Ngày 23/5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập khẩu thuốc giải độc tố botulinum.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện hai bệnh nhân (18 tuổi và 26 tuổi) được chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum biến chứng thần kinh cơ, suy hô hấp sau khi ăn bánh mì không và giò lụa (ăn riêng) mua của người bán dạo tài cầu Bà Cua (giao giữa khu vực 1 - 2 thành phố Thủ Đức).
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, kết quả hội chẩn của chuyên khoa về ngộ độc thì các bệnh nhân cần thiết được chỉ định sử dụng thuốc giải độc tố botulinum (BAT). Tuy nhiên, thuốc này là loại thuốc hiếm, không có trên thị trường và giá thành cao nên không có lượng thuốc dự phòng.
Vì tính cấp thiết cần có thuốc này để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, dự phòng cho các trường hợp cấp cứu khác phát sinh trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Sở Y tế TP.HCM nhập khẩn cấp loại thuốc giải độc tố botulinum để kịp thời sử dụng điều trị cấp cứu cho những bệnh nhân đang được hồi sức tích cực do ngộ độc botulinum. Đồng thời, dự phòng một lượng thuốc cơ bản để đáp ứng kịp thời khi có bệnh nhân tiếp tục bị ngộ độc.
Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép Sở Y tế TP.HCM được nhập khẩu khẩn cấp thuốc giải độc tố botulinum để cấp cứu người bệnh.
Liên quan đến việc cần phải có dự trù thuốc hiếm, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thuốc giải độc botulinum hay một số huyết thanh kháng độc rắn, vacxin phòng dại… đang trong tình trạng “ăn đong từng bữa”.
Khi thuốc nhập về, các bệnh viện vẫn chia sẻ với nhau nhưng hết sức bấp bênh. "Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần. Vấn đề không ở cái kho mà ở việc dự trù. Giống như Nhà nước dự trữ gạo để khi thiên tai thảm họa xảy ra sẽ xuất gạo cứu dân, thuốc cũng cần dự trù nếu trường hợp bất ngờ xảy ra, có thể huy động ngay”, bà Lan phân tích.
Vì vậy, bà Lan cho rằng, cần đưa danh mục vacxin, thuốc hiếm này vào trong danh mục dự trữ quốc gia khoảng 6 tháng đến 1 năm.
"Ngành y tế, Bộ Y tế phải đưa vào danh sách, không thể để chết người mới loay hoay. Đừng trông chờ mua sắm các loại thuốc hiếm như thuốc bình thường. Bởi vì đó là những thuốc khi cần bắt buộc phải có nó, không có gì thay thế.
Làm sao chúng ta bảo đảm được không ai bị chó cắn, rắn cắn, bị ngộ độc botulinum... và 1 bác sĩ có khi cả đời không gặp bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, nhưng trên 63 tỉnh thành thì chắc chắn có thể xảy ra. Nhiệm vụ của Bộ Y tế là phải nhìn thấy nguy cơ đó, và tất cả phải có dự trù, tính mạng con người là vô giá", bà Lan nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu có dự trù thì chúng ta sẽ có đàm phán, đặt hàng, khi đó giá sẽ khác, còn khi cần mới mua thì rất đắt đỏ.