Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra kiểm định chất lượng công trình thủy lợi Plei Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê).
Trước đó, Viện khoa học và Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng đã có báo cáo kết quả kiểm định chất lượng công trình Hệ thống kênh dẫn nước thuộc Dự án thủy lợi Plei Keo.
Theo đó, kết quả kiểm tra độ chặt đất đắp kênh dẫn đạt yêu cầu thiết kế (K90%); Kết quả kiểm tra cường độ hiện trường bê tông kênh chính, kênh nhánh N1, kênh nhánh N2 đạt mác thiết kế (M200); Kết quả kiểm tra cốt thép kênh chính, kênh nhánh N1, kênh nhánh N2 đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được duyệt và TCVN 4453:1995.
Bên cạnh kết quả kiểm định, đơn vị tư vấn kiểm định đã kiến nghị nhà thầu cần thực hiện công tác kiểm tra toàn tuyến kênh để sửa chữa những khuyết tật nhỏ trước khi nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng. Ngoài ra, nhà thầu cần thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, bảo trì đề đảm bảo tuổi thọ lâu dài của công trình.
Đơn vị tư vấn kiểm định cũng cần lưu ý việc kiểm tra công trình sau mỗi mùa mưa lũ, đặt biệt tại những vị trí cống tiêu thoát nước có lưu vực lớn để khắc phục kịp thời các hư hỏng đảm bảo vận hành kênh đúng công năng thiết kế.
Ngay khi có kết quả kiểm định, Sở NN-PTNT đã tham khảo ý kiến các Sở ngành để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong ý kiến của mình, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho rằng, dự án thủy lợi Plei Keo chỉ mới đánh giá và kết luận về kết quả kiểm tra độ chặt đất đắp, kết quả kiểm tra cường độ bê tông hiện trường, kết quả kiểm tra cốt thép bằng phương pháp điện tử.
Như vậy là chưa phù hợp với quy định chi tiết về kiểm định xây dựng (tại Thông tư 16/2016/TT-BXD về Quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng).
Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở NN-PTNT cần kiểm tra lại đề cương kiểm định công trình, xác định rõ mục tiêu, nội dung thực hiện kiểm định đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định hay chưa.
Ngoài ra, việc báo cáo kiểm định công trình thủy lợi Plei Keo phải có kết quả khảo sát, đánh giá, xác định mức độ, nguyên nhân hư hỏng, sự cố công trình và đưa ra các giải pháp, kiến nghị xử lý theo đúng quy định.
Đứng trên góc độ quản lý trực tiếp, Sở NN-PTNT đã đề nghị chủ đầu tư cần báo cáo cụ thể công tác khắc phục sửa chữa các tồn tại, hư hỏng qua đó đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ công trình; Xem xét xử lý trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tồn tại trong quá trình thi công.
Sở NN-PTNT cũng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung kiến nghị của đơn vị tư vấn kiểm định, tiếp tục thuê đơn vị tư vấn độc lập tổ chức kiểm định chất lượng, đánh giá khả năng chịu lực cụm công trình đầu mối dự án thủy lợi Plei Keo.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng hệ thống kênh cấp dưới và kênh nội đồng phù hợp với điều kiện sản xuất, thiết kế đồng ruộng của người dân để sớm phát huy hiệu quả công trình.
Chủ đầu tư cũng cần hoàn chỉnh hồ sơ để kiểm tra công tác nghiệm thu công trình và đưa vào sử dụng.
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, hệ thống kênh dẫn của Dự án thủy lợi Plei Keo có tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ chưa được nghiệm thu nhưng đã hư hỏng nghiêm trọng.
Công trình được thi công theo kiểu tạm bợ, nhiều điểm nối giữa ống thép với máng bê tông cũng đã bị nứt toác, sạt lở nghiêm trọng. Nhiều nơi máng bê tông không có nắp đậy, đá và vật liệu xây dựng đổ bừa bãi xung quanh đất sản xuất của người dân…
Toàn bộ Dự án thuỷ lợi Plei Keo có tổng vốn đầu tư xây dựng 119 tỷ đồng với công suất tưới 500 ha đất nông nghiệp, trong đó đa phần lúa nước. Riêng hệ thống kênh dẫn của Dự án thủy lợi Plei Keo có tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương là 70 tỷ đồng, ngân sách huyện Chư Sê hơn 7,7 tỷ đồng) được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2018 và giao cho UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư. Theo đó, UBND huyện Chư Sê chịu trách nhiệm về nội dung dự án, các giải pháp kỹ thuật, hồ sơ thiết kế…
Công trình vẫn chưa cung cấp đủ nước tưới cho cây lúa
Dự án thủy lợi Plei Keo đến thời điểm này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, nguồn nước tưới vẫn chưa đáp ứng được cho diện tích trồng lúa của người dân. Ông Rmah Dươn (làng Pleng nhỏ, xã Ayun) cho biết, những ngày qua nước từ công trình thủy lợi lúc có lúc không. Điển hình, nhiều ngày qua các kênh dẫn nơi đây lúc nào cũng cạn khô.
“Gia đình tôi có 2,5 sào lúa, trồng được hơn 2 tháng. Tuy nhiên, do nguồn nước tưới không ổn định khiến cho nhiều diện tích lúc của gia đình bị chết cháy”, ông Rmah Dươn nói và cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình trồng lúa nhưng xem như đã thất bại.