Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung hai loại hình thiên tai là sương mù và gió mạnh trên biển. Theo lý giải của Chính phủ, đây là những hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội cần được quy định cụ thể trong Luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung công trình chống xâm nhập mặn, chống lũ quét, chống sét vào công trình phòng, chống thiên tai. Bởi trên thực tế, các công trình trên đã được các địa phương xây dựng. Tuy nhiên, các công trình này chưa được quy định cụ thể trong Luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tờ trình của Chính phủ sửa đổi cũng đề nghị bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế kịp thời, đúng quy định.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, cần sửa đổi tại Điều 24 về cảnh báo, dự báo và truyền tin về thiên tai. Theo đó, sửa đổi quy định về thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải “chính xác” thành “đủ độ tin cậy” để đảm bảo phù hợp với thực tế về công tác thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai và quy định của Luật Khí tượng thủy văn.
Bên cạnh đó, cần bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ NN-PTNT để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III trở lên đến cấp đặc biệt.
Luật Đê điều quy định hoạt động này phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập; một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tuyến đê.
Vì vậy, cần bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch đối với tuyến sông có đê từ cấp III trở lên phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ NN-PTNT nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn đê điều.