Đoạn đê ở huyện Tuy Phước được kiên cố để chống xói lở. |
Do độ dốc đáy sông lớn, nên khi có mưa thời gian tập trung lũ lên rất nhanh, uy hiếp dân cư sống trong lưu vực sông. Sông Hà Thanh bắt nguồn từ núi Ông ở huyện Vân Canh chảy theo hướng tây nam – đông bắc, nhập lưu vào đầm Thị Nại rồi chảy ra biển Đông.
Do sự cùng nhập lưu này của 2 con sông có tên gọi là lưu vực sông Kôn – Hà Thanh. Các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Phong (TX An Nhơn) và các xã Phước Quang, Phước Lộc và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) là vùng hạ lưu của lưu vực sông Kôn - Hà Thanh. Đây là những vùng đất thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi có bão lũ xảy ra.
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, những năm qua thời tiết diễn biến rất thất thường, không theo quy luật, nên việc thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phòng ngừa, ứng phó để giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra càng trở nên cấp bách.
Trong khuôn khổ Dự án Quản lý thiên tai do Chính phủ triển khai, Bình Định là một trong những địa phương được hưởng lợi. Giai đoạn 1 của dự án, Bình Định triển khai tại 4 xã: Nhơn An, Nhơn Phúc, Nhơn Hậu (TX An Nhơn) và xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Giai đoạn 2 triển khai tại 6 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Khánh, Nhơn Phong (TX An Nhơn) và xã Phước Quang, thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), đồng thời tiếp tục duy trì các xã thực hiện giai đoạn 1.
Cũng từ dự án này, đê sông Kôn đã được đầu tư hơn hơn 52 tỷ đồng xây dựng 5,6km đê kè chống xói lở bờ sông. Công trình này hoàn thành, tài sản và sinh mạng của người dân sống 2 bên bờ sông Kôn được bảo đảm an toàn. Đồng thời hồ Núi Một cũng được nâng cấp để đảm bảo khả năng chống lũ.
Đặc biệt, người dân trong vùng dự án còn được tập huấn đánh giá rủi ro thiên tai, lập kế hoạch ứng phó, phòng chống thiên tai. Không chỉ có cán bộ, nhân dân các xã trong vùng dự án, kiến thức về ứng phó, phòng chống thiên tai còn được đưa vào 27 trường học ở 10 xã thuộc vùng trũng thấp ở huyện Tuy Phước và TX An Nhơn, 651 giáo viên và 11.653 học sinh tham gia.
“Thông qua những hoạt động ngoại khóa và lồng ghép trong các tiết dạy, các em học sinh nắm bắt được những kiến thức về thiên tai. Qua đó, học sinh sẽ trang bị được cho mình cách ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Quang (huyện Tuy Phước) cho hay.
Đoạn sông Kôn chảy qua xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) được xây dựng bờ kè tránh xói lở. |
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, các địa phương trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; trong đó, công tác lập kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm luôn được duy trì và được chính quyền các cấp và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai lưu vực sông Kôn – Hà Thanh cũng đã được ngành chức năng cải thiện với các phần việc: Xây dựng hệ thống điều hành, quản lý lũ tổng hợp; xây dựng bản đồ ngập lụt; bổ sung trạm đo mưa nhân dân tại các hồ chứa nước; quy hoạch phòng chống lũ và đê điều.
Hiện nay, lưu vực sông Kôn – Hà Thanh có 45 quan trắc viên đo mưa nhân dân, 600 quan trắc viên cảnh báo sớm ngập lụt cộng đồng. Giai đoan 2016 – 2020 Bình Định sẽ mở rộng hệ thống đo mưa nhân dân, cảnh báo sớm ngập lụt cộng đồng đến lưu vực sông La Tinh và sông Lại Giang, phục vụ yêu cầu cảnh báo sớm mưa lũ.
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến việc di dời dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn tại các khu tái định cư, trường học, trụ sởxã và các khu vực an toàn khác. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh...”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |