| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất ban hành danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại

Thứ Ba 13/09/2022 , 16:36 (GMT+7)

Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại sẽ giúp giải quyết lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV.

Ngày 13/09/2022 Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều tổ chức hoạt động bảo tồn thiên nhiên. 

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam là việc ban hành danh mục các loài được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.

Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.

Theo nhận định của ENV, Danh mục sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam. Cụ thể: Bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại.

Quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng: Cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.

Chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi, danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi.

Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.

Ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ: Để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần đảm bảo có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi. Có đánh giá và dự báo thị trường.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro. Có quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.

Ông Thomas Lyons - Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại tọa đàm.

Ông Thomas Lyons - Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại tọa đàm.

Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép.

Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp.

Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kì vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc.

Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.