Với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 Nhà", Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, làm thế nào để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả nhất.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân, doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Nhờ tinh thần và sức mạnh ấy mà nông nghiệp, nông thôn nước ta trong năm 2020 một lần nữa lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay thay đổi về thể chế, pháp luật chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị.
Do đó, Chỉ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, mỗi chủ hộ kinh tế, giám đốc HTX và giá đốc doanh nghiệp phải được giải phóng bằng kiến thức của không chỉ của nhà sản xuất mà hơn nữa là phải là của nhà kinh doanh nông nghiệp tức là nhà kinh tế trí thức nông nghiệp với cuộc chuyển đổi lớn về các yếu tố của năng lực khởi nghiệp sáng tạo và quản trị.
Và để góp phần tranh thủ cơ hội vượt qua thách thức, chúng ta cần thống nhất những giải pháp căn cơ nhất để huy động vốn sử dụng có hiệu quả 2 vấn đề mấu chốt là "vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà". Đây chính là cầu nối quan trọng nhằm đưa ra những đề xuất, kiến nghị của nông dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị nông sản với sự tham gia của 6 nhà là nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Đó là chính sách vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 03 tỷ đồng , từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NN-PTNT.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm, thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Đến nay doanh số cho vay lũy kế chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ đạt khoảng 65.000 tỷ đồng (đạt 65%), dư nợ khoảng 28.000 tỷ đồng với hơn 14.400 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có chính sách xử lý nợ đặc thù nhằm chia sẻ tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Do đó, tại Nghị định 55 và Nghị định 116, Chính phủ đã quy định cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến khách hàng vay gặp khó khăn không trả được nợ vay đúng hạn.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ thêm, Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác, tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh, Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp, nhưng theo ông Vượng để cho vay tín chấp được ngoài vấn đề tài sản tín chấp, nông dân và HTX cần phải có phương án sản xuất phải thực sự khả thi.