lẽ đó là điều hình thành nên tính cách của những người chơi cá - điềm tĩnh, chuẩn mực”, ông Nguyễn Văn Phụng bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, ít ai biết rằng cá cảnh Sài Gòn từng một thời “xưng bá, xưng vương” trong khu vực châu Á. Ông Trương Hoàng, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết, trước năm 1975, việc nuôi cá cảnh ở Sài Gòn rất phổ biến và có bước phát triển lớn. Cụ thể, trong cuộc thi về cá cảnh tại Hồng Kông những năm 1972 - 1973, toàn cuộc thi có 10 giải thì Sài Gòn khi ấy đã chiếm đến 8 giải, trong đó có giải Nhất, Nhì.

“Có thể do cuộc sống mưu sinh, nghề nuôi cá cảnh ít được chú trọng. Hơn nữa, nhu cầu thị trường nước ngoài ngày một cao cấp khiến cá cảnh Việt Nam nói chung ngày một tụt lùi. Suốt thời gian dài, cá cảnh tại TP.HCM mới tìm lại vị thế của mình, có chỗ đứng riêng và vươn trở lại "đường đua" xuất khẩu”, ông Trương Hoàng chia sẻ.

Ít ai biết, cá cảnh Sài Gòn cũng là thương hiệu Đông Nam Á một thời. Ảnh: Lê Bình.

Ít ai biết, cá cảnh Sài Gòn cũng là thương hiệu Đông Nam Á một thời. Ảnh: Lê Bình.

Nằm khép mình giữa hai con đường Trần Hưng Đạo và Hải Thượng Lãn Ông, đường Lưu Xuân Tín (quận 5) được biết đến là chợ cá cảnh lâu đời nhất Sài Gòn. Con đường này ngắn đến nỗi, số nhà hai bên không vượt qua con số 50. Thế nhưng, ít ai biết rằng con đường này suốt mấy chục năm nay chuyên cung cấp cá cảnh, phục vụ thú chơi tao nhã của người Sài Gòn.

Anh Võ Thanh Liêm - Chủ tiệm cá cảnh Dã Tượng (Quận 5) cho biết, nghề nuôi cá cảnh đến nay gia đình anh đã trải qua 5 đời. Trong suốt thời gian qua, từng thành viên trong gia đình đều làm những công việc liên quan đến cá cảnh và đó được coi là cha truyền con nối, cho thu nhập ổn định.

"Mỗi người trong gia đình nuôi cá cảnh ở một bộ môn khác nhau, không ai giống ai. Ba tôi nuôi cá Bảy màu, các chú thì có người nuôi cá Dĩa, La Hán... Tôi thì chuyên về buôn bán cá cảnh và các vật phẩm đi kèm, trong khi ấy các anh em của tôi thì nuôi cây thủy sinh hoặc buôn bán những dòng cá mắc tiền, ngoại nhập", anh Thanh Liêm chia sẻ.

Theo thống kê từ Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM, hiện có gần 600 cửa hàng bán cá cảnh trên khắp thành phố. Trung bình, có hàng ngàn con cá được bán ra thị trường mỗi ngày, trở thành mặt hàng có lượng lưu thông ổn định và tạo ra giá trị kinh tế cao.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.